Âm nhạc

Thế hệ nghệ sĩ mới tạo khác biệt cho nhạc Việt

06/05/2019, 06:33

Sau hơn 20 năm phát triển âm nhạc, làng giải trí Việt đang sở hữu một lứa ca sĩ trẻ thuộc thế hệ thứ 3 (generation) mang nhiều màu sắc hiện đại.

img
Vũ Cát Tường, Sơn Tùng M-TP là những tài năng của thế hệ gen 3 trong showbiz Việt


Làn gió mới ở thị trường âm nhạc Việt

Đối với những fan của K-pop, những cụm từ “thần tượng gen 2”, “gen 3”… không phải xa lạ. Họ là những thần tượng thuộc các thế hệ nối tiếp của làng nhạc sau mỗi thời kỳ. Bắt đầu từ những thế hệ thần tượng đầu tiên (gen 1) đặt nền móng cho ngành công nghiệp âm nhạc K-pop như: G.O.D, Flin.K, H.O.T, Shinhwa… tới thế hệ thứ hai (gen 2) đưa âm nhạc K-pop lên đỉnh cao, tạo ra làn sóng hallyu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á và thế giới với những cái tên đại diện như: BDSK, Super Junior, Big Bang, SNSD, T-ara. Hiện tại là thị trường của những thần tượng thuộc gen 3 như: BTS, EXO, Black Pink, Twice đều là những cái tên tiêu biểu cho âm nhạc hiện đại, hòa nhập với thị trường quốc tế.

Thị trường âm nhạc giải trí Việt Nam có nhiều thế hệ, bắt đầu với những cái tên: Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường, Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Mr.Đàm, band/nhóm thì có MTV, Tik Tik Tak,… tạm gọi là thời của thế hệ ca sĩ bước ra từ Làn sóng xanh với những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc trẻ thổi vào nền nhạc Việt một sức sống mới. Một lớp sau trẻ hơn, thế hệ gen 2 mang tới màu sắc tuổi teen cùng những cái tên Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Bảo Thy, Thu Thủy, Hà Hồ,… những gương mặt không chỉ biết hát mà cả vũ đạo.

Đi qua hai thế hệ âm nhạc, nhạc Việt hiện tại đang là “đất” của gen 3. Họ là thế hệ của những ca sĩ bước ra từ gameshow và mạng xã hội. Thế hệ này có nhiều đại diện tài năng như: Vũ Cát Tường, Soobin Hoàng Sơn, Trúc Nhân, Hương Tràm, Sơn Tùng M-TP, gương mặt của dòng nhạc indie như Dalab, Ngọt... Ngay như nhạc sĩ Dương Khắc Linh cũng như Hồ Hoài Anh đều khẳng định: “Họ thổi một làn gió mới mẻ vào thị trường âm nhạc với nhiều thể loại, đa dạng màu sắc. Thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay đã vững vàng, mọi thứ cũng chuyên nghiệp hóa hơn. Khoảng 2 năm gần đây, âm nhạc indie trỗi dậy rất mạnh mẽ. Nghệ sĩ indie cũng không khác gì những nghệ sĩ dòng chính khi có ê-kíp, có concert riêng. Rõ ràng, so với trước đây, khán giả ngày nay dễ dàng được tiếp cận với nhiều thể loại âm nhạc, gu âm nhạc cũng thay đổi theo. Từ đó, nghệ sĩ cũng chạy theo nhiều màu sắc âm nhạc từ các thị trường khác như: Hàn Quốc, Mỹ… Trong đó, chỉ có nghệ sĩ dòng indie có sự khác biệt đáng kể nhất bởi nhạc của họ theo một màu sắc riêng, không bị trộn lẫn và không bị thương mại hóa quá nhiều.

Gen 3 thuộc thế hệ “sống ảo”

Thời kỳ công nghệ 4.0 với sự phát triển của internet, mạng xã hội đã khiến các nghệ sĩ ngày nay không còn có những “cuộc chiến” trên các bảng xếp hạng âm nhạc trên radio, trên sóng MTV như trước đây nữa mà là cuộc cạnh tranh về lượt xem, lượt nghe của các sản phẩm trên nền tảng internet. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh phân tích, đây chính là điểm thuận lợi cho các ca sĩ trẻ thế hệ gen 3, khi họ dễ tiếp cận khán giả hơn và cũng có nhiều kênh để kiếm thêm thu nhập ngoài việc đi chạy show.

