Thị trường

Thế giới di động "tự ý giảm tiền thuê mặt bằng" có đúng luật?

08/10/2021, 16:41

Các luật sư khẳng định: Công văn tự miễn giảm tiền thuê mặt bằng là ý chí một bên, đối tác có thể khởi kiện Thế Giới Di Động.

Việc Công ty Cổ phần Thế giới di động vừa ra công văn "tự ý" miễn giảm tiền thuê mặt bằng gây xôn xao dư luận.

Nhiều đối tác/khách hàng (người cho thuê mặt bằng) đã lên tiếng khẳng định họ bị sốc vì Thế giới di động thông báo sẽ cấn trừ tiền thuê mặt bằng những tháng tới vì những tháng trước không hoạt động do dịch Covid - 19.

Chiều 8/10, đại diện truyền thông Thế giới di động cho biết, thông tin một vài đối tác/khách hàng "chỉ là một phía". Thực tế công ty đã nhiều lần có văn bản đàm phán với khách hàng về việc miễn, giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian doanh nghiệp phải đóng cửa do giãn cách xã hội. Cụ thể, mới đây nhất Thế giới di động đã có công văn lần 4 gửi đối tác để đề nghị miễn giảm tiền thuê mặt bằng, hoặc thanh lý hợp đồng.

Theo Thế giới di động, có 90% các đối tác của họ chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp. Thậm chí nhiều đối tác còn "chủ động không tính tiền thuê mặt bằng những năm sau", thời gian hậu Covid-19.
img

Thế giới di động cho biết đã nhiều lần có công văn gửi đối tác về việc đề nghị hỗ trợ miễn giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian giãn cách

Cũng theo đại diện Thế giới di động, hợp đồng có điều khoản miễn giảm tiền thuê: những trường hợp xảy ra do bất khả kháng, thiên tai, hỏa hoạn... mà "dịch bệnh cũng là trường hợp bất khả kháng".

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật Basico, cần xem lại các điều khoản trong hợp đồng ký giữa bên thuê và bên cho thuê. Trong hợp đồng dù có điều khoản "trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật" không có nghĩa là miễn hoàn toàn tiền thuê mặt bằng.

"Vẫn phải xem điều khoản đó được áp dụng vào nghĩa vụ nào, mức độ nào mới là quan trọng. Vì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì chỉ cho phép trả chậm, không bị phạt quá hạn, chứ vẫn phải có nghĩa vụ trả đủ tiền. Trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể thì lại khác", ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, dịch bệnh kéo dài cũng là trường hợp bất khả kháng. Và trường hợp này 2 bên cần thương lượng. Nếu không có tiếng nói chung thì có thể đưa nhau ra toà.

Bên cho thuê có thể khởi kiện

Theo luật sư Nguyễn Hà, Đoàn luật sư TP Hà Nội, trong hợp đồng thông thường sẽ có một điều khoản về những trường hợp bất khả kháng thì hai bên phải thương thảo với nhau.

Cụ thể, khoản 2 Điều 420 Bộ Luật Dân Sự nêu rõ, trong một số trường hợp, hai bên có thể thương thảo đàm phán hợp đồng trong thời gian phù hợp. Nếu không đàm phán được thì có quyền khởi kiện để yêu cầu sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Riêng công văn “tự giảm tiền mặt bằng" của Thế giới di động, luật sư cho rằng đây là ý chí của một bên, nếu bên cho thuê không chấp thuận thì nên khởi kiện.

“Ở góc độ nhân văn, dịch Covid-19 kéo dài tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống của chúng ta. Hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa nên chủ thuê mặt bằng cần hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho đối tác. Vì tại thời điểm này, nếu đối tác trả mặt bằng cũng không thể cho ai thuê. Ngay cả sau khi hết giãn cách, các đơn vị cho thuê mặt bằng cũng khó có thể cho thuê với giá như trước đây”, bà Hà nói.

Trước đó, ngày 2/8, Công ty Cổ phần Thế giới di động có "Công văn gửi quý đối tác mặt bằng" của chuỗi cửa hàng về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch.

Công văn nêu Thế giới di động sẽ không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không thanh toán 70% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch). Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021.

Công ty đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.