Showbiz

Thi nhan sắc đình trệ, hoa hậu chỉ biết ở trong nhà

22/10/2020, 06:18

Không riêng ban tổ chức, các hoa hậu cũng phải nỗ lực duy trì tên tuổi và các hoạt động khi nhiệm kỳ của mình bị kéo dài hơn so với dự kiến.

img
Miss Hong Kong 2020 được tổ chức theo hình thức thi online. Chiến thắng thuộc về người đẹp lai Tạ Gia Di

5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh là: Miss World, Miss Universe, Miss International, Miss Grand International, Miss Supranational đã chính thức tạm hoãn. Riêng cuộc thi Miss Earth vẫn được khởi tranh từ tháng 9, theo hình thức trực tuyến. Các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia được tái khởi động cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là điều mà có lẽ không ai ngờ tới trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Hoa hậu “thất nghiệp”, BTC nỗ lực duy trì

Đến hẹn lại lên, quý IV hàng năm là dịp các cuộc thi nhan sắc thế giới bắt đầu diễn ra, để tìm kiếm những nhan sắc nổi bật nhất đến từ hàng trăm quốc gia.

Song năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cuộc thi này đều bị tê liệt. Các nhà tài trợ vàng như: Okada Manila, Solar Entertainment, Inc, SM Lifestyle Entertainment, Agalarov… từng chi cho sân chơi nhan sắc hàng chục triệu USD đến nay vẫn “án binh bất động”.

Trang The Sash Company nhận định, ngành công nghiệp tổ chức sự kiện nhan sắc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn với đơn vị sở hữu bản quyền các cuộc thi khi vẫn phải gồng mình thanh toán các hoá đơn, chi phí để duy trì quảng bá duy trì hình ảnh cuộc thi, giữ chân đối tác...

Trong khi đó, các nhà tài trợ lại “đứng ngồi không yên” về việc rút vốn đầu tư của mình từ các đơn vị tổ chức. Lúc này, tổ chức theo hình thức online với chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo cuộc thi được diễn ra, có lẽ là sự lựa chọn tối ưu hơn cả.

The Sash Company phân tích, mặc dù ban tổ chức cùng nhà tài trợ các cuộc thi nhan sắc vẫn có thể hưởng lợi từ việc tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến, nhằm quảng bá cuộc thi, nhưng đến ngay như nhà sáng lập cuộc thi Miss Earth Philippines Lorraine Schuck cũng phải thừa nhận trên Philstar rằng, hình thức thi truyền thống dù sao cũng dễ thu hút đầu tư hơn là hình thức thi online.

Không riêng ban tổ chức mà bản thân các hoa hậu cũng phải nỗ lực duy trì tên tuổi và các hoạt động khi nhiệm kỳ của mình bị kéo dài hơn so với dự kiến.

Thực tế, các hoa hậu đương nhiệm sẽ có một lịch trình đầy đủ các hoạt động tại địa phương, tiểu bang hoặc quốc gia. Song, khi tất cả các sự kiện bị hủy bỏ, hạn chế, rất khó để họ sắp xếp lịch trình và tập trung cho các cộng đồng một cách hiệu quả.

Còn nhớ, cách đây không lâu, cả thế giới phải nghiêng mình trước hành động dũng cảm của Hoa hậu Anh 2019 Bhasha Mukherjee và Á hậu 3 Miss World 2013 Marine Lorphelin khi hai người đẹp này sẵn sàng cất vương miện, rời bỏ đỉnh vinh quang để trở về quê nhà, trở thành y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Trả lời CNN, Mukherjee thẳng thắn nói rằng, bản thân cảm thấy sai lầm khi đeo chiếc vương miện. Nó chẳng có ý nghĩa gì ngay cả đối với hoạt động nhân đạo, trong khi mọi người trên khắp thế giới đang phải ra đi vì Covid-19, còn những đồng nghiệp của cô đang ngày đêm cố gắng cứu chữa cho người bệnh.

“Lúc này tôi chỉ muốn được về quê nhà và đến thẳng bệnh viện, với vai trò là một bác sĩ. Lúc này, người dân cần một bác sĩ hơn là một người đẹp”, Mukherjee tâm sự.

Trong khi đó một số hoa hậu phải rẽ hướng sang làm việc khác hoặc phụ thuộc vào mạng xã hội để “chống cháy” trong thời gian thất nghiệp.

