Vận tải

Thêm VinBus, tăng cạnh tranh, khách đi xe buýt hưởng lợi

10/05/2019, 11:38
image

TS Phạm Hoài Chung đã có những chia sẻ sau sự “lấn sân” thị trường vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Vingroup.

img
TS Phạm Hoài Chung – Giám đốc Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT)

Cú hích cho vận tải công cộng của đô thị

Vingroup vừa công bố sẽ đưa 3.000 xe buýt điện vào phục vụ tại 5 đô thị lớn. Ông đánh giá thế nào về việc này, thưa ông?

Việc Vingroup tham gia thị trường vận tải hành khách công cộng phục vụ cho nhu cầu đi lại của các đô thị là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo ra cú hích để phát triển vận tải tại các đô thị. Tôi tin rằng, nhu cầu đi lại của người dân sẽ được đáp ứng tốt hơn.

Cần phải nhấn mạnh rằng hiện Hà Nội mới có khoảng 1.500 xe buýt, TP.HCM có gần 3.000 xe. Cả 2 thành phố mới đáp ứng khoảng 8 – 10 % nhu cầu đi lại của người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dư địa để phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là rất lớn.

Đến năm 2030, tôi cho rằng lượng phương tiện phải tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với hiện nay mới đáp ứng nhu cầu. Do vậy, con số 3.000 xe đưa vào cũng chỉ là con số “khiêm tốn” chứ chưa phải quá lớn, đó là chưa muốn nói rằng 3.000 xe này phục vụ cho 5 đô thị bao gồm cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chứ không riêng gì Hà Nội và TP.HCM.

Tại Hà Nội, sau một thời gian có sự tăng trưởng đột biến, lượng khách đi xe buýt đã và đang sụt giảm trong vài năm qua. Theo ông đâu là nguyên nhân? Việc tham gia của Vingroup có giúp cải thiện được tình trạng này?

Đúng là những năm qua, tính hấp dẫn của xe buýt đang giảm dần. Bằng chứng là sản lượng VTHKCC bằng xe buýt liên tục sụt giảm trong những năm gần đây. Giai đoạn 2014 – 2017, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt giảm bình quân tại TP.HCM là 7%/năm, tại Hà Nội là 5%/năm.

Tại Hà Nội, sản lượng xe buýt tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2000 – 2009, cụ thể, nếu như năm 2000, thành phố mới có khoảng hơn 10 triệu khách đi xe buýt thì đến 2009, con số này đã là 413,1 triệu khách, tăng khoảng 38,6 lần. Giai đoạn 2010 – 2015, tăng từ 462 triệu khách/năm lên 468 triệu khách/năm. Từ 2016 đến nay, lượng khách đi xe buýt liên tục có xu hướng giảm.

Tương tự, tại TP.HCM, khách đi xe buýt liên tục giảm. Số liệu thống kê cho thấy lượng khách đi xe buýt năm 2017 đã giảm 25% so với năm 2012.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một trong số đó là việc gia tăng ùn tắc giao thông. Số điểm ùn tắc giao thông đô thị tăng cả về số lượng cũng như mức độ (80% tập trung trong khu vực trung tâm thành phố). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tần suất phục vụ và thời gian phục vụ trên luồng tuyến xe buýt. Tính đúng giờ không đảm bảo, dịch vụ không thuận tiện thì người dân sẽ không đi xe buýt mà chuyển sang đi xe cá nhân.

img
Xe buýt điện sẽ do VinFast sản xuất.

Kế đó, mạng lưới tuyến buýt hiện nay còn nhiều bất cập, chức năng của các tuyến buýt chưa được định hình rõ ràng như tuyến xuyên tâm, tuyến hướng tâm và tuyến vòng tròn… Sự hạn chế về quỹ đất trong nội thành dẫn tới việc cải thiện tính tiện nghi và an toàn cho các điểm dừng xe buýt khó khăn.

Cuối cùng, cơ cấu phương tiện, chủng loại phương tiện cũng là vấn đề. Thống kê cho thấy trong hơn 4.100 xe buýt của Hà Nội và TP.HCM, số lượng xe cũ tuổi đời trên 10 năm khá cao (chiếm 34%). Tôi cho rằng cần để nâng cao chất lượng VTHKCC, cần đầu tư phương tiện mới, chuyển đổi loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Do đó, nếu có sự tham gia của Vingroup sẽ tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống hiện nay, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn. Điều này khiến người sử dụng phương tiện VTHKCC được hưởng lợi. Đối với chính quyền các đô thị, đây cũng là cơ hội để phối hợp với một DN được đầu tư bài bản.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của phương tiện sử dụng năng lượng

Được biết loại xe mà Vingroup đưa vào thị trường sẽ là xe buýt điện. Các nước trên thế giới có sử dụng loại xe buýt này không thưa ông?

Thế kỷ 21 là thế kỷ của phương tiện sử dụng năng lượng điện. Trên thế giới, các quốc gia đều đang khuyến khích phát triển các phương tiện sử dụng công nghệ pin mới. Đây là xu thế của thế giới và nếu đưa vào khai thác tại Việt Nam tôi nghĩ hoàn toàn tốt, thân thiện với môi trường.

Mặc dù vậy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, pin ở đây phải là những loại pin sử dụng công nghệ pin mới của thế giới, công nghệ pin sạc nhanh. Nếu chúng ta sử dụng công nghệ cũ, công nghệ chì thì lượng pin thải ra môi trường lại cũng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, nếu sử dụng xe buýt điện thì cần lưu ý lựa chọn công nghệ pin.

Tôi muốn cung cấp thêm một thông tin là vừa qua, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại Hà Nội khá cao so với các thành phố trong khu vực nên việc đưa một loại phương tiện thân thiện với môi trường vào khai thác là vô cùng ý nghĩa.

Cấu hình phương tiện như thế nào thì phù hợp với đô thị như Hà Nội và TP.HCM hiện nay thưa ông?

Tôi cho rằng cần phát triển đa dạng các loại phương tiện, trong đó, xe buýt lớn dùng trên những tuyến trục và xe nhỏ hơn, minibus để đi vào những phố có mặt cắt ngang nhỏ. Với 70% diện tích đường nhỏ hơn 11m như ở Hà Nội thì điều kiện phát triển minibus, đặc biệt là minibus điện là rất cần thiết.

Theo Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020, tỷ lệ thị phần của VTHK công cộng chiếm khoảng 20 – 25%, trong đó xe buýt chiếm 15%. Đến 2025, VTHKCC chiếm khoảng 28%, trong đó xe buýt chiếm 18%. Đến 2030, VTHKCC chiếm khoảng 35 – 40%, trong đó xe buýt chiếm khoảng 20%. Cùng đó, Hà Nội cũng phấn đấu mở rộng mạng lưới xe buýt, tăng độ phủ xe buýt đảm bảo 80% dân cư khu vực nội thành có thể tiếp cận điểm dừng xe buýt trong phạm vi 500m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.