Thời sự Quốc tế

Thế giới phản ứng thế nào trước “siêu biến chủng” Omicron?

30/11/2021, 10:09

Giờ đây, khi biến chủng Omicron xuất hiện, cách con người phản ứng đã khác nhiều so với thời phát hiện siêu biến chủng Delta.

Khi Bộ trưởng Y tế Nam Phi thông báo ghi nhận biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là B.1.1.529 (Omicron) và e ngại đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh, một lần nữa thế giới lại được cảnh báo virus sẽ liên tục đột biến.

Tuy Omicron được nhận định dễ lây nhiễm, có nhiều đột biến nhưng điều may mắn là giờ đây, cách con người phản ứng đã khác nhiều so với thời phát hiện siêu biến chủng Delta.

img

Israel cấm tất cả hành khách nước ngoài vào nước này từ đêm 28/11 trong thời gian kéo dài ít nhất 14 ngày. Ảnh: RT

Chủ động phát hiện sớm

Với Delta, cả thế giới chỉ biết đến nó khi siêu biến chủng này bắt đầu hoành hành và gần như không thể cản nổi. Nhưng giờ đây, với Omicron, các nhà khoa học đã phát hiện ra từ sớm, giới chức các nước nhanh chóng có hành động tức thì.

Chia sẻ về biến chủng mới, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Covid-19 cho biết: “Chúng tôi hiểu, mọi người rất lo sợ. Nhưng may mắn là chúng ta đã có nhiều hệ thống giám sát trên toàn thế giới để phát hiện các biến chủng rất nhanh. Biến chủng lần này được phát hiện từ vài tuần trước và đã có nhiều nhà khoa học đang chia sẻ các nghiên cứu, thông tin với chúng tôi để có thể sớm hành động”.

Theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, điều người dân trên toàn thế giới cần làm lúc này là giảm bớt nguy cơ phơi nhiễm với virus.

Một công thức nguyên thủy, luôn được khuyến cáo ngay từ đầu dịch, đã và đang có tác dụng tốt nhất đó là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, đảm bảo tay sạch khi đưa lên mũi và miệng, tránh nơi đông người, giữ phòng thông thoáng và tiêm phòng vaccine.

Các nhà khoa học cảnh báo, kể cả khi đại dịch gần kết thúc, Covid-19 trở thành dịch thông thường thì không có nghĩa là virus biến mất hoàn toàn.

“Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các nhà khoa học đó là vẫn tiếp tục phải xác định, theo dõi các biến chủng mới để quyết định mức độ nghiêm trọng”, Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins chia sẻ.

“Không bao giờ có chuyện mối đe dọa Covid-19 về mức 0 khi virus chuyển biến thành bệnh đặc hữu. Chỉ có điều, nếu virus không còn khiến các bệnh viện rơi vào khủng hoảng, năng lực điều trị của ngành y tế được tăng cường, khả năng miễn dịch của người dân tăng cao thì sẽ có khuyến nghị nới lỏng các biện pháp hạn chế”, theo Tiến sĩ Amesh Adalja.

Chuẩn bị vaccine đặc biệt phòng Omicron

Trong lần phát hiện biến chủng này, các nhà sản xuất vaccine cũng đã chủ động chuẩn bị nâng cấp vaccine nhắm vào Omicron rất sớm.

Từ Pfizer & BioNTech, Moderna, đến AstraZeneca đều thông báo đang phối hợp để nhanh chóng tìm hiểu tác động của biến chủng Omicron đối với vaccine do các hãng sản xuất.

Theo thông báo của Moderna, công ty này khẳng định, từ đầu năm 2021, hãng đã tăng cường các chiến lược toàn diện để có thể dự đoán các biến chủng đáng quan ngại mới.

Hãng vạch ra 3 mức phản ứng nếu mũi vaccine tăng cường hiện nay không đủ để nâng cao khả năng miễn dịch trước các biến chủng.

Hiện tại, công ty này đang đánh giá 2 “ứng viên” vaccine tăng cường để xem có thể tạo được hàng rào bảo vệ tốt hơn đối với Omicron hay không. Cả 2 vaccine mà hãng điều chế đều có chứa một số đột biến tương tự như ở Omicron.

Đồng thời, Moderna cũng đang đánh giá một loại vaccine tăng cường được phát triển đặc biệt chống lại Omicron.

Còn nhà sản xuất vaccine AstraZeneca cho biết, đang tìm hiểu tác động của biến chủng mới với vaccine của họ. Ngoài ra, hãng cũng đang thử nghiệm một liệu pháp kết hợp kháng thể chống lại biến chủng mới.

“AstraZeneca đã thực hiện nghiên cứu tại nhiều địa điểm nơi biến chủng mới được xác định như Botswana và Eswatini, từ đó chúng tôi có thể thu thập dữ liệu thực về khả năng vaccine của hãng chống đỡ trước biến chủng mới”, đại diện hãng dược phẩm này cho biết.

Ngoài ra, công ty cũng đang đánh giá hiệu quả chống lại biến chủng của liệu pháp điều trị kháng thể AZD7442 và hy vọng AZD7442 sẽ vẫn đảm bảo hiệu quả vì thuốc bao gồm 2 loại kháng thể mạnh có cách hoạt động khác nhau và bổ sung cho nhau để chống lại virus.

Israel ban hành lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt phòng Omicron

Theo hãng tin RT, Israel, quốc gia phát hiện 1 ca nhiễm Omicron, đã ban hành lệnh cấm đi lại khá nghiêm ngặt để phòng biến chủng Omicron.

Từ đêm 28/11, Israel cấm toàn bộ người nước ngoài vào nước này và giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo xác định vị trí, truy vết tất cả những người nước ngoài đến từ các điểm nóng có biến chủng Omicron, đã vào nước này trong thời gian gần đây.

Với quy định trên, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn toàn đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 14 ngày để phòng biến chủng Omicron.

“Sở dĩ chính phủ Israel hành động nhanh và cẩn trọng vì đã rút kinh nghiệm sau cuộc diễn tập toàn quốc mang tên Omega trong đó có nội dung tập rượt phản ứng nếu có biến chủng mới xuất hiện”, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhấn mạnh.

Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11. Sau đó, một số quốc gia như Botswana, Bỉ, Israel, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Anh… đã ghi nhận ca nhiễm liên quan tới biến chủng này.

Tại cuộc họp khẩn ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên biến chủng mới là Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta, với 32 đột biến trong protein gai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.