Thời sự

Thêm nhiều ưu đãi thuế cho nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ

03/11/2014, 10:46

Sáng nay (3/11), theo chương trình, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án sửa đổi Luật Thuế và Thi hành án dân sự.

Ảnh: giaoduc.net

Ưu đãi thuế cho nông nghiệp

Mở đầu buổi họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Theo Bộ trưởng Dũng, trong 9 tháng đầu năm có 48.330 nghìn doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013; có 32.863 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Việc sửa Luật Thuế phải đáp ứng yêu cầu hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng  lợi thế của nền nông nghiệp. Trong đó Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế để tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Tiếp tục đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đảm bảo tính nhất quán của chính sách, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.  Động viên hợp lý để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và chính sách thu điều tiết đối với tài nguyên khoáng sản... để đảm bảo nguồn thu cân đối ngân sách.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Luật hiện hành chưa có quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tại nơi không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên không thu hút bỏ vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để từ đó có tác dụng lan tỏa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân...

Xuất phát từ thực tế đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp), lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được áp dụng thuế suất 17%.

Ảnh: internet
Doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế. Ảnh: internet

Công nghiệp hỗ trợ phải là trụ cột công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị được bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ hiện nay mới quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu, về khả năng tiếp cận tín dụng. Các ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường, mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực CNHT kể trên. Thực tế, theo quy định hiện hành thì lĩnh vực CNHT chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN.

Qua thống kê, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam hiện nay rất thấp. Trong 8 tháng đầu năm 2014 kim ngạch nhập khẩu của cả nước là 94,162 tỷ USD (tăng 10,7% so với 8 tháng năm 2013); xuất khẩu là 97,233 tỷ USD (tăng 14,4%); xuất siêu là 3,171 tỷ USD.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu là 27,162 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc là 9,833 tỷ USD; nhập siêu là 17,331 tỷ USD. Trị giá nhập khẩu của các nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; nhóm hàng nguyên, phụ liệu (xăng dầu, sắt thép, phân bón, vật liệu dệt may) trong 8 tháng năm 2014 là 36,64 tỷ USD (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2013).

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp các nhóm hàng này cho Việt Nam trong 8 tháng qua với trị giá là 12,86 tỷ USD (chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước).

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các Hiệp định chuẩn bị ký kết (TPP, Việt Nam-EU, Việt Nam - Hàn Quốc,...) yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để được hưởng ưu đãi phải đạt 60-65% nguyên vật liệu phải được sản xuất tại Việt Nam.

Bộ trưởng Dũng cho biết, để giảm nhập siêu, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện các cam kết quốc tế và hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng như tăng cường phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo cạnh tranh thắng lợi tại thị trường trong nước, cần có các chính sách phát triển lĩnh vực CNHT, để CNHT trở thành trụ cột thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Theo tờ trình, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển quy định tại khoản này nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).

Chính phủ trình Quốc hội quy định tại dự thảo Luật các tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế để áp dụng cho những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT như sản phẩm CNHT cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; sản phẩm CNHT cho sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo và sản phẩm CNHT cho linh kiện điện tử, phụ tùng, cơ khí ô tô là sản phẩm tính đến ngày 1/1/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật...

Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày,  Ủy ban TCNS thống nhất áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn kể từ năm 2015 và bổ sung thêm lĩnh vực “lâm nghiệp, thuỷ sản”. Thống nhất bổ sung quy định đối với các nước có thuế suất bằng hoặc cao hơn thì không thu thuế TNDN đối với phần thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài khi chuyển về nước khi phần thu nhập này đã nộp thuế TNDN ở nước ngoài; trong trường hợp thuế suất thuế TNDN tại các nước đầu tư thấp hơn của Việt Nam, khi chuyển về sẽ thu phần chênh lệch.

Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới. Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật và tránh tình trạng luật khung, luật ống, đề nghị quy định ngay trong luật Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí “sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật”.

Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ cũng đề cập đến nhiều vấn đề về thuế thu nhập cá nhân. Cũng trong buổi sáng nay, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Báo Giao thông sẽ đăng tải đầy đủ tại số báo in ra ngày 5/11.

Kính mời độc giả đón đọc!

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.