Thời sự Quốc tế

Thế giới vừa trải qua tuần nóng nhất lịch sử

Ngày 10/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố dữ liệu cho thấy tuần đầu tháng 7 này được ghi nhận là tuần nóng nhất trên toàn cầu.

Theo WMO, nguyên nhân của sự nóng lên này là do biến đổi khí hậu và El Nino - hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương.

WMO cũng cho biết nhiệt độ đang phá kỷ lục cả trên đất liền và đại dương, tiềm ẩn "tác động tàn phá đối với hệ sinh thái và môi trường". Tổ chức này cảnh báo, tình trạng nóng bức kỷ lục này có thể sẽ tiếp diễn.

Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO, ông Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, trong đó hiện tượng El Nino có thể kéo dài và tác động cho đến năm 2024.

img

Các chuyên gia cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới

Thông báo được đưa ra sau khi thế giới liên tiếp chứng kiến nhiệt độ thế giới liên tục phá kỷ lục. Mức nhiệt trung bình của thế giới hằng ngày đã lên đến đỉnh điểm - 17,08 độ C.

Các quan chức thời tiết Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo nắng nóng đầu tiên trong năm nay tại Tokyo và các quận lân cận, kêu gọi mọi người ở trong nhà và tránh tập thể dục ngoài trời nếu có thể. Ở Tokyo, nhiệt độ lên tới 35 độ C và phần lớn thời gian trong ngày đều bị đặt ở mức cảnh bảo rủi ro say nắng cao nhất.

Tại Trung Quốc, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, nhiệt độ ở Bắc Kinh đã tăng lên hơn 40 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tuần trước, khiến chính phủ phải ban hành "báo động đỏ", mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ba cấp. Trong tuần này, các khu vực phía bắc của Trung Quốc dự kiến nhiệt độ sẽ lên tới 40 độ C.

Trao đổi với hãng tin AFP, Cơ quan theo dõi khí hậu của châu Âu Copernicus cho biết, dữ liệu cho thấy tuần trước có thể là tuần nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận thông tin khí hậu vào năm 1940.

Tại Pháp, tuần trước các thành phố của nước này đã ghi nhận nhiệt độ tối đa 37-38 độ C. Còn theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thời tiết Đức (DWD), nhiệt độ tại thị trấn Tönisvorst ở bang North Rhine-Westphalia đã lên tới 38 độ C.

Ở Mỹ, bang Texas đang trải qua hiện tượng “vòm nhiệt” kéo dài và khí nóng bị giữ lại trong bầu khí quyển như một lò đối lưu. Trong 24 ngày liên tiếp, bang Texas ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C, phá kỷ lục 23 ngày liên tiếp được ghi nhận vào năm 1994.

Ngoài nhiệt độ cao, giới chức cũng đang cảnh báo về tình trạng lũ quét khi nhiệt độ tăng cao làm tan lớp băng tuyết dày từ dãy núi Sierra Nevada. Vùng Đông Bắc nước Mỹ cũng phải đối mặt với lũ lụt trong ngày 10/7, sau khi mưa lớn ở một số bang cuốn trôi nhiều cầu, đường và khiến ít nhất 1 người thiệt mạng ở bang New York.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá: "Tình hình hiện nay chính là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang vượt ngoài tầm kiểm soát".

Tình trạng nhiệt độ cao hơn bình thường không chỉ khiến mùa màng bị ảnh hưởng, sông băng tan chảy và tăng nguy cơ cháy rừng, mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe từ các triệu chứng nhẹ như say nắng, mất nước đến căng thẳng tim mạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.