Đường bộ

Thêm cơ chế hút tư nhân làm trạm dừng nghỉ cao tốc

07/03/2023, 14:00

Việc giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư sẽ bớt được chi phí cho một số hạng mục, dễ thu hút nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ cao tốc hơn.

Bộ GTVT đang nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công để giải phóng và san lấp mặt bằng, có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư làm trạm dừng nghỉ cao tốc.

Việc này sẽ bớt được chi phí và dễ thu hút nhà đầu tư.

Bất an với cao tốc không trạm dừng nghỉ

img

Suốt chiều dài 140km, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không có trạm dừng nghỉ nào khiến các tài xế gặp rất nhiều bất tiện

Với hơn 20 năm làm nghề, có nhiều năm anh Nguyễn Mạnh Hà, Công ty Du lịch Minh Việt và nhiều đồng nghiệp khác luôn phải chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và giải quyết các nhu cầu cá nhân trước khi đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bởi suốt chiều dài gần 140km, tuyến đường này không có trạm dừng nghỉ.

“Lái xe đi đường dài mỏi mệt nên phải dừng để nghỉ ngơi, nhưng dừng trên cao tốc lại phạm luật, chạy cố thì nguy hiểm, chưa kể lúc xe gặp sự cố”, anh Hà nói.

Với nhiều lái xe, họ không còn lạ lẫm với sự bất tiện trên khi lưu thông trên các tuyến cao tốc như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi hay Bắc Giang - Lạng Sơn. Dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng các tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ.

Cả nước đã có gần 1.200km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác nhưng hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng hay điểm dừng xe kỹ thuật để lái xe nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu và kiểm tra xe. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân luôn là bài toán khó.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hoá còn nhiều vướng mắc, một số tuyến cao tốc lưu lượng xe thấp: “Khi bỏ ra số tiền lớn, nhà đầu tư thường tính toán, phân tích phương án đầu tư cụ thể, trong đó phương án hoàn vốn là quan trọng nhất. Do phải vay vốn nên nhà đầu tư cũng tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp với sự tăng trưởng của lưu lượng”.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, tiêu chuẩn đã quy định mỗi 50 - 60km có trạm dừng nghỉ bình thường và mỗi 120km có trạm có quy mô lớn hơn, thậm chí có nhà nghỉ.

“Cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng để nhà đầu tư dễ hình dung các hạng mục công trình. Tuyến cao tốc nào lưu lượng xe chưa cao, nhà đầu tư có thể phân kỳ đầu tư đến khi hoàn thiện để khuyến khích họ tham gia”, ông Chủng góp ý.

Cách nào hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000km cao tốc. Để hấp dẫn nhà đầu tư làm trạm dịch vụ đồng bộ khi xây dựng cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi từ quy hoạch, cách nghĩ, cách làm.

Ông Trần Chủng cho rằng, phải xác định trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải kinh doanh được thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Để làm được, cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về quy mô, vị trí trạm.

Theo ông Chủng, đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tới đây, cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô của từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu.

Hiện đang có tình trạng mặc định là trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó quyết định đầu tư, trong khi nhà đầu tư của địa phương chưa chắc đã đủ tiềm lực.

Việc đầu tư trạm dừng nghỉ có 2 yếu tố cần xác định là vị trí và quy mô. Thực tế, quá trình xây dựng một số vị trí đã định không phát huy hiệu quả. Bộ GTVT và các cơ quan sẵn sàng phối hợp, khi thấy cần thiết sẽ điều chỉnh vị trí trạm theo đề xuất của nhà đầu tư.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT)


“Cần quy định rõ thẩm quyền quyết định xây dựng. Cấp quyết định đầu tư tuyến đường sẽ là cấp quyết định đầu tư trạm. Bộ GTVT kết hợp với địa phương tổ chức đấu thầu, không phải chỉ có địa phương quyết định như hiện nay”, ông Chủng nói.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, trạm dừng nghỉ là công trình của đường cao tốc, có đủ chức năng cung cấp cây xăng, chỗ nghỉ cho lái xe và người tham gia giao thông.

“Hiện không có quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ cao tốc mà nó được hoạch định như một công trình nằm trên đường cao tốc. Khi cấp quyết định đầu tư đường cao tốc sẽ hoạch định luôn trạm dừng nghỉ. Đối với gần 30 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây dựng đến năm 2025, đã có đầy đủ vị trí để nhà đầu tư có thể tham gia”, ông Tuấn Anh thông tin.

Nói về nguồn vốn, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, nếu như các tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, lưu lượng xe tăng cao, dòng xe ổn định, việc đầu tư sẽ được đảm bảo hơn về tiếp cận nguồn vốn vay và khả năng thu hồi vốn.

Bộ GTVT đang nghiên cứu sử dụng nguồn vốn đầu tư công, bỏ một phần chi phí để giải phóng và san lấp mặt bằng, có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Việc này sẽ bớt được chi phí cho một số hạng mục, dễ thu hút nhà đầu tư hơn. Căn cứ vào lưu lượng dự báo, nhà đầu tư có thể tính toán đầu tư quy mô phù hợp.

Trong một số trường hợp khó khăn, Nhà nước sẽ làm một số hạng mục công ích như sân bãi, đường dẫn vào trạm. Khi trúng thầu, nhà đầu tư chỉ phải bỏ kinh phí để xây dựng hạng mục kinh doanh thương mại và lấy lợi nhuận từ đây để vận hành các hạng mục Nhà nước đã đầu tư.

“Đối với các tuyến cao tốc trục dọc do Bộ GTVT quyết định đầu tư. Tuyến cao tốc trục ngang các địa phương quyết định đầu tư. Trong các quyết định đầu tư đã được các đơn vị tính toán xây dựng trạm dừng nghỉ. Khi thẩm định đường cao tốc, Bộ GTVT khuyến cáo các địa phương cần có quy hoạch, triển khai đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ”, ông Tuấn Anh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.