Chuyện dọc đường

Thêm một cuộc “sát hạch” các Bộ trưởng

31/10/2018, 06:28

Lần này, ĐBQH sẽ không chất vấn theo các chuyên đề sắp đặt từ trước.

123323-bo-truong-tai-nguyen-moi-truong-tran-hong-h

Bộ trưởng Tải nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà

Thông thường, chúng ta đưa ra 4-6 nhóm vấn đề để chọn các Bộ trưởng ngồi ghế nóng trả lời chất vấn, nhưng lần này, ĐBQH có thể chất vấn bất cứ thành viên nào của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, thậm chí cả Chủ tịch nước và bản thân tôi cũng đã có văn bản chất vấn Chủ tịch nước.

Việc này được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, qua đó thể hiện rõ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, được nhân dân tín nhiệm và giao trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, đối với cả 3 nhánh quan trọng là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi vậy, nguyên tắc là bất cứ ai cũng có thể bị chất vấn. Thậm chí, ĐBQH cũng có thể chất vấn lại các thành viên của Quốc hội trong công tác lập pháp thế nào chứ không chỉ riêng chất vấn các Chính phủ.

Với hình thức này, những người có thẩm quyền cũng không thể biết trước được các ĐBQH sẽ chất vấn mình về vấn đề gì, vì thế, đòi hỏi họ phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, quan tâm đến các vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý, phải thực sự có trách nhiệm, có trình độ để có thể trả lời rõ ràng, cụ thể trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào. Cùng với đó, người lãnh đạo cũng phải biết lắng nghe, có thái độ cầu thị khi tiếp nhận thông tin và giải quyết vấn đề.

ĐBQH không hỏi cho Quốc hội, mà hỏi cho nhân dân, hỏi cho cử tri cả nước. Các thành viên Chính phủ trả lời trước Quốc hội thực ra là thông tin cho nhân dân cả nước việc thực hiện lời hứa với nhân dân, Quốc hội chỉ là người giám sát thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Báo cáo về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn của khối Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao lần này cũng đề cập rất rõ 2 mảng sáng - tối, về thành quả và về những bất cập còn tồn đọng. Nhưng nhìn chung, các báo cáo đều khả quan và cho thấy những kết quả vượt trội so với nhiều các kỳ họp trước. Song, cũng phải nói thẳng rằng, vẫn còn những vấn đề chưa được nói hết, nhiều hạn chế, bất cập chưa được báo cáo, một số báo cáo vẫn còn né tránh. Việc giải quyết cũng chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, việc hành dân, hành DN vẫn còn rất nhiều.

Phiên chất vấn lần này cũng có thể coi như một cuộc “sát hạch” với các thành viên Chính phủ, người đứng đầu bộ, ngành. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc “sát hạch” này không chỉ được thực hiện trong phiên chất vấn này, vì Quốc hội không chỉ giám sát trong các kỳ họp mà trong toàn bộ quá trình hoạt động, hàng ngày, hàng giờ, bất kỳ một thành viên nào của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… đều được Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các ĐBQH và đoàn ĐBQH luôn theo sát.

Chúng ta cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhau về công tác giám sát của Quốc hội, trong đó lưu ý việc giám sát phải thường xuyên, liên tục, toàn diện, khách quan trên mọi lĩnh vực và phải chú ý kết quả hậu giám sát. Bởi vậy, việc chất vấn thực hiện lời hứa lần này giống như một điểm nhấn về công tác giám sát.

 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Phó trưởng Ban Dân nguyện

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.