Quản lý

Thi bằng lái ô tô năm 2020: Những điều chỉnh mới người học cần lưu ý

01/03/2020, 10:37

Việc học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô thời gian tới sẽ được ứng dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ hơn.

img
Việc học và thi GPLX thời gian tới sẽ trở nên chặt chẽ hơn sau khi Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT ban hành - Ảnh minh họa

Ứng dụng công nghệ trong đào tạo và sát hạch lái xe

Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT ban hành sẽ thay đổi một số tiêu chuẩn trong công tác đào tạo lái xe theo hướng ứng dụng công nghệ trong đào tạo và sát hạch lái xe. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở đào tạo sẽ phải bổ sung, thay thế các trang thiết bị, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo để phù hợp với quy định mới. Tuy vậy, Thông tư không quy định tăng số lượng giờ học thực hành mà chỉ điều chỉnh những vấn đề sau đây:

Trong công tác đào tạo lái xe: Từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ô tô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1); Tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.

Với thực hành lái xe, trang bị cabin học lái ô tô, ô tô tập lái sẽ phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường, sau 6 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành. Trong thời gian chưa tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, thời gian đào tạo môn học đạo đức, văn hóa giao thông bao gồm thời gian đào tạo nội dung phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định tại Điều 13, Điều 14 của Thông tư số 12/2017.

Trong công tác sát hạch lái xe: Triển khai thực hiện lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT từ ngày 1/1/2020 theo mô hình chuẩn đã được hướng dẫn. Chuẩn bị để triển khai sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe.

Ngoài ra, từ ngày 1/6/2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.

Hết tâm lý không muốn học cũng có bằng

Lý giải về quy định này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, giữa quy định về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch lái xe và thực tế thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện nay, các sở GTVT chỉ kiểm tra các khóa học, kiểm tra cấp chứng chỉ, còn trách nhiệm của cơ sở đào tạo có dạy đủ thời gian, chương trình hay không, chưa có công cụ giám sát.

"Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2018 về kinh doanh dịch vụ cấp GPLX. Trong đó, bổ sung thêm một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch như thiết bị mô phỏng, thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, giám sát quãng đường và thời gian học thực hành của học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cấp GPLX", ông Thống cho biết.

Anh Trần Kiêm Hạ (Phường Tân Quý, Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) - người có nhiều năm dạy lái xe cho biết, để cạnh tranh và có lợi nhuận, nhiều trung tâm đào tạo cắt xén, không dạy đủ chương trình. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến việc làm gì để người tài xế tránh được tai nạn, hay dạy đạo đức để người lái xe ứng xử với các tình huống trên đường bị bỏ qua.

Nguyên nhân theo anh Trần Kiêm Hạ là do việc kiểm soát đào tạo của nhà nước còn lỏng lẻo, chưa giám sát được học viên có học đủ thời gian học thực hành trên đường, chỉ quan tâm đến việc cấp bằng cho xong. Nhiều người học xong có bằng nhưng không dám cầm vô lăng, muốn lái được phải thuê thêm xe và giáo viên để bổ túc tay lái.

"Tới đây, khi được giám sát chặt chẽ theo quy định tại Thông tư 38, các trung tâm đào tạo sẽ phải dạy đủ chương trình, ý thức người học và cách dạy của giáo viên và trung tâm đào tạo sẽ được cải thiện. Không còn tình trạng học viên không học nhưng vẫn có bằng", anh Hạ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.