Hạ tầng

Thêm gần 4.000 cầu dân sinh ở vùng khó khăn

19/01/2016, 13:39

Từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm gần 4.000 cầu dân sinh kết nối các xã, thôn, bản tại các vùng dân tộc...

1

Những chiếc cầu treo kết cấu móng bê tông, trụ thép chắc chắn giúp bà con các tỉnh miền núi đi lại an toàn (Trong ảnh: Cầu treo Bản Đán, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, Sơn La)  - Ảnh: Khánh Linh

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm gần 4.000 cầu dân sinh kết nối các xã, thôn, bản tại các vùng dân tộc thiểu số được xây dựng. Vì thế, câu chuyện về những cây cầu bắc qua sông, suối xuống cấp, hư hỏng hay tình trạng người dân phải đu dây, qua suối bằng túi nilon sẽ được chấm dứt. 

Kết nối các thôn, bản vùng khó khăn

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ có 3.664 cầu cứng và 295 cầu treo được đầu tư xây dựng với chi phí đầu tư là hơn 7.407 tỷ đồng. Theo cơ cấu nguồn vốn, ngoài 931,7 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương đã đầu tư xây dựng 186 cầu treo giai đoạn 1 sẽ có 5.625 tỷ đồng vốn vay ODA, 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và hơn 782 tỷ đồng vốn xã hội hoá đầu tư từ nay đến năm 2020.

"Cầu treo là công trình nhỏ, vốn không nhiều, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn, gắn với an sinh xã hội và việc đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi. Việc triển khai xây dựng cầu treo không để thất thoát lãng phí dù chỉ một đồng”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Đinh La Thăng

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Đề án xây dựng cầu dân sinh để đảm bảo ATGT cho vùng đồng bào các dân tộc ít người sinh sống trong phạm vi 50 tỉnh, thành phố cả nước. Ban đầu, số lượng cầu cần xây dựng (tính cả cầu cứng) là 7.811 cầu với tổng mức vốn là 12.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát lại, chỉ thực hiện xây cầu ở những nơi cấp thiết. Vì vậy, số cầu được rút xuống còn 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo (bao gồm 295 cầu thuộc giai đoạn II chưa thực hiện và 186 cầu treo dân sinh thuộc giai đoạn I đã triển khai).

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Sỹ cho biết, giai đoạn 2 của Đề án sẽ sử dụng 381,6 tỷ đồng do doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hưởng ứng cuộc vận động “Nhịp cầu yêu thương” Bộ GTVT phát động tháng 12/2014 để xây dựng 60 cầu treo. Các cầu này sẽ được hoàn thành trước tháng 3/2016. Số cầu còn lại, hiện Ngân hàng Thế giới (WB) đã cử đoàn thẩm định dự án ban đầu để chuẩn bị ký Hiệp định vay vốn. Dự kiến, tháng 3/2016 sẽ ký hiệp định và tháng 7/2016 thực hiện chương trình. Số tiền dự kiến là 385 triệu USD, trong đó có 250 triệu USD cho phần cầu và 135 triệu USD cho nâng cấp và quản lý đường địa phương. Bộ GTVT đã giao cho các Ban QLDA 3, 4, 5, 8 quản lý phần cầu và Ban QLDA 6 là đầu mối hợp phần đường triển khai trên 14 tỉnh.

“Như vậy, sau tháng 7/2016, Tổng cục Đường bộ VN sẽ triển khai Đề án với khoảng 3.900 cầu dân sinh bằng nguồn vốn này”, ông Sỹ nói.

2
Cầu treo Bản Lếp, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa - Ảnh: Phùng Trọng

Tiết giảm 20 - 30% chi phí đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, giai đoạn 2 gồm 295 cầu treo và 3.664 cầu cứng dự kiến triển khai trong thời gian 5 năm. Ngoài khoản vay từ WB để tiếp tục thực hiện Đề án còn trên 1.000 tỷ đồng sẽ huy động nguồn lực trong nước với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm.

Về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn, ông Huyện khẳng định, hiện công tác rà soát cụ thể các vị trí xây cầu đang được tiến hành nên đến nay chưa xác định phân bổ tỉnh nào được nhiều cầu nhất. Tuy nhiên, việc phân bổ sẽ tính toán theo nguyên tắc 20% vốn cho hợp phần cầu được phân bổ đều cho các địa phương, sau đó 80% được chia tiếp cho các tỉnh dựa trên 5 tiêu chí như: thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ đói nghèo, tỉ lệ dân tộc thiểu số, diện tích và năng lực cân đối chi tiêu và doanh thu của tỉnh. “Tỉnh nào nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo cao, sẽ có số lượng cầu và tổng nguồn vốn nhiều nhất”, ông Huyện nói.

Để triển khai hiệu quả giai đoạn 2 của dự án, ông Nguyễn Trung Sỹ cho biết, hiện Tổng cục Đường bộ VN đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả xây dựng, kết cấu cầu treo dân sinh để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế địa hình, khí hậu từng địa phương nhằm tiết giảm tối đa chi phí.

Thông tư 38 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11 về hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh vừa được ban hành sẽ là tiền đề quan trọng để tiết kiệm được chi phí đầu tư. Theo đó, Thông tư 38 đã có nhiều quy định điều chỉnh thiết kế so với Thông tư 11 trước đây khi áp dụng xây dựng 186 cầu treo dân sinh (giai đoạn 1). Chẳng hạn như Thông tư 38 đã loại bỏ 4 dây cáp giằng gió đối với các cầu treo có khẩu độ từ 80 m trở xuống. Kết cấu mố trụ cũng được tính toán phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt, quy định về tải trọng cầu treo trước đây có hệ số an toàn là 1,5 theo tiêu chuẩn châu Âu, nay được điều chỉnh xuống còn 1,1 nhưng vẫn bảo đảm được độ an toàn cần thiết so với thực tế Việt Nam.

“Khi điều chỉnh thiết kế hợp lý hơn theo Thông tư 38, chúng tôi tính toán sơ bộ có thể tiết giảm 20-30% chi phí đầu tư”, ông Sỹ nói và cho biết, để sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng các tiêu chí ưu tiên những vị trí cấp bách có trên 50 người đi trong một ngày, tìm loại vật liệu hợp lý nhất làm cầu dân sinh, có thể là cầu cứng, cầu bê tông cốt thép, cầu thép.

Hiện Tổng cục Đường bộ VN cũng đã triển khai các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, có cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, có cầu bê tông cốt thép thường, cầu bê tông liên hợp… để lựa chọn thiết kế phù hợp từng loại địa hình, để giảm giá thành, làm được nhiều cầu nhất. Tổng cục cũng sẽ ưu tiên các tư vấn địa phương vốn am hiểu địa hình, có kinh nghiệm tham gia dự án để đưa ra được giải pháp phù hợp nhất”.

Liên quan đến vấn đề làm sao triển khai dự án hiệu quả, tiết kiệm nhất, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, cơ chế quản lý đối với hợp phần xây dựng cầu cứng cần giống như cơ chế xây cầu treo giai đoạn 1. Nghĩa là vẫn để địa phương quản lý ở mức nào đó như công tác GPMB, giám sát. Cầu ở địa phương nào tận dụng lực lượng tại chỗ là các đơn vị thiết kế, thi công là của địa phương đó. Quan trọng là cần thiết lập một cơ chế kiểm soát dự án chặt chẽ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.