Thế giới giao thông

Thế giới xử lý xe quá tải thế nào?

14/05/2014, 06:50

Chở quá tải có lẽ là cách làm dễ dàng nhất đối với các chủ doanh nghiệp trước bài toán vừa thiếu nhân lực vừa phải chịu áp lực giảm chi phí.

Một trường hợp tai nạn do xe chở quá tải tại Trung Quốc
Một trường hợp tai nạn do xe chở quá tải tại Trung Quốc


Kỳ 1: Cân xe và tịch thu hàng quá tải


Những thiệt hại về kinh tế, con người đã khiến Trung Quốc, Ấn Độ phải mạnh tay với nạn chở quá tải…

Sập cầu, nát đường


Trước những sức ép về tình trạng xuống cấp hạ tầng, gia tăng tai nạn, giới chức Ấn Độ đã cấm mọi loại xe chở quá tải lưu thông nhằm cứu hàng nghìn mạng sống mỗi năm trước nguy cơ tai nạn. Theo Bộ Giao thông Ấn Độ, khoảng 77% lượng hàng hóa được vận chuyển trên các tuyến đường cao tốc. Riêng xe chở hàng quá tải chiếm 22% trong các vụ TNGT. Ông Pradeep G.S - người phát ngôn Cơ quan Quản lý đường cao tốc cho biết: Trước đây, các xe tải không được phép chở quá 16 tấn. Nhưng nhiều người đã phớt lờ quy định này và đôi khi vận chuyển tới 45 tấn.


Còn Trung Quốc chiếm khoảng 3% các loại xe tải trên thế giới, nhưng chiếm tới 24% số thương vong trong TNGT do các loại xe tải gây ra trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong tại đây cao gấp 5,5 lần Mỹ. Các con đường của Trung Quốc bị đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới. Đường sá xuống cấp trầm trọng. Một thanh tra ngành Giao thông xác nhận có tới 80% xe tải/container lưu hành trên đường chở quá tải.


Thậm chí, có những chiếc xe chở quá tải gần 100% so với kết cấu cầu đường như trong vụ tai nạn hồi năm ngoái ở TP Ninh Hạ. Cây cầu có tải trọng 55 tấn đã đổ sập dưới sức ép hơn 100 tấn của chiếc xe chở hàng. “Vụ tai nạn khiến nhà chức trách buộc phải phong tỏa tuyến đường một thời gian để sửa chữa” - một Thanh tra viên đường bộ địa phương cho biết.


Tuy nhiên, tài xế và các công ty thường phớt lờ những rủi ro. Chính tài xế trong vụ tai nạn kể trên thừa nhận, họ biết việc chở quá tải là vi phạm Luật Giao thông và gây nguy hiểm. Tuy nhiên, họ đang và phải làm theo yêu cầu của giới chủ. Và anh này cũng cho biết thêm, việc các xe có trọng tải 5 tấn nhưng chất tới 20 tấn hàng không phải là hiếm.

Tịch thu hàng quá tải


Chủ tịch Hội Vận tải Mumbai cho rằng, một trong các lý do chính là lợi ích kinh tế. Nếu các công ty vận chuyển chỉ chở lượng hàng hóa với trọng tải cho phép, thì chi phí vận chuyển sẽ cao hơn nhiều. Các nhà điều hành muốn chở quá tải để hạ chi phí và tiết kiệm khi vận chuyển đường dài. Trước đây, Ấn Độ áp dụng khung phạt tiền 1.000 rupee mỗi tấn quá tải. Thậm chí, số tiền phạt đã tăng lên tới 5.000 rupee (gần 2 triệu VND) cho mỗi tấn quá tải và phạt 2.000 rupee (hơn 700.000 VND) đối với tài xế.


Ngoài ra, Cơ quan Quản lý đường cao tốc lập các trạm cân tại đầu vào/ra mỗi tuyến cao tốc để siết chặt tình trạng quá tải. Đây được coi là biện pháp tương đối hiệu quả trong những năm gần đây. Thậm chí, Cơ quan Quản lý đường bộ đưa ra cảnh báo toàn bộ hàng hóa chở quá tải sẽ bị thu giữ.


Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển vẫn tìm đủ cách để lách luật. Thậm chí, nếu ai giỏi xoay xở thì có thể kiếm được vé phạt (cho tồn tại) trước khi khởi hành và nghiễm nhiên qua các chốt chặn. Đó chính là lý do Bộ Giao thông Ấn Độ ban hành lệnh cấm xe quá tải lưu thông trên đường.


Còn tại Trung Quốc, Bộ Giao thông nước này tuyên bố, các xe chở quá tải sẽ là mục tiêu chính trong công tác ngăn chặn TNGT và bảo vệ hạ tầng giao thông bằng “Cơ chế về bảo vệ an toàn đường bộ” được áp dụng từ tháng 7/2011. Đây là cơ chế quản lý đầu tiên nhằm bảo vệ hệ thống đường bộ quốc gia kể từ khi “Cơ chế quản lý đường cao tốc” được ban hành năm 1987. Theo cơ chế này, lái xe có thể bị phạt tới 615 Nhân dân tệ và nhận một điểm phạt nếu chở quá tải. Nếu vi phạm ba lần trong một năm sẽ bị thu bằng lái, còn công ty sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.


Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, các công ty vận tải sẽ bị cấm hoạt động, thậm chí bị thu hồi giấy phép nếu 1/10 số xe trong đội xe của họ bị phát hiện chở quá tải. Ngoài ra, việc kiểm tra giám sát các xe tải/container bao gồm cả việc cân kiểm tra tải trọng xe cũng được thực hiện gắt gao tại nơi bốc dỡ các mặt hàng thường xuyên quá tải.

Hà Phương

(Theo Indianexpress, Xinhua)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.