Y tế

Tránh thêm ca tử vong vì sốt xuất huyết: Hết sốt cũng không được chủ quan

21/11/2022, 16:57

Đến nay, Hà Nội ghi nhận 16 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Theo lưu ý của các bác sĩ “ngày thứ 4-7 trong giai đoạn bệnh rất nguy hiểm”.

Sốt xuất huyết, không chủ quan từ ngày 4-7, dù hết sốt

Theo BS. Đinh Thế Tiến, BV Đa Khoa Đức Giang, sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn sốt, thường trong 3 ngày đầu của bệnh với những biểu hiện, sốt cao đột ngột 39-40 độ C; Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên; Chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn; Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.

img

BN sốt xuất huyết điều trị tại BV Bạch Mai

Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết), thường vào ngày thứ 4 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.

Giai đoạn hồi phục, bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.

PGS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, cho biết: "Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao,… bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Các dấu hiệu này thường xuất hiện ở giai đoạn nguy hiểm, khi bệnh nhân thường hết sốt nên chủ quan”.

BS. Cường cũng lưu ý: “Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời”.

PGS. Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.

Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi.

Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện như thoát dịch hoặc cô đặc máu cần phải nhập viện.

Ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước); 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; 16 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Trong nhiều tuần nay, số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng. Hiện đang vào cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết.

Tại BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), tiếp nhận hơn 2.800 ca mắc, 70% có dấu hiệu cảnh báo nặng, 30% kèm bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, rối loạn đông máu...

Còn tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tuần qua ghi nhận 2 ca tử vong. Cả hai đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của giai đoạn bệnh.

Dù được điều trị tích cực, lọc máu, chạy ECMO (hồi sức tim phổi ngoài màng cơ thể) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả hai tử vong sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện tuyến cuối.

Tại đây cũng đang điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.