Thời sự Quốc tế

Cập nhật thông tin về biến chủng Omicron: Tốc độ lây nhiễm gấp 500% Delta

27/11/2021, 06:00

Siêu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được đánh giá có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với Delta

Khả năng lây nhiễm cao hơn 500%

Ngày 27/11, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, một nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), đã đăng tải một loạt đánh giá của ông về biến chủng mới B.1.1.529 (hay còn gọi là Omicron) trên tài khoản Twitter cá nhân.

Theo ông, biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến chủng Delta và nhấn mạnh đây là chỉ số kinh ngạc nhất từ trước đến nay.

“Sự xuất hiện của biến chủng mới này đã gây ra sự chấn động trên toàn thế giới”, ông Feigl-Ding viết.

Tương tự nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Nam Phi, ông Eric nhấn mạnh, B.1.1.529 có số lượng “đột biến xấu trong protein gai” nhiều gấp đôi so với biến chủng Delta.

img

Biểu đồ về lợi thế cạnh tranh của biến chủng mới với biến chủng cũ. Ảnh - Twitter Tiến sĩ Eric Feigl-Ding

Các nước hành động khẩn cấp

Chỉ trong 2 ngày, sau khi thông tin về biến chủng mới rầm rộ, các nước trên thế giới đã nhanh chóng hành động để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Tính đến chiều 27/11, đã có thêm Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Sri Lanka và Israel... đã áp đặt các hạn chế hoạt động đi với miền Nam châu Phi do lo ngại về siêu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Israel đã tổ chức họp khẩn, cảnh báo tình trạng khẩn cấp liên quan tới biến chủng Omircron và cam kết sẽ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ tức khắc.

img

Sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. Ảnh - Reuters

Trước đó, sáng cùng ngày theo giờ VN, “toàn bộ 27 nước thành viên Châu Âu (EU) đã đồng ý về việc cần kích hoạt biện pháp khẩn cấp và áp đặt hạn chế đi lại tạm thời với tất cả mọi người vào EU từ phía Nam Châu Phi”, Chủ tịch EU thông báo.

Các biện pháp hạn chế sẽ được áp với Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe – người phát ngôn Uỷ ban Châu Âu (EC) Eric Mamer nêu cụ thể.

Đồng thời các quan chức trong khối cũng được yêu cầu hạn chế đi tới các nước này. Từng quốc gia trong khối EU có thể áp thêm các biện pháp bổ sung nếu cần.

Trước đó, Anh đã nhanh chóng đưa 6 quốc gia là Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe vào "danh sách đỏ" liên quan tới siêu biến chủng B.1.1.529.

Tại Đức, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nước này sẽ hạn chế hầu hết các chuyến bay từ Nam Phi và có thể là cả các nước lân cận kể từ đêm qua (26/11), theo giờ địa phương để ngăn chặn nguy cơ biến chủng mới lây lan.

Cộng hòa Séc cũng thông báo dừng hoạt động đi lại với Nam Phi và một số quốc gia khác ở phía Nam châu Phi liên quan tới biến chủng B.1.1.529.

img

Siêu biến chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại khu vực phía Nam châu Phi

Cùng ngày 26/11, sau khi thông tin về siêu biến chủng được công bố, hai chuyến bay chở 600 hành khách của hãng hàng không KLM từ Nam Phi đã bị mắc kẹt trên máy bay tại sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan.

Theo hãng tin NOS, 2 chuyến bay của hãng KLM đã hạ cánh tại sân bay Schiphol sáng 26/11 theo giờ địa phương nhưng toàn bộ 600 hành khách không được xuống khỏi máy bay như bình thường mà phải chờ đợi rất lâu.

Tất cả hành khách phải xét nghiệm PCR và phải ở trên máy bay hoặc sân bay Schiphol cho đến khi có kết quả.

Đọc thêm: Các nhà khoa học Nam Phi lo ngại về siêu biến chủng mới

Thông tin về biến chủng mới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn vào 8 giờ tối 26/11 theo giờ VN. Sau đó, các chuyên gia WHO thống nhất đặt tên cho B.1.1.529 là Omicron và xếp biến chủng này vào loại đáng quan ngại.

Đồng thời, tổ chức WHO tiếp tục theo dõi sát sao biến chủng B.1.1.529. Theo một số phân tích ban đầu, biến chủng mới có lượng đột biến rất lớn và đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ hơn.

Tính đến nay, ngoài Nam Phi, Botswana, Hong Kong (1 ca nhập cảnh từ Nam Phi và 1 ca phát hiện trong khu cách ly), đã có thêm Israel phát hiện ca nhiễm biến chủng B.1.1.529 đầu tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.