Thế giới giao thông

Thế giới loại bỏ xe máy tại các đô thị thế nào?

03/04/2017, 08:25

Nhiều thành phố (TP) trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á không chỉ xóa sổ xe máy cũ nát...

12

Dù Myanmar đã áp dụng lệnh cấm xe máy từ lâu nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp thản nhiên vi phạm

Paris cấm xe máy “quá đát” để giảm ô nhiễm

Mới đây nhất, phải kể đến Thủ đô Paris, Pháp khi TP này cấm các xe máy đời cũ, phát thải cao không được di chuyển trên đường để hạn chế ô nhiễm. Nhà chức trách Paris lý giải, dù xe máy có một số ưu điểm như nhỏ gọn, tiết kiệm không gian trên đường, tại bãi đỗ xe, cũng như tiết kiệm nhiên liệu nhưng gây ô nhiễm nặng nề hơn ô tô do không được kiểm soát phát thải chặt chẽ.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, Thủ đô Paris thực hiện giai đoạn đầu tiên cấm xe máy sản xuất trước năm 2000 di chuyển trên đường. Sau đó, tới năm 2020, chính quyền TP Paris tiến tới cấm xe máy được sản xuất từ trước năm 2004.

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí tại Paris có dấu hiệu tiêu cực, lệnh cấm được nhiều người dân ủng hộ. Song, không ít nhóm người thường xuyên sử dụng xe máy hoặc đam mê loại xe này phản đối. Một số khác cho rằng, các biện pháp này ảnh hưởng tới nhiều nhóm người thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính quyền TP khẳng định, sẽ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, giúp họ tìm những lựa chọn phương tiện giao thông khác.

Giảm tắc đường, TNGT và nạn trộm cắp

Nhiều TP khác cấm xe máy không chỉ vì lo ngại ô nhiễm mà còn để giảm thiểu TNGT cũng như tắc đường tại đô thị. Telegraph dẫn lời chuyên gia nghiên cứu về an toàn Na Uy Rune Elvik cho rằng, nên cấm xe máy để hạn chế thương vong vì an toàn đường bộ. Theo ông, các nước đang đề ra mục tiêu “Không người thiệt mạng vì TNGT” (Vision Zero), điển hình như Na Uy, Australia và Thụy Điển nên coi việc thực hiện phương án này là cấp bách.

Trong khi các nước phương Tây mới đang nghiên cứu về vấn đề này thì tại Đông Nam Á, Myanmar đã bắt đầu áp dụng từ năm 1989. Lúc đó, lệnh cấm mới khoanh vùng trong khu vực trung tâm TP lớn nhất nước này - Yangon, đối với xe máy sử dụng xăng. Đến nay, TP 7 triệu dân của Myanmar bắt đầu mở rộng lệnh cấm đối với xe máy công vụ và tới đây là cả xe đạp điện.

Thanh tra Cảnh sát Myanmar Hlaing Win Aung cho biết: “Người điều khiển xe máy thường xuyên lạng lách đánh võng, lái xe ngược chiều, lấn làn, chở quá tải, không có bằng lái xe”. Do đó, người tham gia giao thông tại Myanmar chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm vì xe máy. “Tôi chứng kiến quá nhiều người thiệt mạng nên lệnh cấm đối với xe máy với Yangon là đúng đắn”, thanh tra Win Aung khẳng định.

Tuy lệnh cấm và mục tiêu đề ra là vậy nhưng việc thực hiện quy định trên thực tế lại hoàn toàn khác. Rất nhiều người dân Yangon vẫn ngang nhiên lái xe máy trên đường. Một người điều khiển xe máy giấu tên tại Yangon cho biết, ông không có bằng lái, vẫn sử dụng loại xe này để đi lại suốt 3 năm nay và chưa bao giờ bị bắt. “Tôi rất sợ cảnh sát nhưng tôi biết cảnh sát sẽ không bắt xe nếu tôi không đi vào những con đường chính”, người này nói. Một lý do khác gây hoài nghi về khả năng tăng cường ATGT của quy định này, đó là sự đối nghịch trong chế tài xử phạt người điều khiển phương tiện không có bằng lái và có bằng lái. Nếu người vi phạm không có bằng lái, phương tiện sẽ bị thu giữ. Nếu trong 3-4 tháng, người vi phạm không nộp bằng lái, phương tiện sẽ bị tiêu hủy. Cảnh sát khu vực North Okkalapa đã phải tiêu hủy khoảng 100 xe máy/5 tháng.

Còn nếu người điều khiển phương tiện có bằng lái, họ sẽ chỉ phải trả tiền phạt 51.500kyat (tương đương gần 850 nghìn VND) để lấy lại xe sau 1 tháng. Một vài trường hợp được lấy xe rất nhanh và dễ dàng nếu có “người quen”. Chẳng hạn, một người dân tại North Okkalapa giấu tên chia sẻ, ông từng bị CSGT bắt giữ và bị thu xe máy. Nhưng ngay ngày hôm sau, nhờ sự can thiệp của anh trai là Chỉ huy quân đội, người này đã được trả xe ngay lập tức. Vì những lý do này, lệnh cấm xe máy tại Yangon chưa tạo được hiệu quả cao trong vấn đề nâng cao ATGT.

Trong khi đó, tại TP Quảng Châu, Trung Quốc, chính quyền nơi đây lại cấm xe máy với mục tiêu chính là giảm tỉ lệ phạm tội, sau đó mới đến giảm TNGT và tắc đường. Lệnh cấm xe máy bắt đầu được thực hiện từ năm 2007. Xe máy không chỉ là phương tiện thường dùng của công nhân làm ăn xa nhà mà còn là phương tiện để phạm tội của những kẻ trộm cắp, cướp giật. Số vụ trộm cắp sử dụng xe máy tại Quảng Châu lên tới 100.000 vụ/năm. “Tội phạm là vấn đề dai dẳng tại Quảng Châu”, Giám đốc Quản lý Nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Quảng Châu cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.