Góc nhìn

Thế giới lên án Trung Quốc “gây hấn” ở biển Đông

22/05/2015, 08:25

Những động thái mới của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.​

daogac_ma_141321700
Đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên biển Đông.

Ngang nhiên đưa tàu du lịch hoạt động

Hôm qua (21/5), trả lời PV Báo Giao thông về thông tin Trung Quốc triển khai tàu chấp pháp, tàu du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động trên quần đảo này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều là vô giá trị”.

Trước đó, cùng ngày, hãng tin Xinhua đưa tin: Trung Quốc triển khai Tàu chấp pháp số 1 đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu này dài 97,5 m, rộng 14 m, cao 7 tầng, vận tốc 22 hải lý/giờ và có khả năng hoạt động liên tục 6 nghìn hải lý. Trên tàu có một bãi đáp trực thăng và một gara. Ngoài ra, kể từ tháng 10 tới, công ty Vận tải biển Hainan Strait của nước này đưa con tàu Haisi Gongzhu vào hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch trên Biển Đông, hải trình từ thành phố cảng Tam Á, đảo Hải Nam ra quần đảo Hoàng Sa.

Đây là những động thái gây căng thẳng mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông. Tại Triển lãm quốc phòng biển châu Á-Thái Bình Dương IMDEX 2015 được tổ chức từ 19-21/5 ở Singapore, trước các Tư lệnh Hải quân và người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Biển trong khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc “khẩn trương” ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm xoa dịu căng thẳng hiện nay trong khu vực. Ông Ng Eng Hen khẳng định Singapore không đứng về bên nào trong tranh chấp hiện nay trên Biển Đông, song nước này lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố, thậm chí là xung đột đang ngày một gia tăng.

Đồng thời, tờ Wall Street Journal dẫn lời Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Michelle Howard  lo ngại: “Tôi cho rằng Trung Quốc cần phải làm sáng tỏ về mục đích cuối cùng của việc bồi đắp đảo nhân tạo. Không ai nghĩ rằng Trung Quốc đang xây dựng cơ sở dân sự ở đó”. Trong năm, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bồi đắp thêm khoảng 8,1 km2 tại các bãi đá mà nước này chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hòn đảo nhân tạo này đủ lớn để máy bay chiến đấu cất và hạ cánh.

Căng thẳng Biển Đông phức tạp và dễ bùng nổ

Liên quan đến việc mới đây Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Giáo sư Erik thuộc Đại học Tự do Brussels (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực cho rằng, lý do cấm đánh bắt cá để bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên của Trung Quốc là không thỏa đáng. Đây là vùng biển tranh chấp và các quốc gia ven biển đều có quyền khai thác. Lý do này chẳng có tác dụng bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên mà chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ngày 20/5, Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đã tổ chức hội thảo “Căng thẳng mới ở Biển Đông”. Ông Didier Billion, Phó giám đốc IRIS cho biết, thông tin về khu vực này ít, báo chí và giới nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Theo ông Didier, những căng thẳng ở Biển Đông là một trong những vấn đề phức tạp, dễ bùng nổ nhất, nhưng vấn đề này chưa được phương Tây nhận thức một cách đầy đủ.

Tại hội thảo, các học giả khẳng định thế giới cần có đóng góp vào việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để làm giảm căng thẳng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.