Hàng không

Thêm phiếu thuận cho hãng bay của ông Hạnh Nguyễn

04/09/2022, 20:23

Hãng hàng không IPP Air Cargo của ông Hạnh Nguyễn vừa nhận thêm sự đồng thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thêm hãng vận tải hàng hoá là phù hợp với quy hoạch

Trong văn bản mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: Việc Bộ GTVT đề xuất thành lập doanh nghiệp hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá là phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không đã được phê duyệt.

img

Hình ảnh đầu tiên chiếc máy bay của hãng hàng không IPP Air Cargo

Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, tại văn bản 4620/BGTVT-VT, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăncho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trưởng hàng không phục hồi (dự kiến 2022)”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau đó đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc đối với kiến nghị của Bộ GTVT.

Đến ngày 29/3/2022, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho CTCP IPP Air Cargo. Do đó, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về chủ trương thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT có báo cáo cập nhật tình hình phát triển của ngành hàng không, trong đó lưu ý đánh giá thực trạng thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không; nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, sự phục hồi của ngành hàng không ViệtNam...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ: Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng pháttriển doanh nghiệp hàng không đến năm 2030 như sau: “Phát triển hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá”.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có một hãng hàng không vận chuyển hàng hoá chuyên biệt. Do đó, việc Bộ GTVT đề xuất thành lập doanh nghiệp hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá là phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu vận tải hàng hoá, trong đó có đường hàng không tăng cao. Theo báo cáo của Bộ GTVT, năng lực của các hãng hàng không hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu, thị phần vận chuyển hàng hoá thấp. Do đó, việc thành lập một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Cần giám sát mức vốn tối thiểu theo quy định

Về điều kiện thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nêu rõ: Theo quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, CTCP IPP Air Cargo được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu với số vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Kỳ đồng có văn bản số 0062 xác nhận phong tỏa tài khoản.

Tại văn bản số 10 ngày 18/2/2022 gửi Cục Hàng không VN, Công ty Cổ phân IPP Air Cargo đã có giải trình bổ sung về phương án tăng vốn để bù đắp vốn thiếu hụt trong ba năm đầu hoạt động do ghi nhận lợi nhuận âm.

Trường hợp Công ty cổ phần IPP Air Cargo được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đề nghị Bộ GTVT lưu ý, giám sát đảm bảo mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp theo quy định, tương ứng với số tàu bay khai thác thực tế.

Về tư cách pháp lý của Nhà đầu tư, theo báo cáo của Bộ GTVT, các cổ đông đều là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, nên Công ty cổ phần IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

“Về vấn đề này, đề nghị rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông. Trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch, việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Cuối cùng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho biết theo quy định tại Nghị định 89, phương án bảo đảm có tàu bay khai thác phải bao gồm “số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay”. Báo cáo thẩm định chưa đề cập đến nội dung này, chỉ nêu là sẽ được xem xét khi triển khai thủ tục chấp thuận việc thuê tàu bay. Đề nghị Bộ GTVT xem xét, thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như Báo Giao thông đã thông tin, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Với xu thế chung trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, việc nước ta có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không ViệtNam, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu nông sản, rau quả tươi.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng cho rằng: Việc cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Từ đây, Bộ Quốc phòng khẳng định đồng ý chủ trương cấp phép cho DN này thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.