Thế giới

Thế giới phát triển cảng hàng không như thế nào? (Kỳ 2)

23/10/2014, 13:23

10 năm tới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 350 sân bay mới với tổng đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc dự kiến xây 100 sân bay, Ấn Độ khoảng hơn 60 sân bay.

Kỳ 2: Châu Á sẽ xây mới 350 sân bay

Dù 18 năm là sân bay tốt nhất thế giới, năm 2017 Changi sẽ đưa vào sử dụng nhà ga T4 và đang lên kế hoạch xây dựng nhà ga T5
Dù 18 năm là sân bay tốt nhất thế giới, năm 2017 Changi sẽ đưa vào sử dụng nhà ga T4 và đang lên kế hoạch xây dựng nhà ga T5

Trong 10 năm tới, ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 350 sân bay mới với tổng số tiền đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đang dự kiến xây 100 sân bay, Ấn Độ khoảng hơn 60 sân bay.

Mở rộng là tất yếu

Những dòng người xếp hàng với những xe hành lý chất cao, hay cảnh chờ đợi vì hoãn, hủy chuyến không còn là điều xa lạ đối với bất cứ ai đi lại bằng đường hàng không, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Philippines, Indonesia, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho việc đi lại bằng máy bay.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng hàng năm 6%, lên 248 triệu lượt khách du lịch trong năm ngoái. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới.

Các hãng hàng không cũng nhanh chóng hồi đáp bằng cách đặt ra các hãng hàng không giá rẻ và các lộ trình bay mới. Điều này khiến nhiều sân bay không thể đáp ứng vì quá tải, khiến Chính phủ buộc phải mở rộng, hoặc xây các sân bay mới để tăng cường năng lực vận chuyển hàng không.

Ông Chris De Lavigne, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu Frost & Sullivan Asia Pacific, người chuyên nghiên cứu lĩnh vực hàng không dân dụng châu Á cho biết: “Trong 10 năm tới, ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ xây dựng khoảng 350 sân bay mới với tổng số tiền đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đang dự kiến xây 100 sân bay, Ấn Độ khoảng hơn 60 sân bay”.

Singapore sẽ xây nhà ga T5

Indonesia dự kiến xây 62 sân bay mới trong 5 năm tới, ngoài 237 sây bay đã có hiện nay. Sân bay Soekarno - Hatta tại Jakarta phục vụ 60 triệu hành khách năm 2013 (gấp ba lần công suất thiết kế) đang được nâng cấp tiếp để đáp ứng nhu cầu vẫn đang  tăng. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) dự kiến tăng gấp đôi khả năng phục vụ lên 100 triệu hành khách vào năm 2020.

Philippines đang triển khai kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế mới nhằm thay thế hoàn toàn sân bay quốc tế Ninoy Aquino (đứng thứ ba trong danh sách các sân bay tệ nhất châu Á) vì sự đông đúc và cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Nhà ga T1 của sân bay này được xây từ năm 1981 với công suất 6 triệu hành khách/năm, nhưng đã phải phục vụ tới 30 triệu hành khách năm 2013.

Địa điểm chiến lược được chọn xây dựng mới là Sangley Point - nằm ở cửa ngõ vịnh Manila, cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút đi xe và giao thông thuận tiện.

Trong khi đó, Hồng Kông muốn mở rộng sân bay để có thể đáp ứng nhu cầu của 97 triệu hành khách vào năm 2030 so với trên 60 triệu hành khách năm ngoái. Bắc Kinh, ngoài sân bay quốc tế đang phục vụ 80 triệu hành khách/năm, đang xây dựng sân bay quốc tế thứ 2, trị giá 11 tỷ USD, dự kiến năm 2018 sẽ hoạt động với công suất 40 triệu khách/năm.

Ngay cả Sân bay quốc tế Changi (18 năm là sân bay tốt nhất thế giới) của Singapore, đang được mở rộng, với việc xây dựng nhà ga T4 trị giá 1 tỷ USD, dự kiến hoạt động vào năm 2017. Nhà ga T4 mới sẽ nâng khả năng phục vụ của sân bay Changi lên 82 triệu hành khách/năm so với 54 triệu hành khách hiện nay. Singapore cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà ga T5.

Các nước có điểm du lịch ít phát triển nhất cũng đang hướng tới việc xây dựng sân bay quốc tế mới như Myanmar, sau hàng thập kỷ bị cô lập, đang hướng tới việc nâng cấp 39 sân bay để đáp ứng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng từ 4,2 triệu năm 2013 lên 30 triệu vào năm 2030.

Chính phủ Myanmar đang xây dựng Sân bay quốc tế Hanthawaddy với chi phí 1,5 tỷ USD làm sân bay thứ hai của Yangon. Bangladesh cũng đang xây dựng sân bay mới trị giá 7,2 tỷ USD, cách Thủ đô Dhaka khoảng 60 km.

Bên cạnh việc xây dựng sân bay quốc tế mới tại các thành phố trọng tâm, nhiều nước cũng hướng tới việc xây dựng sân bay quốc tế tại các thành phố cấp hai như Trung Quốc hay Indonesia.

Theo ông De Lavigne, Sân bay quốc tế Kuala Namu ở Medan của Indonesia mở cửa hồi tháng 7, có thể trở thành sân bay trung chuyển giữa Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ và Trung Quốc với khả năng phục vụ 8 triệu hành khách/năm.

Hà Ngọc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.