Xã hội

Thí sinh khóc ròng vì điểm làm tròn và điểm cộng ưu tiên

02/08/2017, 19:50

Trong đợt 1 xét tuyển ĐH-CĐ, không ít thí sinh điểm cao ngất ngưởng vẫn điêu đứng, trượt vì tiêu chí phụ, điểm cộng.

Tốt nghiệp 2017 1

Thí sinh điêu đứng vì điểm làm tròn và điểm cộng ưu tiên

Quy tắc làm tròn điểm “bất công” (?)

Tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, thí sinh V.H.H.(trú tại quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh) có điểm thi Toán 9,6; Hóa 9,75; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Tổ hợp xét tuyển khối B của H. là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng), tuy nhiên theo quy tắc làm tròn điểm, tổng điểm của V giảm xuống 29,25. Đăng ký nguyện vọng lần lượt là: Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM; Y đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ, V đạt điểm chuẩn nguyện vọng 1 là 29,25, tuy nhiên, vẫn bị đánh trượt vì tiêu chí phụ tiếng Anh phải đạt điểm 9, trong khi thí sinh chỉ đạt 8,8 điểm.

Quy định làm tròn điểm khiến thí sinh V bị thiệt thòi hơn khi điểm gốc của em là 29,35, cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng một vì quy tắc làm tròn điểm và xét tiêu chí phụ.

Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc làm tròn điểm đến 0,25 đã được quy định và áp dụng trong nhiều năm nay không có ý kiến gì khác từ thí sinh hoặc các trường. Theo quy chế tuyển sinh, trong những trường hợp bằng điểm ở cuối danh sách, trường có quyền căn cứ vào kinh nghiệm tuyển sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để lựa chọn cho phù hợp. Quy định để các trường có quyền chọn các tiêu chí phụ phù hợp vì lý do: Điểm thi là căn cứ xét tuyển nhưng với mức điểm thi gần như tương đương nhau thì còn có thể căn cứ vào nhiều yếu tố khác (điểm quá trình học, lĩnh vực năng lực sở trường, nguyện vọng; tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) thì mới đảm bảo công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo.

Không đồng tình với các làm tròn điểm “bất công” với không ít thí sinh, chị Bích Vân, có người thân tham gia kỳ thi này phân tích, khi thi trắc nghiệm điểm tính đến số lẻ thứ 2, có sự phân hoá rõ ràng đến 0,01. Các trường chỉ việc sàng lọc theo điểm số từ trên xuống dưới, việc đó máy tính làm rất đơn giản. Khi đó điểm số trùng nhau không nhiều, nếu trùng dùng tiếp tiêu chí phụ cũng sẽ đơn giản. Tại sao phải làm tròn từ 0,13-0,37 về 0,25 để dồn nhiều thí sinh khác điểm nhau về cùng điểm rồi phải dùng tiêu chí phụ để xét tuyển. Bằng điểm nhau thì xét tiếp tiêu chí phụ là đúng nhưng rõ ràng điểm gốc đâu có bằng điểm nhau đâu mà xét: 29,35 hơn hẳn so với 29,25. Tiêu chí phụ thì thế nào vẫn chỉ là phụ thôi, sao bằng điểm chính được.

Điểm cộng khiến thí sinh KV 3 đạt điểm tuyệt đối vẫn rớt

Nhìn vào điểm chuẩn của Học viện An ninh Nhân dân 30,5 cho tổ hợp D01 ngành Ngôn ngữ Anh (không nhân hệ số) với thí sinh nữ; hay điểm chuẩn 30,25 cho tổ hợp A00 với thí sinh nữ miền Bắc của ĐH Phòng cháy chữa cháy… thấy rõ với học sinh KV 3 thì dù đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt.

Trong khi, thí sinh ở khu vực khác được cộng điểm ưu tiên, tối đa lên tới 3,5 điểm thì dù điểm thấp hơn vẫn có cơ hội đỗ. Chính sách điểm cộng ưu tiên cộng với điểm chuẩn ngất ngưởng hơn 30 gần như loại bỏ cơ hội vào học các trường tốp đầu của học sinh thành phố (không có điểm ưu tiên)

Cũng theo chị Bích Vân, điểm cộng ưu tiên là hợp lý để bù trừ sự chênh lệch giữa các khu vực, nhưng đề thi phải phân hoá đủ để sự bù trừ này trở nên hợp lý. Không thể để sự bù trừ để tạo công bằng cho khu vực này nhưng lại mang đến sự không công bằng cho khu vực khác.

Trước ý kiến cho rằng có sự bất công khi áp dụng điểm cộng trong xét tuyến ĐH-CĐ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích, quan niệm về bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng. “Chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, cũng cần thay đổi theo thời gian, khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi”, bà Phụng nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.