Xã hội

Thêm 1,5 triệu người bảo vệ trị an cơ sở, đại biểu Quốc hội nói gì?

17/11/2020, 11:06

Nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm nếu thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ làm “phình” bộ máy.

img
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Tăng 804.000 người hưởng ngân sách, không phải giảm 500.000 người

Thảo luận hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng nay (17/11), nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu thành lập thêm lực lượng này sẽ làm “phình” bộ máy, nhiều địa phương khó khăn sẽ không có ngân sách để bố trí.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho biết, theo dự thảo, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người so với hiện nay.

Tuy nhiên, con số này chưa thực sự thuyết phục. Bởi theo báo cáo gần đây thì cả 3 lực lượng dân phòng - bảo vệ dân phố - công an xã bán chuyên trách trên toàn quốc chỉ có 696.000 người, trong đó chỉ 2 lực lượng công an xã bán chuyên trách và tổ bảo vệ dân phố là hưởng ngân sách thường xuyên với tổng số 196.000 người, còn dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ.

"Như vậy, khi lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở ra đời sẽ tăng lên 804.000 người hưởng ngân sách chứ không phải là giảm 500.000 người như ban soạn thảo luật đưa ra", đại biểu Bộ cho biết.

Đại biểu này cũng chất vấn Bộ trưởng Tài chính: "Đề nghị Bộ trưởng tạm tính chi phí cho lực lượng này hoạt động thì sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong ngân sách của địa phương?".

Ngân sách địa phương khó khăn không đáp ứng nổi

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì băn khoăn về ngân sách bố trí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Bởi theo dự thảo luật là 1,5 - 1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương thì may ra chỉ có TP.HCM, Hà Nội đáp ứng nổi.

Cho rằng dự thảo luật phải đánh giá sát với thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn: Khi dự thảo luật này được thông qua thì các mô hình tự quản khác có duy trì tiếp hay không và tính pháp lý của các lực lượng này thế nào?.

"Trên danh nghĩa là lực lượng quần chúng tự nguyện có chế độ chính sách thì rõ ràng đây là lực lượng có tổ chức. Vậy nguồn kinh phí cho lực lượng này được đóng góp từ quần chúng hay từ ngân sách? Mô hình này ở đô thị và nông thôn giống hay khác nhau?", đại biểu Hoa nêu vấn đề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.