Thế giới

Thế giới thay đổi sẽ thay đổi theo chiều hướng nào sau đại dịch Covid-19?

27/03/2020, 13:38

Đại dịch Covid-19 được cho là sẽ làm thay đổi cục diện thế giới mãi mãi và theo rất nhiều khía cạnh, cả về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

img
Dịch Covid-19 đã lây lan tới hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới

Thế giới sẽ ít cởi mở hơn

Đại dịch Covid-19 đã lan ra hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới và diễn biến khó lường khi bất ngờ bùng phát nhanh, mạnh ở những quốc gia được coi là tân tiến nhất thế giới như: Anh, Đức, Italy, Mỹ… trong khi đó lại được kiểm soát khá tốt ở những nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nga,Việt Nam...

Trước xu hướng đó, tờ Foreign Policy (FP) dẫn lời nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới nhận định rằng, đại dịch lần này sẽ thay đổi cục diện thế giới mãi mãi và theo rất nhiều khía cạnh cả về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

Dẫn lời ông Stephen M.Walt, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, FP cho biết, đại dịch toàn cầu Covid-19 có thể làm gia tăng khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy nhanh sự thay đổi về quyền lực và ảnh hưởng từ phương Tây cho đến phương Đông.

Thực tế chỉ ra, khi đối mặt với đại dịch, Hàn Quốc và Singapore phản ứng tốt nhất, Trung Quốc hành động tốt mặc dù ban đầu có chút sai lầm. Còn phản ứng tại châu Âu và châu Mỹ lại chậm chạp và mờ nhạt so với danh tiếng mà phương Tây vốn có trước nay.

Dù vậy, ông Walt cho biết, dù có thay đổi thế nào, điều bất biến chính là bản chất xung đột trong chính trị. Những trận dịch trước đó như đại dịch cúm năm 1918 - 1919 không hề chấm dứt thù địch giữa các cường quốc hay thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu mới. Và đại dịch Covid-19 lần này cũng vậy. Từ đó, ông Walt cho rằng, Covid-19 sẽ tạo ra một thế giới bớt cởi mở, giảm thịnh vượng và ít tự do hơn.

Biến đổi hoàn toàn định nghĩa toàn cầu hóa

img
Một nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại miền Bắc Italy.

Giám đốc điều hành Chatham House, ông Robin Niblett nhận định, đại dịch lần này sẽ là “giọt nước làm tràn ly” đối với toàn cầu hóa kinh tế. Hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc về năng lực quân sự và kinh tế đang thúc đẩy lưỡng đảng Mỹ đồng tình quyết định kéo Trung Quốc ra khỏi khối tài sản trí tuệ và công nghệ cao có nguồn gốc từ Mỹ, đồng thời tìm cách buộc các đồng minh phải “nối gót”.

Chưa kể, việc tăng cường áp lực chính trị và cộng đồng nhằm đáp ứng mục tiêu giảm khí thải carbon khiến nhiều công ty trên thế giới không còn tin tưởng vào mô hình xây dựng chuỗi cung ứng ở khoảng cách quá xa. Và nay, Covid-19 càng buộc các chính phủ, công ty và xã hội phải tăng cường năng lực để đối phó với những giai đoạn dài đóng cửa biên giới, cô lập về kinh tế.

Lý giải kỹ hơn, ông Shannon K.O’Neil, chuyên gia nghiên cứu Mỹ La-tinh cho rằng, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ làm suy thoái những nguyên lý cơ bản của hoạt động sản xuất toàn cầu. Các công ty bắt đầu tính toán lại và co hẹp những chuỗi cung ứng đa quốc gia và đa công đoạn đang phổ biến trong hoạt động sản xuất hiện tại. Không phải đến bây giờ mà từ lâu những chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị chỉ trích về mặt kinh tế vì chi phí lao động tại Trung Quốc tăng dần, chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, tình hình thất nghiệp, đặc biệt là ở các nền kinh tế đã phát triển.

Mặt khác, đại dịch lần này cũng cho thấy, ngày càng có nhiều công ty đòi hỏi phải biết rõ hơn về nguồn gốc nguồn cung cũng như tính toán dư thừa. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ can thiệp buộc những ngành công nghiệp mà họ đánh giá là chiến lược phải có kế hoạch dự phòng và dự trữ nội địa. Hệ luỵ từ xu hướng này là lợi nhuận sẽ giảm nhưng ổn định, nguồn cung sẽ tăng.

Trước bối cảnh đó, việc thế giới có thể quay trở lại sáng kiến toàn cầu hóa vì lợi ích chung như định nghĩa từ đầu thế kỷ 21 gần như là không thể. Thay vì vậy, chuyên gia Kishore Mahbubani, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, thế giới sẽ chuyển hướng từ toàn cầu hóa do Mỹ làm trục xoay sang lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Bởi theo ông Mahbubani, người dân Mỹ đang dần mất niềm tin vào thương mại quốc tế và toàn cầu hóa. Trong khi đó, vài thập kỷ gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã trỗi dậy nhờ toàn cầu hóa, người dân Trung Quốc tin rằng mình có thể vượt lên tất cả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.