Ngọc Hân là một trong những hoa hậu báo Tiền Phong luôn nỗ lực thể hiện vai trò của mình qua các hoạt động thiện nguyện (Trong ảnh: Ngọc Hân trồng cây kêu gọi bảo vệ môi trường tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - Ảnh: Chí Linh |
Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người được mệnh danh là “cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam” đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc đời tìm kiếm cái đẹp của mình cũng như những thay đổi về quan niệm cái đẹp hiện nay.
Chuẩn về cái đẹp có nhiều thay đổi
Là người khởi xướng cuộc thi hoa hậu đầu tiên từ năm 1988, sau gần 30 năm nhìn lại, cảm nhận của ông về sự thay đổi quan niệm cái đẹp của người Việt Nam thế nào?
Quan niệm về cái đẹp đã có nhiều thay đổi từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên khởi xướng năm 1988. Chuẩn người đẹp trước đây, BGK chọn những cô gái có chiều cao khiêm tốn như hoa hậu đầu tiên của nước ta Bùi Bích Phương cao 160m. Dần dần các cuộc thi về sau này chiều cao cứ tăng dần lên đến gần 1m80.
Nhà văn Đỗ Chu đã từng nói với tôi: Tôi cảm ơn ông rất nhiều, vì ông đã làm thay đổi quan niệm về cái đẹp để những cô gái cao kều ở quê tôi từ chỗ không dám ra khỏi nhà, nay đã được xã hội coi là đẹp, trở thành những cô gái “chân dài” có giá…
Trước đây, cuộc thi HHVN ít chọn người mẫu làm hoa hậu mà chọn những người không phải người mẫu đăng quang, nhưng các cuộc thi sau này chọn người mẫu nhiều hơn. Nó có cái hay là người mẫu được đào tạo bài bản, đi đứng trình diễn phong thái tốt hơn, nhưng hạn chế là vẻ đẹp hồn nhiên bớt đi.
Phụ nữ Việt Nam cũng được coi là đẹp. Nhưng sau 30 năm Việt Nam tham gia nhiều cuộc thi vẫn chưa có người đẹp Việt nào được xướng tên ở vị trí cao nhất? Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Vẻ đẹp hình thể của các người đẹp Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới nhưng người đẹp Việt có ba điểm yếu nhất khi đi thi nước ngoài. Thứ nhất là thiếu tự tin do nền giáo dục của Việt Nam khép kín, ít giao lưu, giao tiếp, nhiều khi như học vẹt, nói như sách. Người đẹp thiếu tự tin sẽ không tỏa sáng được, mọi cố gắng trở nên giả tạo, trả lời ứng xử không tự nhiên. Thứ hai là khả năng ngoại ngữ của các người đẹp Việt yếu, nhưng hiện tại đã cải thiện hơn nhiều. Thứ ba chiều cao các người đẹp Việt cũng khiêm tốn. Đó là những lý do mà Việt Nam chưa có người đẹp nào đăng quang hay lọt vào top 3.
BTC, BGK vất vả tôn vinh cái đẹp nhưng tôn vinh xong đều lo ngay ngáy, sợ bị khán giả ném đá. Nhưng tại sao ông vẫn cứ thích tôn vinh cái đẹp?
“Những cô gái đẹp chỉ làm tôi rung động một cách trong sáng, bởi mình tôn vinh cái đẹp chứ không phải chiếm hữu cái đẹp. Nếu tôn vinh cái đẹp mà trong đầu có ý nghĩ chiếm hữu thì hỏng”. Nhà báo, nhà thơ |
Đúng vậy. Khi tôi thôi làm TBT báo Tiền Phong, mọi người hỏi: Không làm trưởng ban tổ chức hoa hậu nữa, anh cảm thấy thế nào? Tôi trả lời là nhẹ cả người. Làm TBT đã mệt rồi, tổ chức hoa hậu còn mệt hơn, suốt cả năm mất ăn mất ngủ lo đủ thứ, xong rồi chưa chắc đã yên. Bởi chọn xong rồi nhưng sau đấy 3- 4 tháng nhiều hoa hậu xảy ra chuyện, không ai biết được. Ví dụ như hoa hậu Thùy Dung chọn xong, tôi hy vọng thi hoa hậu thế giới cũng phải top 3-5 nhưng đùng một cái, xảy ra chuyện chưa tốt nghiệp cấp 3.
Tất cả các cuộc thi đều phức tạp nhưng thi về sắc đẹp càng phức tạp hơn, rất nhạy cảm. Tuy nhiên, cả đời tôi yêu cái đẹp, tôn vinh theo đuổi cái đẹp nên phải tổ chức đến cùng, không bỏ được. Người ngoài nhìn tôi theo đuổi cái đẹp bảo sướng nhưng thật sự rất cực khổ. Cái đẹp luôn bị cái xấu che lấp, bị ghen ghét, chèn ép, buộc phải vất vả. Báo Tiền Phong chưa năm nào đứng ra tổ chức thi Hoa hậu mà có lãi, bản thân tôi cũng chẳng được gì hơn nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc…
Ông Dương Xuân Nam trả lời khán giả khi hoa hậu Thuỳ Dung đăng quang |
Khản giả làm sao biết người đẹp có 9 ngón chân
Làm Trưởng BTC, Trưởng BGK nhiều cuộc thi sắc đẹp, ông nghĩ gì khi lựa chọn của BGK ít trùng với người dân?
