Hồ sơ tài liệu

Thế giới sẽ thiệt hại 9,2 nghìn tỉ USD vì phân phối vaccine không đều

22/02/2021, 07:06

Việc mất cân bằng nguồn cung vaccine không chỉ là vấn đề của quốc gia nghèo mà còn ảnh hưởng tới cả túi tiền của nước giàu.

img

Vaccine đã có nhưng thế giới cần quan tâm tới việc tiêm chủng thế nào cho công bằng, hiệu quả

Cả năm 2020, thế giới mong chờ vaccine phòng virus gây viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Nhưng sang năm 2021, khi nhiều loại vaccine được phê chuẩn, điều thế giới lo lắng là việc phân phối vaccine như thế nào giữa nước giàu và nước nghèo. Nếu tiếp tục mất cân bằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.

Năm 2024, những nước nghèo mới hoàn thành tiêm chủng

Khi ngày càng có nhiều loại thuốc tăng cường miễn dịch được thông qua, một số nước đã mua xong lượng vaccine gấp nhiều lần dân số, điển hình như cả Canada và Anh đều đảm bảo lượng vaccine gấp 3-5 lần dân số.

Tại Singapore, toàn bộ 5,7 triệu dân, bao gồm người nước ngoài, người nhập cư đều được cam kết tiêm vaccine miễn phí tính đến quý III năm nay. Hiện tại, quốc đảo sư tử đã tiêm phòng lần 1 cho 113.000 người (trung bình cứ 100 người có 2 người được tiêm).

Indonesia cũng hành động sớm, đảm bảo được 330 triệu liều. Số lượng này đủ tiêm cho 165 triệu trong tổng số 270 triệu dân vì gần như tất cả các loại vaccine đều có phác đồ tiêm từ 1-2 liều. Tính đến nay, đã có khoảng 368.000 trong số 270 triệu dân Indonesia được tiêm phòng.

Song ở một nơi khác của châu Á, Philippines vẫn còn băn khoăn đàm phán về giá vaccine.

Viễn cảnh u ám nhất là ở Campuchia, Lào và Myanmar, trong đó Myanmar mới chỉ có đủ liều tiêm cho khoảng 1/4 dân số, Campuchia chỉ mua đủ cho 13% dân số. Các chuyên gia dự báo, 3 nước này phải mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Cơ quan Nghiên cứu Tình báo Kinh tế (EIU) báo cáo, trong số 12,5 tỉ liều mà các nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới cam kết cung cấp trong năm nay, có 6,4 tỉ liều đã được đặt hàng trước, phần lớn thuộc về những nước giàu có qua những thỏa thuận đặt trước trị giá hàng tỉ USD.

Ông Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại EIU cho biết, khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo sẽ còn tiếp tục nới rộng.

Ở mức độ này, các nền kinh tế tiên tiến chỉ cần tới giữa năm 2022 là hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đang phát triển phải đến năm 2023 mới có thể mở rộng tiêm chủng. Với những quốc gia nghèo nhất, việc tiêm chủng diện rộng có lẽ phải chờ tới 2024.

Ước tính thiệt hại toàn cầu tới 9,2 nghìn tỉ USD

Các nhà phân tích cho rằng, việc mất cân bằng nguồn cung vaccine không chỉ là vấn đề của quốc gia nghèo mà còn ảnh hưởng tới cả túi tiền của nước giàu.

Một nghiên cứu do Phòng Thương mại Quốc tế (có trụ sở tại Pháp) chỉ ra, việc mất cân bằng vaccine có thể gây tổn hại khoảng 9,2 nghìn tỉ USD với nền kinh tế thế giới.

Hơn nửa trong số đó (khoảng 4,5 nghìn tỉ USD) là thiệt hại mà chính các nước phát triển phải gánh chịu do sụt giảm xuất khẩu. Nguyên nhân là vì lượng tiêu thụ lao dốc và vấn đề trong chuỗi cung ứng khi các nước đang phát triển chưa hoàn thành tiêm vaccine sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cấm vận.

