Hồ sơ tài liệu

Thế giới phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan ở biển Đông

09/05/2014, 06:51

Nhiều tờ báo lớn của Đức như: "Thế giới", "Thời đại", "Tấm gương"... đều đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông ...

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trả lời báo chí về những căng thẳng Biển Đông thời gian gần đây tại Hà Nội chiều qua
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trả lời báo chí về những căng thẳng Biển Đông thời gian gần đây tại Hà Nội chiều qua

Trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Trung Quốc đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam, không những khiến dư luận và truyền thông thế giới lên án mạnh mẽ mà các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới đã chính thức bày tỏ quan ngại về “hành vi nguy hiểm” của Trung Quốc tại biển Đông. 

“Hành xử nguy hiểm”


Hàng loạt hãng tin lớn thế giới đã đưa tin về việc tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, gây căng thẳng cho tình hình trong khu vực. Hãng tin AP nhận định trong bài “Việt Nam nỗ lực ngăn Trung Quốc triển khai giàn khoan” rằng, động thái này của Trung Quốc khiến tình trạng căng thẳng leo thang và đây là một trong những hành động khiêu khích nhất của nước này. 


Tờ The Economist cho rằng, cơ sở của những tuyên bố chủ quyền trên vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan là mơ hồ, cũng giống như bản đồ “đường chín đoạn” khẳng định chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông mà Trung Quốc từng công bố. Điều này không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.


Ngày 7/5, nhiều tờ báo lớn của Đức như “Thế giới”, “Thời đại”, “Tấm gương”,... đều đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam là “một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Bắc Kinh”.

Bày tỏ quan ngại sâu sắc


Chiều qua, tại Hà Nội, ông Daniel Russel - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt nhấn mạnh: Mỹ có quan điểm các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cần phải được xử lý một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế.
 

"Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự thực là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này”.

 

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain

Cùng ngày, trả lời báo giới về phản ứng của Singapore trước thông tin có nhiều sự cố xảy ra tại Biển Đông, đặc biệt là các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc, Singapore kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Singapore tiếp tục kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Sáng 8/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và khiến Nhật Bản quan ngại. Ông kêu gọi tránh mọi hành động đơn phương trên Biển Đông. 


Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về an ninh trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết: “Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đó và giàn khoan của Trung Quốc không được phép đưa vào đây mà không có sự cho phép của Việt Nam. Trong trường hợp này, không chỉ là một giàn khoan mà đó là một hành động khiêu khích cao độ khi đi kèm theo là 80 tàu các loại bao gồm cả tàu hải quân. Đây là một sự leo thang trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này vi phạm luật pháp quốc tế”.


Về phía Trung Quốc, hôm qua (8/5), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho rằng: Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và vụ việc giữa hai nước trên Biển Đông không phải là một vụ “đụng độ”. Một số chuyên gia cho rằng, đây là động thái lấp liếm những hành động hung hăng của Trung Quốc.

Quang Minh

Phải quyết liệt ngăn chặn

 

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc, Việt Nam có tính đến phương án kiện nước này ra tòa án quốc tế, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng, đây là một việc nên làm để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cũng như tạo sức ép dư luận đối với các hành động sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Dương Danh Dy, đây không thể coi là thượng sách. Hành động của Trung Quốc thời gian qua nhằm hai mục đích: Chính trị (vi phạm chủ quyền) và kinh tế (khai thác dầu lửa). Tính chất của lần vi phạm này rất nguy hiểm. Và việc cần làm hiện nay là phản đối, ngăn chặn, không cho Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.


Chúng ta phải tuyên truyền làm sao để người dân thấy rằng, đây là một động thái leo thang nguy hiểm, bộc lộ rõ âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Nếu chúng ta không có hành động ngăn chặn quyết liệt, cụ thể, phía Trung Quốc sẽ còn lấn tới ở những lần khác, chỗ khác trên vùng biển của Việt Nam.

 

Minh Thành

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.