Điều tra

Thêm một cuốn sách giáo dục trẻ em sặc mùi bạo lực

05/11/2014, 16:13

Đó là cuốn sách "365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ" ngoài tính phản giáo dục, bạo lực, còn có những thông tin chính trị nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm

Bìa cuốn sách “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”
Bìa cuốn sách “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”

Căn cứ trên trang xi-nhê, cuốn sách “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ” xuất bản từ năm 2010, theo Giấy phép xuất bản số 186-2010/CXB/44/02-03/TĐ cấp cho NXB Thời Đại, đơn vị liên kết và phát hành là Nhà sách Hương Thủy. Dù cuốn sách được giới thiệu bằng những lời có cánh như: “Cuốn truyện là sự kết hợp hoàn hảo giữa câu từ và hình ảnh. Những câu từ đẹp kết hợp với những hình ảnh sinh động sẽ khơi gợi hứng thú tìm hiểu và giúp trẻ hiểu rõ hơn ý nghĩa, ngụ ý của truyện”, nhưng khi đọc mỗi câu chuyện, phụ huynh không khỏi không giật mình.

Điển hình là chuyện “Cái tát của cha” kể về một cậu bé đạt điểm cao năm học lớp 6 nên được cô giáo tặng một cuốn bản đồ thế giới. Cậu bé rất thích thú với món quà đó và luôn mơ ước được đến Ai Cập, nơi có Kim tự tháp, có dòng sông Nile xinh đẹp, có nhiều điều thần bí... Hôm ấy cậu phải đun nước tắm cho cả nhà, nhưng vì mải xem bản đồ, cậu bé quên cả việc đun nước. Bỗng nhiên, bố cậu bé từ trong nhà tắm đi ra, nói lớn: “Con đang làm gì vậy? Lửa sắp tắt đến nơi rồi!” Cậu bé nói: “Con đang xem bản đồ Ai Cập”. “Bụp, bụp”, người cha liền tát cho con hai cái, sau đó nói: “Nhanh, nhóm lửa lên! Xem bản đồ Ai Cập làm gì?” Tát xong còn đá đít cậu bé một cái và quát: “Ta bảo đảm là cả đời này con chẳng đi được đâu xa cả! Bây giờ thì hãy đốt lửa to lên!”...

Hay như câu chuyện “Truyền thuyết về chim én và chim dạ oanh” cũng có tình tiết khiến người đọc rùng mình. “Cô chị kể chuyện hay liền cắt đứt lưỡi mình và biến thành con chim én. Còn cô em thì để khỏi phải đi đâu liền chặt đứt chân mình và tiếp tục cất tiếng hát rồi biến thành con chim dạ oanh”.

Ngày 4/11, PV Báo Giao thông đã liên hệ với NXB Thời Đại để xác minh vai trò của đơn vị này trong việc liên kết xuất bản cuốn sách như những thông tin ghi trên trang xi-nhê. Đại diện NXB Thời Đại xác nhận, có tham gia liên kết xuất bản cuốn sách này vào năm 2010. Phía NXB đã hẹn làm việc với PV vào sáng nay (5/11) để làm rõ một số vấn đề liên quan.

Phản ứng về nội dung cuốn sách, chị Đặng Thu Hà (Định Công, Hà Nội) không giấu nổi bức xúc: “Đọc qua khoảng chục truyện thì tôi không thể kiên nhẫn được nữa. Tại sao một cuốn sách không có tính giáo dục thế này vẫn được bày bán dưới mác giáo dục trẻ em. Những câu chuyện “Con cáo nhân từ”, “Gấu vác cây”, “Chim đại bàng và cáo”, “Sư tử mẹ và gấu mẹ”, “Mèo con và chim ngói”... chẳng phải là vun đắp tình yêu ở trẻ mà toàn những chuyện bày cho trẻ biết gian xảo, giả tạo, hèn mọn và độc ác”.

Một hạn chế khác, do cuốn sách được Nhà sách Hương Thủy (Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy) mua bản quyền của Công ty TNHH Phát triển văn hóa Thiên Thanh Bác Thức Bắc Kinh, nên nó còn nhan nhản những sự kiện lịch sử, chính trị của Trung Quốc quá xa lạ đối với trẻ em, thậm chí còn dễ khiến trẻ em Việt Nam hiểu lầm, hiểu sai lệch về một số sự kiện, văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Điển hình là: “Ngày 12/3: Tết trồng cây. Để ghi nhớ công lao của Tôn Trung Sơn, Trung Quốc quy định ngày ông qua đời là ngày Tết trồng cây”; “Ngày 5/4: Tiết Thanh minh (ngày 18/2 Âm lịch). Đây là ngày nhớ tới những người đã khuất. Vào ngày này mọi người sẽ đi đạp thanh (tức là đi trên cỏ) và ra tảo mộ; “Ngày 1/7: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là ngày kỷ niệm Hồng Kông được trả về Trung Quốc”; Ngày 16/3: Ngày cùng trẻ em nghèo cả nước nắm tay nhau hành động. Cả nước cùng giúp đỡ những đứa trẻ ở các vùng nghèo...”.

Minh Tâm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.