Thị trường

Thế giới sôi sục vì thép rẻ Trung Quốc

24/04/2016, 15:43

Lần đầu tiên các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới ngồi lại để thảo luận về thực trạng dư cung.

2 Ngành thép đang đối mặt với khủng hoảng thừa lớn

Ngành Thép đang đối mặt với khủng hoảng dư thừa lớn chưa từng có

Mỹ, Liên minh châu Âu và 6 quốc gia khác vừa kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng dư thừa sản lượng thép trên toàn cầu, theo Reuters.

Giải “bài toán dư thừa” bằng tái cơ cấu ngành thép

Lời kêu gọi được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc và các nước sản xuất thép hàng đầu khác không nhất trí được các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các bộ trưởng và quan chức cấp cao của hơn 30 nước (trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh), cùng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Thép thế giới đã có cuộc họp vào ngày 18/4 tại Brussels, Bỉ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chủ trì. Theo nội dung cuộc họp, việc dư thừa sản lượng thép hiện nay cần phải được giải quyết bằng cách tái cơ cấu nhanh chóng ngành sản xuất thép. Đây là lần đầu tiên các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới ngồi lại với nhau để thảo luận về thực trạng dư cung trên thị trường.

Theo một tuyên bố chung do Bộ Thương mại Mỹ công bố, các đại diện của: Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về tính cấp bách phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành Công nghiệp thép theo định hướng của thị trường.

Các nước trên cũng nhất trí rằng các Chính phủ không nên trợ giá và có các hình thức hỗ trợ khác để duy trì các nhà máy thép làm ăn thua lỗ hoặc khuyến khích việc gia tăng sản lượng. Phó đại diện thương mại Mỹ Robert Holleyman cho rằng, các nhà đàm phán cần làm nhiều hơn là nói và bây giờ là lúc phải hành động: “Đây không phải là lý thuyết suông, nó là vấn đề thực tế đang gây tác động không nhỏ đối với những con người thực tế, những nền kinh tế thực”.  

Giá thép ở châu Âu đã giảm 40% trong những năm gần đây. Bị ảnh hưởng nặng nhất là ngành Công nghiệp thép ở Anh, nơi chiếm tới 1/3ngành Thép của châu Âu với 11 nghìn nhân công. Việc Tata Steel, tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ 6 thế giới, tuyên bố sẽ bán các nhà máy thép tại Anh sau khi thua lỗ tới 2,8 tỷ USD trong 5 năm qua được ví như “giọt nước làm tràn ly”.

Khủng hoàng thừa thép, Trung Quốc là nguyên nhân?

Theo OECD, chỉ 67,5% lượng thép toàn cầu được sử dụng trong năm 2015, giảm so với mức 70,9% trong năm 2014. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstroem cho rằng, không phải nhu cầu của thị trường, mà chính sự can thiệp của Chính phủ các nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã dẫn đến khủng hoảng thừa: “Trung Quốc sản xuất tới hơn một nửa lượng thép trên toàn cầu. Các công ty của Trung Quốc trong những năm gần đây đã sản xuất hàng trăm triệu tấn thép mà thị trường toàn cầu không thể tiếp thu hết được”.

Tuy nhiên, ông Zhang Ji, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định, Chính phủ không trợ cấp cho thép xuất khẩu và cũng không đủ khả năng để làm điều đó. “Ở thị trường nội địa, đúng là Trung Quốc đang bị dư thừa nguồn cung, nhưng chỉ 14% tổng sản lượng thép được xuất ra thị trường quốc tế”, ông Zhang Ji nói.

Theo ông này, cuộc khủng hoảng dư cung hiện nay là một trong những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Chính phủ Trung Quốc không lên kế hoạch cho sản lượng thép, mà đó là kết quả của thị trường. Sản lượng thép của Trung Quốc cũng đã giảm trong mấy năm gần đây và sẽ giảm thêm 100 - 150 triệu tấn trong 5 năm tới.

Theo số liệu chính thức, khả năng sản xuất thép của Trung Quốc đạt khoảng trên 1,1 tỷ tấn/năm, song giới chuyên gia cho rằng, đó là chưa kể đến khoảng 100 triệu tấn thép khác được sản xuất lậu. Năm 2015, Bắc Kinh xuất khẩu 110 triệu tấn thép, con số kỷ lục này cao gấp 10 lần sản lượng của Anh.

Do đó, Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều sức ép từ quốc tế kêu gọi nước này chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang gây “lụt” thị trường và đẩy các nhà sản xuất nước ngoài vào “đường cùng”.

Kiện lên WTO

Mỹ cho rằng Bắc Kinh cần giảm sản lượng thép dư thừa nếu không sẽ phải đối mặt với các hành động thương mại có thể có từ các nước khác. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker cho biết, EU sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện các dấu hiệu bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc. EU đã áp đặt hàng chục biện pháp chống bán phá giá thép với Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho rằng, như vậy là chưa đủ. Các nhà sản xuất thép của châu Âu đang thúc giục EU theo chân Mỹ trong việc trừng phạt Trung Quốc bằng việc áp thuế chống bán phá giá.

Đối với Trung Quốc, thu hẹp nguồn cung thép không phải là việc có thể làm ngay, thậm chí quá trình này có thể kéo dài hàng năm. Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tốc độ tăng trưởng đang thấp nhất trong 25 năm qua, cùng những bất ổn trên thị trường lao động, nước này chắc chắn không muốn tạo ra thêm bất ổn xã hội qua việc sa thải thêm hàng triệu lao động trong ngành Thép.

Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để ngành Thép vượt qua khủng hoảng? Theo các nhà phân tích, Chính phủ các nước châu Âu có thể công bố kế hoạch hành động để hỗ trợ ngành Thép trong nước, đồng thời kiện hành động bán phá giá của Trung Quốc lên WTO. Ngoài ra, có thể chọn phương án trả tiền cho các chủ sở hữu nước ngoài để tránh cho các nhà máy thép ở Anh đóng cửa hoặc ra quyết định quốc hữu hóa ngành Thép vốn do tư nhân sở hữu từ năm 1988.

Trong khi đó, Cao ủy Công nghiệp EU Elzbieta Bienkowska cho rằng, EU nên xem xét việc cho phép các thành viên trợ giá ngành Thép của mình: “Chúng tôi đã thảo luận liệu có thể linh động hơn trong những quy định cứng nhắc về việc trợ giá thép của các thành viên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.