Quả thực, nếu như ở làng giải trí Hàn, các thần tượng ngoài thu nhập từ việc tổ chức show diễn, họ còn có một hệ sinh thái đa dạng để có thu nhập như bán lightstick, đồ lưu niệm như quần áo, mũ nón, photo, album… thì ở Việt Nam hiện tại, dường như chỉ có Sơn Tùng M-TP làm được điều này. Còn lại các ca sĩ khác, thu nhập của họ thường dựa vào việc chạy show, event, livetream là chủ yếu. Tuy nhiên, đó cũng chính là thách thức với họ vì thị trường âm nhạc số mở rộng, các cuộc thi âm nhạc sản sinh ngày càng nhiều ca sĩ nên độ cạnh tranh của họ lớn hơn, sự đào thải gay gắt hơn. Nghệ sĩ phải đầu tư rất nhiều mới có thể có lời từ sản phẩm.

“Cũng chính thị trường nhạc số đã biến âm nhạc ngày nay thành nhạc “mỳ ăn liền”. Ca sĩ chỉ ra single, khán giả chỉ thích nhạc dễ nghe, dễ nhớ, dễ bật ở mọi lúc mọi nơi nên âm nhạc cũng thiếu sự trầm lắng, lời ca đơn giản. Bởi, ca sĩ bây giờ kiếm tiền bằng views”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh khẳng định. Anh nói thêm, đây cũng là lý do sản sinh ra một thế hệ ca sĩ trẻ chỉ tập trung nhiều vào hình thức thay vì tập trung cho phần nghe. Thế hệ nghệ sĩ hiện nay đang bị chi phối quá nhiều bởi mạng xã hội và môi trường nhạc online. Thực tế, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả quốc tế.

img
Vũ Cát Tường là một đại diện tài năng của ca sĩ thế hệ gen 3 trong showbiz Việt

Không còn nghệ sĩ diva, huyền thoại

“Chúng ta cũng không còn những nghệ sĩ thuộc đẳng cấp diva, huyền thoại nữa. Thay vào đó là những nghệ sĩ nổi tiếng trong vài năm rồi nhanh chóng biến mất”, Hồ Hoài Anh nhận xét và cho rằng, trước đây, nghệ sĩ chỉ đơn thuần có tài năng đã có thể đến đến với công chúng. Giờ tài năng thôi chưa đủ! Trên hệ thống kỹ thuật số, nghệ sĩ đầu tư sản phẩm tốt đôi khi còn không bằng những người làm ẩu nhưng có nội dung lạ, biết câu views. Xét về phương tiện làm nghề, nghệ sĩ có ưu thế tiếp cận với khán giả đa dạng hơn, nhưng chính sự đa dạng khiến họ không tập trung và thiếu mục tiêu cụ thể.

Anh nhìn nhận một sự thật, khán giả đang quyết định nghệ sĩ. Sẽ luôn tồn tại song song những giá trị thực và ảo, luôn tồn tại những sản phẩm kém chất lượng. “Tôi kỳ vọng các bạn trẻ được giáo dục nhiều hơn về âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc đại chúng, các em nhỏ được giáo dục âm nhạc kỹ hơn khi đang đi học để hình thành được lứa khán giả/nghệ sĩ hiểu biết được âm nhạc thực sự”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bộc bạch.

Nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Minh Phi đưa ra nhận xét, gen 2 có hàm lượng nghệ thuật cao hơn bây giờ. Bởi lúc đó, thị trường chưa phát triển mạnh nên tính giải trí của âm nhạc mang nhiều cảm xúc chân thành hơn, ít bị chi phối bởi đồng tiền cũng như các kiểu công nghệ ảo. Ca sĩ đi lên bằng thực lực của mình là chính, không có nhiều sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại như ngày nay, giá trị giữa ảo và thật không quá lớn. Bây giờ, nhiều khi thực lực ca sĩ không phải từ khả năng của họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.