Chuyện dọc đường

Thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối vận tải là đúng

29/06/2017, 07:45

Trong thời đại công nghệ số, chúng ta phải biết tận dụng để phục vụ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh.

2

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kết luận tại buổi đối thoại

Grab và Uber là loại hình kinh doanh tiên tiến, huy động xe không sử dụng hết công suất, dùng công nghệ thông tin để tiếp cận và phục vụ khách bằng dịch vụ công khai, minh bạch từ khâu đặt xe, lộ trình đến tính tiền cước.

Chúng tôi hoan nghênh Bộ GTVT đã quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng bằng việc mạnh dạn ban hành quyết định thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong thời đại công nghệ số, chúng ta phải biết tận dụng để phục vụ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh. Đây là bước đi đúng của Bộ GTVT.

Có thể nói, loại hình này đang mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội vì nếu Grab và Uber phát triển mạnh, sẽ giảm được ô tô cá nhân. Số xe Uber và Grab gia tăng không phải do Nhà nước cho phép tăng thêm mà là những xe có sẵn, hoạt động không hết thời gian, nay được mang ra sử dụng trong thời gian chủ xe không sử dụng. Thực tế, ít người tiêu dùng có phản hồi thiếu tích cực về dịch vụ Uber tại Việt Nam vì giá cả cạnh tranh và biết trước giá, cung đường đi.

Tất nhiên, không phải hai loại hình này đã là lý tưởng, việc sử dụng vẫn còn khá nhiều bất cập, nếu không có điện thoại thông minh, hành khách muốn đi cũng không đi được và phải nhờ người khác gọi. Thêm nữa, khi muốn kết hợp đi hai người cũng khó vì mỗi người phải có địa chỉ nơi đến rõ ràng. Chưa kể khi sử dụng loại hình này, khách hàng phải khai báo một số thông tin cá nhân, số điện thoại của mình, dẫn đến việc có thể bị lợi dụng. Tuy nhiên, nhược điểm này không lớn đến mức người tiêu dùng quay lưng vì hiệu quả kinh tế của loại hình này vẫn cao hơn. Với cách quản lý hiện đại, đỡ xe chạy rỗng, chạy lòng vòng khi có xe điểm gần hành khách nhất. Về mặt xã hội, hiệu quả còn lớn hơn vì tiết kiệm xăng dầu, hạn chế phương tiện gây ùn tắc giao thông.

Theo tôi, Grab và Uber chỉ là thách thức bước đầu đối với taxi truyền thống. Trong tương lai không xa, taxi tự lái, taxi truyền thống khó có thể tồn tại được. Vì vậy, cần bàn bạc nghiêm túc cách chấp nhận công nghệ này thế nào và xem xét năng lực cạnh tranh của taxi truyền thống ra sao một cách cầu thị, phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ và bảo vệ lợi ích chung của xã hội, người tiêu dùng.

Trong câu chuyện này, có thể nhìn ở góc độ khác là tại sao các hãng taxi truyền thống không áp dụng mô hình tương tự Uber, Grab? Hiện nay, các chính sách của Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động, triển khai các phương thức dịch vụ kinh doanh hiện đại. Nếu dịch vụ vận tải mới giảm chi phí, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng, không nên hạn chế.

Để quản lý tốt loại hình này, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần xem xét một cách cầu thị những kiến nghị của taxi truyền thống để có những điều chỉnh thích hợp nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động. Nhà nước cần quản lý tốt hơn loại hình này về nghĩa vụ thuế, tránh thất thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, nếu cạnh tranh bình đẳng, người tiêu dùng sẽ ủng hộ. Đây là thực tế mà các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét để sớm có giải pháp phù hợp, vừa sử dụng được công nghệ mới, bảo đảm ATGT, an ninh trật tự, làm tốt mọi nghĩa vụ với Nhà nước, không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại hình giao thông khác.

Nguyễn Mạnh Hùng
(Phó Chủtịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.