Điện ảnh

Thế giới kiểm duyệt phim: Trung Quốc cấm phim đam mỹ, Hollywood thì sao?

19/09/2021, 20:04
image

Trong khi Trung Quốc siết chặt các đề tài phim ảnh thì việc kiểm duyệt ở Hollywood lại kiểm duyệt phim thông qua những tổ chức phi chính phủ.

Trung Quốc siết chặt đề tài phim ảnh

Theo Sina, ngày 18/9, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc chính thức ra thông báo kiên quyết ngăn chặn việc chuyển thể các tiểu thuyết đam mỹ (tình yêu đồng tính nam) lên màn ảnh, chống lại sự phát triển của văn hóa dị thường.

img

Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác trong phim Trần tình lệnh

Trước đó, đơn vị này đã đề cập đến vấn đề nói trên tại một hội nghị chuyên đề về phim ảnh diễn ra tại Bắc Kinh hôm 16/9.

Theo Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc, làn gió chuyển thể đam mỹ đã tạo nên những nhóm khán giả với thẩm mỹ dị thường. Họ yêu thích việc hai nam diễn viên có cử chỉ tình cảm dành cho nhau.

Cùng với đó, phong cách unisex, nam nghệ sĩ mặt hoa da phấn cũng ngày càng phổ biến và được ưa chuộng. Nhóm khán giả nữ ở độ tuổi 14-20 có xu hướng yêu thích những nghệ sĩ đẹp thanh tú, trắng trẻo, gầy gò hơn là hình tượng nam tính, khỏe khoắn.

Thậm chí, một số nhân vật anh hùng võ hiệp nổi tiếng như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ phiên bản mới cũng trở nên thư sinh, yếu đuối hơn so với sự phong trần, nam tính của các bản trước.

Giới chức Trung Quốc cho rằng, làn sóng chuyển thể đam mỹ là khởi nguồn của nhiều hiện trạng xấu như nâng đỡ lớp diễn viên tài năng hạn chế, tạo nên nhóm fan cuồng, sẵn sàng chi nhiều tiền để làm đẹp thành tích của thần tượng, và khiến cuộc khủng hoảng nam tính ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng.

Trước đó, vào đầu tháng 9, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc cũng đề cập đến phim đam mỹ cải biên trong danh sách các vấn đề cần giải quyết toàn diện nhằm chấn chỉnh nền văn hóa giải trí của đất nước tỉ dân.

img

Thượng ẩn từng là bộ phim đề tài đam mỹ từng làm mưa làm gió màn ảnh

Hồi tháng 7/2021, HK01 và truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về việc, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành văn bản về quy định kiểm duyệt trong phim ảnh nội địa.

Theo HK01, nội dung văn bản nêu rõ, phim ngôn tình không được quá ngọt ngào. Trong phim thanh xuân vườn trường, nhân vật không được yêu quá sớm. Tình yêu đồng tính trên phim phải đổi thành tình bạn. Phim xuyên không (du hành thời gian) phải có yếu tố lý giải về khoa học logic. Phim tâm linh, ma quỷ và phim bối cảnh thời Dân quốc có quá nhiều yếu tố tư bản hóa sẽ bị cấm tuyệt đối.

Phim chuyển thể tiểu thuyết phải hoàn toàn hư cấu, không được liên quan tới lịch sử. Phim lịch sử - dã sử không được thay đổi sự kiện, câu chuyện có thật, không được đề cập các giá trị tiêu cực. Các phim khai thác chủ đề về game được yêu cầu không được tập trung vào game thủ.

Trước đó, các phim về tình yêu thầy trò, ngoại tình, kẻ thù gia tộc, bạo lực học đường, phim giang hồ hắc ám, phim cung đấu... từng bị cấm vì được cho là làm lệch lạc tư tưởng người xem, gây nhầm lẫn của người trẻ đối với văn hóa truyền thống.

Hollywood không có cơ quan kiểm duyệt của nhà nước

Tại kinh đô điện ảnh với lịch sử hơn 100 năm, Hollywood mãi đến cuối những năm 1960 mới thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Thời điểm đó, màn ảnh Hollywood tràn ngập hình ảnh gợi dục và bạo lực khiến khán giả ngán ngẩm.

img

Việc kiểm duyệt phim ảnh của Hollywood có nhiều điểm đặc biệt

Hollywood Reporter cho biết, hiện tại, Hollywood thực hiện việc kiểm duyệt phim thông qua những tổ chức phi chính phủ. Điều này giúp cho bộ phim nhanh chóng ra rạp và sẽ không bị cắt xén một cách khiên cưỡng.

Đặc biệt, hệ thống phân loại phim điện ảnh (MPAA) ra đời giúp đưa phim tới từng phân khúc khán giả và làm cho việc kiểm duyệt phim được tinh giản, hiệu quả hơn nhiều.

Trong trường hợp, nhà sản xuất phim cảm thấy không hài lòng với phân loại của phim trước khi phát hành, họ có thể tiến hành biên tập lại phim, sau đó trình lại lên MPAA. Họ cũng có thể khiếu nại lên Ban Khiếu nại để xét lại phân loại này.

Ngoài hệ thống phân loại phim của MPAA, Mỹ còn có hệ thống kiểm duyệt phim thuộc chính quyền ở các tiểu bang. Các hệ thống này có quyền yêu cầu chỉnh sửa phim phát hành trong phạm vi tiểu bang của mình.

img

Bộ phim tài liệu về ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton từng bị cấm chiếu

Theo Hollywood Reporter, không ít phim đã bị cấm trình chiếu ở Mỹ do vi phạm pháp luật. Đơn cử, Hillary: The Movie (2008) - bộ phim tài liệu về ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton từng bị cấm chiếu trong một thời gian.

Bởi, Ủy ban bầu cử liên bang cho rằng, đây là một “sản phẩm truyền thông vận động bầu cử” của một ứng cử viên Tổng thống, điều này vi phạm Đạo luật vận động tranh cử năm 2002.

Mặc dù, hệ thống phân loại của MPAA không có giá trị về mặt pháp lý, nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn do được ủng hộ bởi Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu phim quốc gia (National Association of Theater Owners - NATO).

MPAA phân loại các bộ phim theo nội dung:

G (General Audiences) – Phim dành cho mọi lứa tuổi, PG (Parental Guidance Suggested) – Phim có thể có một số chi tiết (hình ảnh, từ ngữ) không phù hợp với trẻ nhỏ. Bố mẹ cần cân nhắc khi cho con cái xem phim.

PG-13 (Parents Strongly Cautioned) – Phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi.

R (Restricted) – Thanh thiếu niên dưới 17 tuổi không được xem phim nếu không có sự đồng ý của người lớn.

NC-17 (No One 17 and Under Admitted) – Phim hoàn toàn không dành cho khán giả dưới 17 tuổi, do có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội.

Not Rated: Khi một bộ phim lưu hành mà chưa được phân loại, nó sẽ phải mang nhãn này

Unrated: là phim không được duyệt, nên không được chiếu rạp mà chỉ phát hành ở dạng video-DVD home

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.