Xã hội

Thêm nhiều tổng lớn ngành Giao thông sẽ IPO

31/03/2014, 06:50

Hàng loạt doanh nghiệp ngành GTVT vừa hoàn tất bán đấu giá cổ phần rộng rãi ra công chúng với thành công vượt ngoài dự kiến.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Kết quả CPH là căn cứ bình xét thi đua


2013 là năm đánh dấu thành công trong việc tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp giao thông. Bộ GTVT đã có những giải pháp gì trong quá trình thực hiện để đạt được kết quả đó, thưa Thứ trưởng?


Ngay từ năm 2012, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã có Nghị quyết số 26-NQ/BCSĐ về công tác CPH doanh nghiệp, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành CPH 10 Công ty mẹ - Tổng công ty trong năm 2013. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 30/6/2013 (riêng đối với Công ty mẹ - Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT  là ngày 1/1/2013).
 

"Điều hết sức quan trọng nữa là trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, các doanh nghiệp phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện bán đấu giá công khai (IPO). Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp CPH thành công".

 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

Để đạt được mục tiêu trên, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành các Nghị quyết về công tác sắp xếp, tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và các bước đi thích hợp. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ GTVT cũng thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đổi mới, CPH doanh nghiệp. 


Bộ GTVT cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp là căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. 


Lãnh đạo Bộ thường xuyên bám sát thực tiễn, nắm bắt, đề xuất kịp thời các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH doanh nghiệp. Trên cơ sở các quy định hiện hành và điều kiện thực tế triển khai, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất cụ thể một số cơ chế chính sách để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CPH các doanh nghiệp; báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (cơ chế đối chiếu công nợ, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, tư vấn bán cổ phần lần đầu…). Lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên làm việc với các Bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương có liên quan để tháo gỡ khó khăn và đều nhận được sự hỗ trợ tích cực, có hiệu quả.

10 Tổng công ty chuẩn bị chuyển sang mô hình cổ phần


Cho tới thời điểm này, kết quả của việc tái cơ cấu, CPH các doanh nghiệp ra sao, thưa Thứ trưởng? 


Trong năm 2013, Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH 9 Công ty mẹ - Tổng công ty (CIENCO 1, 4, 5, 6, Thăng Long, TEDI, Vận tải Thủy, Xây dựng đường thủy và Tổng công ty Ô tô VN). Đến nay, 9 Công ty mẹ - Tổng công ty đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu trên sàn chứng khoán. Trong điều kiện thị trường chứng khoán chưa hồi phục, còn trầm lắng, nhưng một số doanh nghiệp đã đạt được kết quả rất tích cực, 5/9 doanh nghiệp bán thành công 100% số lượng cổ phiếu phát hành, đặc biệt TEDI và Thăng Long số lượng đặt mua gấp nhiều lần số lượng cổ phiếu niêm yết, giá đấu thành công trung bình lần lượt là 21,848 đồng/cổ phiếu và 21,009 đồng/cổ phiếu.


Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không VN, ngày 11/3/2014, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 2475/TTr-BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để CPH Công ty mẹ - Tổng công ty sau điều chỉnh theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.


Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty XDCTGT 8, căn cứ quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty đã hoàn thành việc đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược, dự kiến sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu vào cuối tháng 4/2014. 


Năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã phê duyệt phương án chuyển 34 doanh nghiệp thành công ty cổ phần.


Bước sang quý II/2014. Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo 10 Tổng công ty thực hiện các thủ tục, tổ chức đại hội đồng cổ đông, đăng ký doanh nghiệp để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Dự kiến, chậm nhất 10 Tổng công ty sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2014.


Riêng đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không VN, trong khi chờ Thủ tướng có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty chủ động xây dựng phương án CPH. Sau khi có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, Tổng công ty sẽ hoàn thiện và trình Bộ GTVT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, Tổng công ty Hàng không VN sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu trong tháng 9/2014.   
 

Thi công mở rộng QL1
Thi công mở rộng QL1

Hạn chế thấp nhất cơ chế xin - cho  


Các Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành kế hoạch CPH đúng tiến độ và lộ trình do Bộ GTVT đặt ra. Điều này tác động thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp này?


Theo tôi, thành công trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần tạo ra sự chuyển biến căn bản về phương pháp tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp, từ một chủ sở hữu thành đa sở hữu. Điều này kéo theo công tác giám sát hoạt động doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất cơ chế xin - cho, giúp doanh nghiệp tự làm chủ vận mệnh và sự tồn tại của mình.


Việc đa sở hữu doanh nghiệp tạo tiền đề cho huy động mọi nguồn lực xã hội để tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. CPH sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhanh nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý thông qua các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.

Đẩy nhanh tiến độ CPH các tổng lớn


Một số ít đơn vị đã tiến hành CPH nhưng bị đánh giá chưa thành công, bán được ít cổ phiếu, chưa có nhà đầu tư chiến lược (CIENCO6, Vận tải thủy…). Theo Thứ trưởng, Bộ GTVT cần có cơ chế, chính sách như thế nào để giúp các đơn vị này đạt được những mục tiêu sau CPH?


Các doanh nghiệp này đang thỏa thuận bán tiếp các cổ phần cho cổ đông đã tham gia phiên đấu giá lần đầu, đồng thời nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Đến thời điểm này, Tổng công ty Vận tải thủy đã tiến hành đàm phán với các cổ đông để tham gia nhà đầu tư chiến lược. Với diễn biến tích cực của thị trường, tôi hy vọng các đơn vị này sẽ sớm tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược.

Vậy còn một số Tổng công ty chưa tiến hành CPH (Vietnam Airlines, SBIC, Vinalines…), lộ trình và các biện pháp thúc đẩy trong thời gian tới thế nào, thưa Thứ trưởng?


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị này rà soát toàn bộ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, có những giải pháp, kiến nghị kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.


Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xây dựng lộ trình, đẩy nhanh tiến độ CPH. Tổng công ty Hàng hải VN dự kiến sẽ hoàn thành phương án CPH trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014, IPO trong quý I/2015. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy dự kiến hoàn thành CPH 9 công ty con trước tháng 4/2015, hoàn thành CPH Công ty mẹ - Tổng công ty trong năm 2015. Tổng công ty Hàng không VN đang trình Thủ tướng giá trị doanh nghiệp, sau khi có quyết định của Thủ tướng sẽ thực hiện việc IPO và chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2014.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đức Thắng

(Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.