Chất lượng sống

Thày thuốc “cứu tinh” bệnh nhân ung thư xương

12/12/2018, 10:18

Gắn mình với lĩnh vực ung thư xương hơn 20 năm, thày thuốc Lê Chí Dũng đã giúp hàng trăm bệnh nhân ung thư...

17

PGS. Lê Chí Dũng và bệnh nhân điều trị 

Cái duyên cũng là cái nghiệp

“Chọn chuyên ngành ung thư xương đối với tôi vừa là duyên cũng là nghiệp. Bệnh nhân mắc ung thư xương rất khó trị, ảnh hưởng tâm sinh lý nặng nề. Đa số bệnh nhân mắc ung thư xương đều nghèo. Cái nghèo chồng lên cái khổ, phải nói là cái khổ đến tận cùng. Khi điều trị bệnh nhân ung thư, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh”, PGS. Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nội soi khớp - Y học thể thao Đông Nam Á, nguyên Trưởng khoa Bệnh học Cơ - Xương - Khớp BV Chấn thương chỉnh hình TP HCM chia sẻ khi được hỏi vì sao ông lại chọn chuyên ngành ung thư xương đầy nhọc nhằn này.

PGS. Lê Chí Dũng cho hay, “duyên nghiệp” này của ông xuất phát từ “hình tượng của người thày đáng kính - GS. Hoàng Tiến Bảo, Chủ nhiệm Bộ môn Chấn thương chỉnh hình ĐH Y dược TP HCM (người đặt nền móng cho ngành Cột sống và Ung thư xương - Phần mềm Việt Nam). Trong ký ức của mình, ông nhớ mãi những ngày đêm trước khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trong khi mọi người trăn trở thời cuộc, ít ai có tâm trí tập trung cho công việc, GS. Hoàng Tiến Bảo đã dọn vào ở hẳn trong BV Bình Dân để tập trung cứu chữa người bị thương, chạy nạn. Buổi sáng lót dạ với củ khoai lang, GS. Bảo đứng mổ cột sống hơn 8 tiếng đồng hồ, tối đến đạp xe đạp vào bệnh viện thăm người bệnh.

"Để điều trị bảo tồn chi và duy trì cuộc sống cho người bệnh ung thư, trước tiên bệnh nhân sẽ được làm hóa trị 3 đợt để gom khối bướu xương lại, sau đó phẫu thuật để cắt bỏ hoàn toàn khối bướu và cắt ghép xương mới thay thế vào chỗ khuyết vừa cắt để cố định khung xương giúp người bệnh có thể vận động sau mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hóa trị thêm 3 đợt nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể”.

PGS. Lê Chí Dũng

Cũng chính vì thế, sau khi ra trường, dù được phân công giảng dạy bộ môn Giải phẫu bệnh ở ĐH Y dược TP HCM, ông vẫn miệt mài theo học về ung thư xương, bướu phần mềm với GS. Bảo ở Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Bình Dân. Nhận thấy di sản của thày Bảo là mảng ung thư xương và bướu phần mềm có nguy cơ thất truyền, ông đã xin chuyển công tác về Trung tâm Chấn thương chỉnh hình để phụ trách lĩnh vực này vào năm 1990 cùng với BS. Lê Kính là giảng viên Bộ môn Chấn thương chỉnh hình của trường.

Trước đó, đối mặt với ca ung thư xương, các bác sĩ chỉ có cách xử trí đoạn chi. “Với ung thư xương, nếu làm nặng tay, không những làm đứt mạch máu, thần kinh, khối bướu rất dễ vỡ ra gieo rắc tế bào ung thư trong mô xung quanh nên khi mổ phải vô cùng cẩn trọng. Hơn nữa sau khi cắt rồi còn phải ghép xương rất phức tạp. Phẫu thuật một ca ung thư xương nhưng thực ra là có 5 cuộc mổ trong 1 cuộc mổ”, PGS. Lê Chí Dũng chia sẻ sự khó khăn khi đối diện chuyên ngành ung thư xương khiến bác sĩ nào cũng phải “chùng tay”.

“Ung thư xương di căn rất nhanh. Kể từ khi phát hiện có tế bào trong cơ thể, một tháng sau đã di căn. Dù chỉ ở một đoạn chi nhỏ cũng dẫn đến tử vong nhanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng điều trị bảo tồn chi trên bệnh nhân ung thư xương của tôi là kết hợp của nhiều yếu tố từ sự tiến bộ đồng loạt của kỹ thuật hóa trị, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu... Không có những yếu tố trên thì khó thành công”, PGS. Lê Chí Dũng chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai kỹ thuật, PGS cho biết “vừa làm, vừa run”. “Mặc dù kỹ thuật hóa trị đã được áp dụng trên các bệnh ung thư khác nhưng đối với ung thư xương, trước tôi chưa ai từng trải nghiệm. Để thực hiện được ca hóa trị đầu tiên, tôi phải mày mò nghiên cứu các phác đồ hóa trị của thế giới vì ai cũng biết hóa trị là con dao hai lưỡi. Phác đồ phức tạp dĩ nhiên hiệu quả sẽ cao hơn nhưng có tác dụng phụ rất nguy hiểm nên ban đầu tôi chỉ dám chọn phác đồ đơn giản để cùng làm với các anh em cho quen dần với tác dụng phụ của hóa trị và cách xử trí”, ông Dũng nhớ lại.

20 năm ân tình cứu giúp bệnh nhân

Sau hơn 20 năm ứng dụng kỹ thuật hóa trị, hàng trăm bệnh nhân ung thư xương đã được PGS. Lê Chí Dũng giữ lại mạng sống mà vẫn toàn vẹn tay chân. Nhắc về những hạnh phúc trong nghề từng trải, ông bảo nhiều vô kể. “Hạnh phúc là khi phát hiện ra một bệnh nhân chỉ bị bướu lành, không bị ung thư như những chẩn đoán trước đó. Tôi mừng đến nỗi chạy ngay ra khỏi phòng mổ để báo tin cho người thân của bệnh nhân ấy, không kịp cởi áo, tháo găng tay.

Hạnh phúc là khi được tham dự các buổi tiệc cưới của bệnh nhân bị ung thư đã được mình chữa khỏi, không thấy tái phát sau đó. Nhiều bệnh nhân từ miền Bắc, miền Trung bồng bế theo con nhỏ tìm đến tận nhà tôi để cảm ơn. Hạnh phúc là khi nhận được thư của một bệnh nhân bị ung thư xương sau 25 năm lành bệnh…”, người bác sĩ già chia sẻ.

Đáng nói, trong số rất nhiều bệnh nhân cũ ngày ấy, có người nay đã trở thành đồng nghiệp gần gũi của ông như điều dưỡng Nguyễn Thị D., hiện đang làm việc tại Khoa Bệnh học Cơ - Xương - Khớp BV Chấn thương chỉnh hình TP HCM.

Thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân khó khăn mắc bệnh ung thư cơ - xương - khớp nan y, nên bác sĩ Lê Chí Dũng đã vận động các mạnh thường quân, giúp đỡ hàng năm khoảng 100 triệu đồng cho những bệnh nhân này. Ngoài ra, mỗi lần đêm nhạc Blouse trắng - Hát cho yêu thương tổ chức để quyên góp giúp người nghèo, ông đều dành thời gian đóng góp tiếng hát, mong góp phần giảm nhẹ nỗi đau của bệnh nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.