Giáo sư Teo Yik Ying, Chủ nhiệm Khoa Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore lấy Singapore làm ví dụ. Quốc đảo sư tử phụ thuộc rất lớn vào nguồn thực phẩm, nước và nhiều tài nguyên khác ở các nước láng giềng, đồng thời chia sẻ với Malaysia đường biên giới đất liền bận rộn bậc nhất thế giới.

Khi Malaysia buộc phải thực hiện lệnh giới nghiêm từ tháng 3 năm ngoái, công nhân, học sinh tại cả 2 nước bị mắc kẹt, không thể gặp gỡ người thân hay học tập, làm việc ở nước nhau trong nhiều tháng, ảnh hưởng tới nền kinh tế của cả hai quốc gia, kéo theo vấn đề thiếu nhân lực trong hệ thống GTVT công cộng của Singapore.

Malaysia đang tiếp tục thực hiện đợt giới nghiêm thứ 2 và phải mất gấp đôi thời gian triển khai chương trình tiêm chủng so với Singapore. “Chừng nào Malaysia còn chật vật vì dịch bệnh, chừng đó Singapore còn bị ảnh hưởng về kinh tế”, nhà kinh tế cấp cao từ Tập đoàn DBS, ông Irvin Seah nhấn mạnh.

ÔngTedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chỉ trích: “Thế giới sẽ đứng bên bờ vực của thảm họa thất bại đạo đức nếu không thể triển khai tiếp cận vaccine công bằng”.

Trong cuộc họp báo gần đây, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, việc mất cân bằng vaccine có thể gây thiệt hại ước tính 4,5 nghìn tỉ USD trong khi WHO chỉ cần 26 tỉ USD là đủ để bù đắp thiếu hụt trong chương trình phân phối và tiêm chủng vaccine toàn cầu mang tên “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (Access to Covid-19 Tools Accelerator - ACT-A).

Một trong những trụ cột của chương trình này là dự án Covax - một nỗ lực để đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine qua việc hỗ trợ họ đủ số liều để tiêm phòng cho 20% dân số thế giới.

Cảnh báo chủ nghĩa dân tộc

Một số chuyên gia đề nghị các nước giàu có hỗ trợ giải quyết vấn đề này bằng cách tài trợ thêm liều vaccine cho Covax nhưng không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn dự đoán của EIU cho rằng, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đang tự sản xuất vaccine, có thể dùng loại thuốc tăng miễn dịch này làm món hàng mặc cả nhằm củng cố vị thế trên quốc tế.

Ngoài ra, tình trạng chủ nghĩa dân tộc hóa vaccine cũng bắt đầu nhen nhóm. Tại Israel, quốc gia này đã mua 8 triệu liều vaccine của Pfizer, 6 triệu liều của Moderna và một số lượng chưa xác định vaccine AstraZeneca, chỉ để cho 9 triệu dân. Quốc gia đồng minh Cyprus đã đề nghị mua số vaccine dư thừa.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Israel, ông Yuli Edelstein nói rằng, Israel không bán vaccine còn dư. Thậm chí, ông khẳng định: “Thực trạng người Palestine đang khó khăn lúc này không phải mối quan tâm của Israel”.

Cách đây mấy tuần, Liên minh châu Âu đã cấp quyền cho các nước thành viên được phép tự ra quyết định chặn xuất khẩu vaccine, buộc các công ty dược phẩm tại khu vực này phải xin cấp phép ở sở tại trước khi xuất hàng ra khỏi khối.

Dự đoán về tốc độ hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 trong ASEAN, cơ quan Nghiên cứu Tình báo Kinh tế (EIU) dự đoán, Singapore sẽ hoàn thành tiêm chủng đầu tiên trong năm 2021; Về đích sau là Việt Nam, Brunei, Thái Lan và Malaysia trong năm 2022; Indonesia và Philippines cán đích vào năm 2023. Campuchia, Lào và Myanmar sẽ không thể đạt mục tiêu này trong vòng 5 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.