Y tế

Thêm nhiều bệnh nhân ngộ độc sau ăn pate Minh Chay, lo thiếu thuốc giải độc

01/09/2020, 19:44

Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hiện tại đã có hơn chục bệnh nhân ngộ độc sau ăn Pate Minh Chay khám, điều trị.

img
Một bệnh nhân nam ngộ độc nặng sau khi ăn Pate Minh Chay đang điều trị tích cực tại BV Bạch Mai

Thêm nhiều bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau dùng Pate Minh Chay

Chiều 1/9, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, tới thời điểm hiện tại đã có hơn chục bệnh nhân ăn pate Minh Chay tới khám. Ngoài 2 bệnh nhân nặng là vợ chồng đã lớn tuổi, các bệnh nhân khác có triệu chứng nhẹ hơn như sụp mi, mệt mỏi... đang được tiếp tục theo dõi, không có nguy cơ tiến triển nặng.

BS. Nguyên khuyến cáo, nếu đã ăn pate Minh Chay, người tiêu dùng cần theo dõi sức khỏe. Nếu có tình trạng bất thường phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, sàng lọc cấp cứu.

"Các bệnh nhân nên bình tĩnh, trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay, không cần tới Bệnh viện Bạch Mai hay bệnh viện tuyến trung ương ngay mà nên khám tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trong trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại chỗ, nếu bệnh nặng thì các bệnh viện có thể tổ chức hội chẩn hoặc chuyển tuyến khi cần thiết. Bên cạnh đó, người bệnh không nên đổ bỏ thực phẩm dư thừa mà giữ lại để đưa đến bệnh viện xét nghiệm", BS. Nguyên cho biết.

Như đã thông tin, trường hợp hai vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) đang được điều trị, sau khi được tiêm thuốc giải độc trị giá 8.000 USD/lọ nhập khẩu từ Thái Lan, bệnh nhân nữ có tiến triển tốt, đã tự ngồi dậy, mở mắt, há miệng bình thường. Bệnh nhân nam vẫn liệt cả tay chân, phải thở máy và tiếp tục được theo dõi.

img
Thuốc giải độc tố không có sẵn tại Việt Nam, khó khăn nhập khẩu

Thiếu thuốc giải độc, bệnh nhân đối mặt với nguy hiểm gì?

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Ngay sau khi sự cố ngộ độc đối với người sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay có độc tố Clostridium botulinum, Cục đã có văn bản đề nghị sở NNPTNT các địa phương rà soát trên phạm vi toàn quốc, có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với sản phẩm pate Minh Chay.

Cục đã có công văn yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nội và các địa phương trên toàn quốc phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Riêng tại Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và trong phạm vi chức năng, phạm vi quản lý được phân công khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm (chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm…); kết quả điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố của Công ty TNHH hai thành viên viên Lối Sống Mới và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

BS. Trung Nguyên cho biết, thông thường những người ngộ độc nặng, nhược cơ do ngộ độc độc tố Clostridium botulinum phải thở máy sẽ phải thở máy ít nhất trong 2 tháng, quá trình điều trị sau đó sẽ kéo dài nhiều tháng nữa để hồi phục. Đó là chưa kể nguy cơ bệnh nhân có thể mắc thêm các bệnh khác do việc thở máy kéo dài. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam, nhưng gặp thì bệnh khá nặng nề.

Từ những trường hợp bệnh hiếm gặp nói trên chúng tôi cũng mong Nhà nước sẽ có một kho hàng thuốc hiếm để có thể điều phối cho các bệnh viện trên cả nước khi cần thiết, bởi với số lượng thuốc ít, các bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc nhập khẩu. Hiện số thuốc nhập về chỉ đủ điều trị cho 2 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị nội trú tại Trung tâm.

"Nếu không dùng thuốc giải độc, phải đợi bệnh nhân tự hồi phục sẽ mất rất nhiều tháng, rất mất thời gian. Hơn nữa, với độc tố này ảnh hưởng rất mạnh với thần kinh, gây liệt hoàn toàn các cơ, thường nặng nề. Dấu hiệu liệt ngoại biên, kiểu lan xuống, đối xứng, bệnh nhân tỉnh dù dùng phải dùng thở máy. Ảnh hưởng đáng lo nhất là liệt hệ hô hấp, khiến bệnh nhân không thể tự thở, không thể tự ăn. Do vậy, nếu nhẹ thì ăn qua xông, nặng phải đặt ống thở… thời gian liệt kéo rất dài", ông Nguyên nhận định.

Thời gian ủ bệnh khoảng 12-36 tiếng sau khi bệnh nhân sử dụng sản phẩm có chứa độc tố, sau đó bệnh nhân có biểu hiện bất thường, giao động 1 tuần sau khi ăn. Theo BS Nguyên, trên thực tế, rất ít gặp ca ngộ độc như vậy. Do đó, thuốc giải độc rất hiếm, tại bệnh viện hay ở Việt Nam đều không có. BS Nguyên kiến nghị, nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc "mồ côi", thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.