Xã hội

Theo dõi “siêu doanh nghiệp” đăng ký vốn 144 nghìn tỷ, cổ đông bán nước lọc

03/03/2020, 22:06

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng.

img
Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020

Chiều 3/3, câu chuyện “siêu doanh nghiệp” đăng ký vốn kinh doanh 144 nghìn tỷ đồng nhưng nữ cổ đông chính bán nước, không hề có tiềm lực kinh tế như đăng ký được đưa ra. Nhiều phóng viên đặt câu hỏi: Rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký kinh doanh với số vốn có thể rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất nhẹ. Đây là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, về vấn đề đăng ký kinh doanh, đây là thành quả của 20 năm đổi mới, chúng ta rất nỗ lực, cố gắng để chuyển từ cơ chế xin - cho trước đây sang cơ chế tự chịu trách nhiệm, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Thêm nữa, cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nền kinh tế đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Về việc doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng, trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp đăng ký kinh doanh cho họ.

"Tuy nhiên, các cán bộ cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường. Tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh là trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết", ông Phương nói và cho biết, vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại.

Theo ông Phương, nền kinh tế của chúng ta đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt rất cần doanh nghiệp lớn. Do vậy những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn, thì các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và của Bộ KH&ĐT sẽ phải quen dần với những con số lớn này.

Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm, chắc chắn Bộ KH&ĐT sẽ phải hậu kiểm việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.

"Chúng tôi cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm. Ở đây có một điểm quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh", ông Phương nói.

Thông tin về Công ty CP Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) mới đây đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng đang gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói, "siêu" doanh nghiệp này có trụ sở chính nằm trong ngõ đặt tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông góp vốn của "siêu" doanh nghiệp này (trong hồ sơ đăng ký góp 30% vốn, tương ứng 43.200 tỷ đồng) hiện sinh sống bằng nghề phân phối nước lọc, nước khoáng. Hai cổ đông còn lại là ông Trần Gia Phong (người đại diện pháp luật công ty, góp vốn 43,2 nghìn tỷ, cùng quê Đan Phượng, chưa rõ làm gì) và ông Nguyễn Hoàng Sơn (góp vốn 57,6 nghìn tỷ, cũng kinh doanh nước lọc). Bà Phương cho biết chưa góp vốn đồng nào vào công ty này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.