Bởi khán giả chỉ nhìn trên sân khấu và qua mấy tiếng đồng hồ trên tivi trong khi đó giám khảo quan sát thí sinh từ 2-3 tuần, quan sát rất kĩ, hiểu người đẹp hơn là người xem qua sân khấu. Có người đẹp rất “ăn” sân khấu nhưng ngoài đời lại không đẹp. Trong khi đó, phải chọn người ở ngoài đẹp mà lên sân khấu cũng phải đẹp. Ví dụ, hoa hậu khi đứng thẳng phải có 5 điểm chạm vào nhau thì chân mới đẹp. Năm 1992, có hai người đẹp Hà Kiều Anh, Vi Thị Đông. Khi BGK chọn Hà Kiều Anh đã bị hàng nghìn khán giả dưới hội trường phản đối, vì khán giả thấy Vi Thị Đông đẹp hơn Hà Kiều Anh. Sau đó chừng nửa năm, khi Hà Kiều Anh phát triển đầy đủ mọi người mới công nhận Hà Kiều Anh mới xứng đáng là hoa hậu…
Nói như ông có nghĩa quan niệm về cái đẹp của người dân khác với BGK?
Không có gì khác cả. Chỉ vì giữa BGK và khán giả có những khoảng cách. BGK quan sát chuẩn hơn. Chỉ có BGK mới biết cô nào vẹo cột sống, có cái bớt sau gáy hoặc bàn chân chỉ có 9 ngón... Khán giả làm sao thấy được điều đó, nên có sự đánh giá khác nhau.
Vậy quan điểm về cái đẹp của riêng nhà thơ Dương Kỳ Anh như thế nào?
Nói thực tôi không thích những cô gái cao. Tôi chỉ thích những cô gái tầm 1m60. Gương mặt phải thanh thoát, trái xoan, dáng đi nhẹ nhàng , dịu dàng và hồn nhiên trong sáng.
Sở thích ấy có chi phối ông khi chấm điểm hoa hậu?
Cá nhân tôi có những chi phối, nhưng không mang quan điểm cái đẹp của riêng mình để áp đặt trong việc chọn hoa hậu. Dù rất thích cô nào đó nhưng tôi vẫn phải chấm theo tiêu chuẩn BTC đề ra, không thể làm khác được.
Nhìn lại các hoa hậu được tôn vinh, ông cảm tình nhất với người đẹp nào?
Mỗi hoa hậu đăng quang đều mang một vẻ đẹp riêng. Nhưng tôi thấy hoa hậu đầu tiên Bùi Bích Phương là hoa hậu đẹp toàn diện. Từ gương mặt, hình thể đến phong cách, hiểu biết, học vấn và không vướng scandal. Thứ hai là Ngô Phương Lan, Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất. Phương Lan hát hay đàn giỏi, dẫn chương trình duyên dáng nhưng lại không rơi vào thế giới showbiz lắm chuyện… Hiện, Phương Lan làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh.
Vợ tôi không bao giờ ghen với hoa hậu, người đẹp
Gần 30 năm bên những người đẹp, có khi nào ông bị sắc đẹp cám dỗ? Có lúc nào ông xao lòng?
Trước cái đẹp người nào chẳng bị cám dỗ, nhất là với những cô gái đẹp thì quá cám dỗ (cười). Trừ những người có vấn đề giới tính, hay thần kinh thì tất cả người đàn ông trên thế giới này đều thích những cô gái đẹp. Tôi lại là nhà thơ thì càng thích, càng rung động. Nhưng những cô gái đẹp chỉ làm tôi rung động một cách trong sáng, bởi mình tôn vinh cái đẹp chứ không phải chiếm hữu cái đẹp. Nếu tôn vinh cái đẹp mà trong đầu có ý nghĩ chiếm hữu thì hỏng.
Thế chắc ông phải kiềm chế giữ mình lắm?
Có người hỏi tôi: Những cô gái đẹp, những thí sinh dự thi hoa hậu họ thích và họ đến với anh thì anh làm sao? Xin lỗi, tôi chỉ có cách “bỏ chạy” thôi bởi tôi có phải thần thánh đâu (cười).
Ông có bài thơ tình tựa đề Dịu dàng đọc rất hay. Đó có phải là lời tự bạch của ông trước việc phải kìm chế trước các người đẹp?
Đúng vậy, đây là lời tự bạch của tôi trước việc kìm chế trước cái đẹp, tôi phải kìm hãm đến cùng.
Vây quanh ông luôn là những cô gái đẹp, vậy vợ ông có bao giờ ghen không?
Không. Vợ tôi biết tính tôi mà, biết tôi phải giữ gìn danh phận… Vợ tôi không bao giờ ghen với hoa hậu, với người đẹp đâu.
Nếu được trở lại làm Trưởng BTC, Trưởng BGK cuộc thi sắc đẹp, ông thấy cần phải thay đổi những gì để người đẹp Việt vươn tầm quốc tế?
Sẽ phải tổ chức tốt hơn và mục đích vì cái đẹp chứ đừng vì những mục đích khác. Đừng vụ lợi, thương mại, làm như thế sẽ không tốt. Công tác tổ chức phải chặt chẽ, quy củ, khoa học và chuyên nghiệp. Cuối cùng, ban giám khảo là cực kỳ quan trọng, ngoài danh phận, phẩm chất, nhân cách, họ còn phải có con mắt tinh đời, nhìn cái đẹp trong sự vận động và phát triển…
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận