Thời sự

Theo hành trình xe thồ xưa đến Điện Biên Phủ

30/04/2014, 06:47

Vì nhiều lý do mà mãi tận khi đã ở tuổi "Tri thiên mệnh", tôi mới lần đầu đến thăm Điện Biên. Chúng tôi quyết định đi theo đường bộ là có ý muốn được trải nghiệm lại-dù chỉ là trong tưởng tượng...

Phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng là sự kết tinh của khối đoàn kết đại dân tộc đã làm nên trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ
Phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng là sự kết tinh của khối đoàn kết đại dân tộc đã làm nên trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ


Tìm lại kỷ niệm nơi thời gian đã mất 


Thực ra đó cũng là gợi ý của một nhà sử học danh tiếng, khi ông biết tôi sẽ đi Điện Biên. Nhà sử học này bình thường khá lịch lãm nhưng thỉnh thoảng cũng rất “ác khẩu” nếu thấy cần phải làm thế. Ông bảo với tôi rằng, không đến Điện Biên thì “cuộc đời cậu coi như là đồ bỏ đi, khỏi bàn cãi”, còn nếu lần đầu đi Điện Biên mà vút một cái bằng máy bay thì tôi khuyên thà cậu ở nhà cho rồi! 


Tuy thấy “nóng mặt” về những lời lẽ có phần dạy bảo theo lối kẻ cả, tôi vẫn quyết định làm theo lời khuyên của ông. 


Nhưng về cơ bản thì chúng tôi - và cả nhà sử học khuyên tôi - đã thất bại so với dự định đầy thiện ý. Trước đó, nhờ xem phim tư liệu, lục tìm trong sách báo, trong đầu tôi luôn hiện lên cảnh hàng nghìn xe đạp thồ của công dân hỏa tuyến, TNXP, những “tiền bối” chân đất của ngành GTVT hùng mạnh ngày nay, nối đuôi nhau như đàn kiến tha mồi, uốn lượn qua đèo cao, dốc đứng, đầy nhọc nhằn nhưng cũng rất thi vị. Họ lầm lũi đi, lẫn vào rừng cây, lẫn vào bụi đất, lẫn vào màu đêm tối để che mắt địch. Chẳng ai trên thế giới lúc đó chứ chả riêng gì người Pháp tin rằng, đoàn quân nông dân ấy đã góp tạo nên đám đưa ma chế độ thực dân cũ dài nhất lịch sử nhân loại, về nơi an nghỉ cuối cùng là lòng chảo Điện Biên Phủ! 
 

"Tận khi rời Điện Biên, tôi vẫn canh cánh bên lòng những nỗi niềm u ẩn, không sao rạch ròi được. Có lẽ là do tôi thấy những gì hiện tại còn chưa được như mình mong ước, như nó vốn phải thế theo lẽ công bằng. Người dân các làng bản xung quanh vẫn cứ thuộc loại nghèo nhất, trường học cho con em chưa thoát tạm bợ, đường sá còn xương xẩu, gập ghềnh khiến khoảng cách bà con đến với văn minh hãy còn xa”.

Cái hình dung ấy quả thực cứ khiến tôi háo hức như một cậu bé đang đi tìm lại kỷ niệm ở nơi thời gian đã mất. Nhưng rồi tôi có cảm giác đi mãi, đi mãi mà chẳng gặp lại bất cứ vật chứng lịch sử nào gợi về thời của hơn nửa thế kỷ trước, bởi đường lên Điện Biên bây giờ thuộc số những con đường miền núi tốt nhất, đẹp nhất, dễ đi nhất Việt Nam. Trên đèo mà xe chạy như ở đường bằng! Núi non vô cùng thơ mộng, làng bản thanh bình, đẹp như trong tranh. Bao nhiêu hồi hộp khi biển chỉ dẫn sắp đến “dốc Pha Đin” hoá ra chỉ còn vương lại khi đọc thơ Tố Hữu! Vèo một cái xe đã ở phía bên kia con đèo từng làm nổi da gà biết bao người, thậm chí còn chưa kịp hát hết vài câu. “Lịch sử” gồ ghề trong sách vở, trong ký ức những người già, giờ đã bằng phẳng, quang đãng, đơn giản đi hàng trăm lần, không dễ mà hình dung lại được. Thật cũng đáng là một nỗi thiệt thòi cho những người như tôi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ được 5 năm tôi mới có mặt trên thế giới này. Còn khi tôi có mặt ở giữa cái chiến trường khủng khiếp nhất thế giới một thời, thì những gì xứng đáng được ghi nhớ tại đó đã lùi lại 56 năm. Giờ này, sau 4 năm, tôi vẫn nhớ rất rõ cái cảm giác khi “chạm” vào thung lũng Điện Biên lãng đãng sương mù và khói lam chiều - qua thuyết minh của một anh bạn từng sinh sống suốt thời thanh niên ở đó - là tôi thấy tâm hồn có một sự nhẹ bỗng qua cái thở phào. Cái thở phào của người cuối cùng cũng đã làm được thứ công việc mà mình thấy cần làm. Cái thở phào chính tôi cũng bất ngờ. Có thể là do ám ảnh về địa danh Điện Biên đã hành hạ tôi quá lâu. Cũng có thể do trước đó tôi quá lo sợ mình chưa chuẩn bị đủ kỹ để đối mặt và đối thoại với một quá khứ nhiều mật ngôn nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại.


Chỉ có điều, muốn nói gì thì nói, chuyến đi là quá muộn so với tuổi và nghề nghiệp mà tôi theo đuổi. Tuy vậy, việc chậm đến Điện Biên của tôi - chắc chắn là có lỗi lớn - nhưng không chỉ hoàn toàn dở, mà cũng có cái hay. Đó là những cảm nhận, suy tư của tôi sẽ không còn bồng bột, bốc đồng hoặc cũng bớt đi phần chủ quan hay cực đoan. Những gì mà tuổi trẻ thường lướt qua - vì quỹ thời gian còn nhiều, chẳng đi đâu mà vội - thì ở tuổi trung niên bán phần về già có xu hướng quan tâm cặn kẽ theo kiểu muốn tìm ra một kết luận, ít nhất cũng cho riêng mình. Tôi muốn tận mắt thấy, tận tay chạm vào lịch sử, thay vì chỉ đọc hoặc nghe; tôi muốn tự mình khám phá, thay vì phải qua chỉ dẫn, tức là qua bộ lọc khác; tôi muốn lý giải những sự kiện theo cách của riêng mình, thay vì dựa vào thứ có sẵn. 
 

Tác giả trong lần đến thăm Điện Biên
Tác giả trong lần đến thăm Điện Biên

Khi im lặng đứng trên đỉnh đồi A1


Và gần như mọi ý muốn tôi đều thực hiện được về mặt lý thuyết. Những gì tôi thấy cơ bản giống như những gì tôi nghe kể hoặc đọc được. Điều đó không còn gì phải nghi ngờ ngoài một vài khác biệt về cảm xúc. Chẳng hạn khi xem, nghe kể về cuộc vận tải độc nhất vô nhị của hàng vạn dân binh, bằng chính xe đạp sản xuất tại Pháp, tôi chỉ thấy thú vị ở khía cạnh kỳ diệu, lạ lùng, gây tò mò. Giờ ngồi trên xe ô tô đời mới, mệt lả sau chưa đầy nửa ngày chạy trên đường mịn như nhung, tự dưng tôi thấy xót xa thương cha anh mình, thương những đồng bào vùng cao chưa bao giờ hết nghèo đói của mình đến tận đáy lòng. Thứ tình cảm mà chính tôi cũng không thể diễn tả bằng lời. Nhưng rất thật và không thể diễn lại. Hoặc khi tôi đọc những miêu tả về cuộc giằng co ác liệt giữa quân ta và quân viễn chinh Pháp trên từng mét hào; chuyện về từng đoàn quân ta bám nhau bò lên đánh chiếm cao điểm giữa mưa đạn của địch; chuyện quân Pháp bị tiếng nổ của khối thuốc TNT nặng một tấn khiến nhiều tên vỡ màng nhĩ; chuyện tướng, lính đội quân viễn chinh lốc nhốc ra hàng… tôi chỉ thấy bừng bừng tự hào, thậm chí còn không giấu được niềm thích thú. 


Nhưng khi im lặng đứng trên đỉnh đồi A1, giữa lúc chiều tà, không một lời thuyết minh hùng hồn, không có bất cứ ai rót vào tai câu chuyện đã thuộc lầu, chỉ nhìn xuôi xuống theo những vệt mòn thời gian, nước mắt tôi cứ chảy ra không sao kìm được. Còn khi chui vào căn hầm chỉ huy của viên tướng bại trận De Castries, thay vì thán phục sự kiên cố, bí ẩn của những vòng thép như cảm giác hồi bé nhìn qua ảnh chụp in trên sách giáo khoa, thì tôi chỉ cứ muốn cười phá lên. Mỗi người phải tự trải nghiệm thì mới có cho mình câu trả lời về những bí mật của chính tâm hồn mình. Tôi không thể giải thích đơn giản, bằng thứ ngôn ngữ thông thường điều đó với bạn đọc.

Cánh cửa vào thế giới bí ẩn 


Cuối cùng bí ẩn lớn nhất còn lại mà tôi đối mặt, có lẽ cũng thuộc về bí ẩn của lịch sử, chính là tài chỉ huy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không khó gì để tôi vượt qua mấy chục cây số đường rừng đã được nâng cấp từ lối mòn xưa nhưng vẫn đủ cho cảm giác là con đường quân sự, đến với địa danh Mường Phăng. Nhưng sẽ chẳng bao giờ tôi đến được với những cánh cửa mở vào thế giới bí ẩn còn lưu giữ ở nơi này. Những gì gắn với trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử, gắn với vị Đại tướng lừng danh còn giữ lại khá tốt về khía cạnh hiện vật. Tuy thế, ngoài cảm giác lịch sử vẫn hiện diện cùng với sự tĩnh mịch của thời gian, nó không giúp gì cho tôi trong việc cố gắng hình dung lại một phần sự khốc liệt trước những quyết định, phần nhiều là mang tính cá nhân, của vị tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.


Sức mạnh vượt trội về mọi phương diện của đội quân xâm lược ở thời điểm ấy là điều không cần phải nghi ngờ. Nó được điều hành bởi một bộ máy chiến tranh hoàn hảo xuyên Đại Tây dương, trực tiếp đặt dưới sự chỉ huy của những viên tướng dày dạn kiến thức quân sự cũng như trận mạc. Trên thực tế những viên tướng ấy thực sự là tinh hoa của nước Pháp.


Thử xem trong tay vị tướng ngoài 40 tuổi, xuất thân là thày giáo dạy lịch sử của chúng ta có gì? Ông không hề qua bất cứ trường đào tạo quân sự nào. Cũng không thấy dấu hiệu cho thấy ông có năng khiếu chỉ huy chiến tranh. Ông chỉ có những kinh nghiệm mang tính mật truyền của lịch sử, được trao lại từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm…Những nhà quân sự, chiến lược gia kỳ tài của đất nước. Nhưng tại sao những mật truyền ấy lại chọn ông chứ không phải ai khác, là điều vĩnh viễn nằm ngoài mọi phán đoán của tôi. Điều đó cũng giống như không thể nào phán đoán được dân tộc này còn có những bảo bối gì để giúp họ trường tồn. Trên thực tế, có rất ít nghiên cứu nghiêm túc nào của phía kẻ thù quan tâm đến lý do chết của họ mỗi khi đặt chân lên mảnh đất này. Họ thường đến như đi vào chỗ không người. Nhưng, thay vì hưởng niềm vinh quang chiến thắng, thời gian còn lại, họ chỉ loay hoay với mỗi một việc là tìm cách cuốn gói cho êm và cho đỡ bẽ mặt. 


Một phần lý do đó chính là nghệ thuật rút lui của người Việt. Rút lui đã trở thành một bí ẩn quân sự của Việt Nam. Từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, đến Nguyễn Trãi, sau này là vua Quang Trung… đều sử dụng thuần thục diệu pháp đó.


Giờ đến lượt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Căn cứ vào các tài liệu lịch sử thì vị Đại tướng của chúng ta đã mất trắng một đêm để có cái quyết định rút lui lịch sử ấy. Không biết cái đêm kinh hoàng ấy bằng bao nhiêu phần cuộc đời ông? Chắc nó phải rất dài, rất khủng khiếp. Lịch sử hiện đại Việt Nam không thể thiếu cái đêm ấy, như một dấu mốc vĩ đại. Tuy chỉ một đêm, nhưng nó là mênh mông thời gian, dằng dặc niềm thao thức và vô tận về nỗi cô đơn con người.


Tôi đến Điện Biên bằng tâm trạng của người muốn trả xong một món nợ, món nợ tinh thần luôn đeo đẳng nặng trĩu tâm hồn tôi. Nhưng tận khi rời Điện Biên, tôi vẫn canh cánh bên lòng những nỗi niềm u ẩn, không sao rạch ròi được. Có lẽ là do tôi thấy những gì hiện tại còn chưa được như mình mong ước, như nó vốn phải thế theo lẽ công bằng. Người dân các làng bản xung quanh vẫn cứ thuộc loại nghèo nhất, trường học cho con em chưa thoát tạm bợ, đường sá còn xương xẩu, gập ghềnh khiến khoảng cách bà con đến với văn minh hãy còn xa. Bỗng thấy thông cảm tuyệt đối với ý định nôn nóng phần nào cảm tính - theo kiểu thiên vị người nghèo - của ông Bộ trưởng Bộ GTVT đương nhiệm, khi ông muốn ưu tiên xây đường, xây cầu cho người dân vùng núi! Hóa ra luôn có rất nhiều vấn đề mà chuyện tranh cãi đúng, sai không còn quan trọng, không đáng bận tâm khi mà hành động đó tạo ra sự an lòng cho cộng đồng và bởi cao hơn tất cả, nó hợp với đạo lý chia sẻ, đùm bọc, thương yêu nhau của dân tộc. 


Cũng chính bằng cách đó, tôi hiểu ra rằng vì sao những đoàn quân xe thồ chậm chạp hướng về Điện Biên ngày ấy, chỉ với khát khao độc lập, tự do lại đã đến được đích, vượt khỏi mọi giới hạn chịu đựng cũng như suy đoán của con người, trong sự ngỡ ngàng của thời đại và giờ này vẫn đang làm nhiệm vụ tiếp sức cho những chuyến hành trình vào tương lai của con cháu.

Hà Nội, tháng 4/2014

Bút ký của Chu Quý
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.