Zoe Hendrick - Miss Cork, Ireland chỉ biết sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ các tổ chức từ thiện: “Thật kỳ lạ khi không có bất kỳ sự kiện xã hội nào. Mọi thứ bạn có thể làm là trên mạng xã hội. Chắc chắn mọi người xung quanh sẽ thắc mắc tôi đang làm gì. Vì vậy, tôi chỉ còn cách đăng tải tất cả các hoạt động của mình trên trang cá nhân”, Zoe nói.

Trong khi đó, Christiana Reid đã dành thời gian cập nhật các hoạt động của mình trên mạng xã hội. Cô bé hoa hậu 5 tuổi này lựa chọn hình thức viết thư cho những người già trong viện dưỡng lão, quyên góp cho các cửa hàng thực phẩm và thực hiện các gói chăm sóc cho nhân viên y tế.

Một trường hợp khác là Miss Hong Kong 2019 Hoàng Gia Văn. Cô còn được gọi là hoa hậu xui xẻo nhất lịch sử cuộc thi trong suốt 32 năm qua. Cô vừa đăng quang tháng 9/2019, vài tuần sau đó xảy ra biến động chính trị. Đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến xã hội trì trệ. Trong nhiều tháng qua, người đẹp 26 tuổi chủ yếu quanh quẩn trong nhà. Cô dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và học thêm khóa học về chăm sóc, làm đẹp thú cưng.

Thi online lên ngôi

img
Người đẹp Carmen Jaramillo được chỉ định là đại diện của Panama tranh tài tại Miss Universe 2020

Điểm nhanh vài quốc gia trên thế giới, có khoảng gần 10 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia được tái khởi động theo hình thức online như: Miss Universe Philippines, Miss Hong Kong, Miss Sound Africa…

Ngay tại một cường quốc nhan sắc như Venezuela, khái niệm “đêm đẹp nhất” tại cuộc thi Miss Venezuela cũng không còn nữa. Tất cả đều được gói gọn trong chương trình trực tuyến kéo dài khoảng 3 giờ, sau hơn 2 tháng ghi hình. Ricardo Di Salvatore, nhà sản xuất điều hành của Venevision cho biết cuộc thi Miss Venezuela năm nay là một “thử nghiệm”.

Trong khi đó, tại Nam Mỹ, nhiều nước cũng đã chỉ định danh hiệu mà không tiến hành thi cử như thường lệ. Giới chuyên gia dự đoán, xu hướng chỉ định danh hiệu có lẽ sẽ còn tiếp diễn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới vì các cuộc thi sắc đẹp đang gặp khó khăn, không chỉ từ khâu tổ chức mà còn từ khâu vận động tài trợ. Theo Missosology, khái niệm nhan sắc “bình thường mới” (New normal) cũng được hình thành.

Theo Lorraine Schuck, bản thân các cô gái cũng phải điều chỉnh bản thân theo loại hình thi mới này. Tất cả phải làm quen với việc tự thân vận động, bao gồm trang điểm, kỹ năng giao tiếp, trình diễn và thực hiện các video. Và đặc biệt là sự linh hoạt trong môi trường internet.

The Sash Company cho rằng, với hình thức thi truyền thống, có lẽ các cô gái đã quá quen với việc biểu diễn và ghi điểm với khán giả. Với hình thức thi online lại khác.

Ngoài việc thể hiện tốt trước ống kính, bản thân thí sinh còn phải trở thành một người tổ chức với các khâu: Thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh, trang phục, trang điểm… Trong khi đó, với hình thức truyền thống, thí sinh chỉ việc đến tham gia và thể hiện trên sân khấu hoành tráng, âm thanh, ánh sáng cộng hưởng từ những chuyên gia hàng đầu.

Theo chuyên trang sắc đẹp Missosology, giới chuyên môn cho biết, dịch Covid-19 có thể xuất hiện theo từng đợt. Lịch sử cho thấy, đại dịch cúm năm 1918 đã kéo dài 3 năm, vì thế việc người hâm mộ có thể sống trong 3 năm liên tiếp mà không có các cuộc thi quốc tế lớn cũng được đặt ra. Quan trọng hơn, liệu các cuộc thi nhan sắc lớn có thể tồn tại trước tác động tài chính mà đại dịch đã gây ra hay không. Có quá nhiều điều bất trắc nhưng có một điều chắc chắn rằng: Để tồn tại, người ta phải thích nghi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.