Xã hội

Thí sinh “chê” Sinh, Sử

09/04/2015, 07:05

Sau hơn chục ngày học sinh bắt đầu đăng ký các môn thi cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015, hai môn Sinh học

52
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội trong giờ ôn tập

Cả trường chỉ 1 thí sinh chọn thi Sử

Theo Phó Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Tạ Duy Anh, kết quả đợt khảo sát gần nhất, cả trường chỉ có duy nhất một học sinh đăng ký dự thi môn Sử cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tương tự là trường THPT Lương Thế Vinh, qua khảo sát cũng chỉ có một thí sinh đăng ký lựa chọn môn Sử. Còn tại trường THPT Phan Huy Chú, hai môn Sinh, Sử cũng chỉ lác đác thí sinh lựa chọn. Đặc biệt, trường THPT Nguyễn Văn Cừ không có thí sinh nào chọn môn Sử.

"Việc có thể đăng ký thi nhiều môn giúp thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển ĐH, CĐ hơn song cũng khiến việc tập trung học tập bị ảnh hưởng bởi phải dàn trải quá nhiều môn. Nếu các em chọn nhiều môn, cơ hội xét tuyển nhiều nhưng cơ hội trúng tuyển chưa chắc đã cao”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Bùi Văn Ga

Theo PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, do học sinh của trường chủ yếu phân ban theo khối A, khối D nên các em chọn những môn thi gắn với tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ. Tổ hợp được lựa chọn số 1 là Toán - Văn - Tiếng Anh và Vật lý, Hóa học dành cho học sinh khối A, A1. Tổ hợp thứ hai là Toán - Văn - Tiếng Anh và Vật lý dành cho học sinh khối D. Với việc thi môn Vật lý, các em có thể xét tuyển hai khối A1 và D. “Việc các em ít lựa chọn thi môn Sử cũng là điều dễ hiểu”, PGS. Văn Như Cương nói.

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng cho hay, chương trình học Sử khá nặng, nên em chọn môn Địa vì môn này ở lớp 12 chỉ có 7 chương, dễ nhớ, lại còn được sử dụng bản đồ Atlat khi làm bài.

Lý giải về việc môn Sinh ít được học sinh của trường lựa chọn (chỉ có 7/359 học sinh chọn), cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho hay, là do tổ hợp môn thi năm nay có nhiều thay đổi, hầu hết các trường ĐH, CĐ trong nguyện vọng 1 (gồm bốn sự lựa chọn) phần lớn tập trung vào các khối A, D, A1, do vậy học sinh chủ yếu lựa chọn các môn Hóa, Lý thay vì môn Sinh để có nhiều sự lựa chọn trước ngưỡng cửa vào ĐH.

Không nên quá ôm đồm

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, do sự chênh lệch khá lớn trong việc lựa chọn môn tự chọn, nên nhà trường khá vất vả trong việc sắp xếp lịch ôn tập cho học sinh. Nhà trường cố gắng vừa đảm bảo không cắt xén chương trình với các môn không thi đồng thời vừa tổ chức ôn tập, cố gắng sắp xếp đủ bốn tiết/tuần cho mỗi môn, kể cả với môn học có ít học sinh lựa chọn.

“Trách nhiệm của giáo viên năm nay nặng nề hơn, bởi kỳ thi này nhằm cả hai mục đích vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Do vậy, giáo viên cần có sự định hướng, bắt nhịp nhanh với xu hướng mới, có vậy mới đảm bảo chất lượng kiến thức ôn tập cho học sinh”, cô Nhiếp nói.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, trước việc đăng ký lệch nhau khá rõ rệt giữa các môn thi (có những môn thi chỉ có vài học sinh/lớp đăng ký) khiến việc tổ chức ôn tập khá khó khăn. Để ôn tập cho học sinh, nhà trường buộc phải đan xen nội dung ôn tập vào tiết học chính khóa. 

Có một thực tế, phần lớn thí sinh lựa chọn 4-5 môn để đăng ký vào kỳ thi chung. PGS. Văn Như Cương cho hay, hầu hết học sinh của trường chỉ đăng ký thi 5 môn, trong đó có các môn Vật lý, Hóa học là tự chọn, như vậy các em đã có cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ với ít nhất ba tổ hợp môn thi, theo các khối thi truyền thống. Nhưng việc các em đăng ký nhiều môn trong khi kiến thức, kỹ năng còn chưa chắc chắn cũng khiến thí sinh phải vất vả hơn trong việc ôn tập và khó tập trung hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho rằng, việc đăng ký nhiều môn thi sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ nhưng giáo viên cũng tư vấn các em cần xác định các môn chủ lực để nắm chắc, học kỹ nhằm đạt kết quả tốt nhất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.