Thị trường

Thị trường bán lẻ "đổi ngôi", doanh nghiệp Việt đứng ngồi không yên

10/05/2016, 08:29
image

Đây là lo lắng và cũng là cảnh báo của nhiều chuyên gia bán lẻ, các nhà sản xuất Việt Nam...

14

Big C là siêu thị bán lẻ có thâm niên trên thị trường Việt Nam, được định giá tới 750 triệu Euro

Đây là lo lắng và cũng là cảnh báo của nhiều chuyên gia bán lẻ, các nhà sản xuất Việt Nam trước “mặt trận” bán lẻ trong nước hiện nay, nhất là sau khi 2 hệ thống phân phối lớn là Metro Cash & Carry và Big C lần lượt rơi vào tay ông chủ Thái Lan.

Nhìn một cách sòng phẳng, thị trường hàng hóa nếu càng có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng sẽ càng có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Sức ép cạnh tranh, kể cả từ hàng nhập khẩu sẽ buộc hàng sản xuất trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là đã xuất hiện tình trạng, hệ thống phân phối sau khi về tay nhà đầu tư ngoại đã gia tăng các rào cản đối với hàng Việt Nam, cả về kỹ thuật cũng như chi phí.

Đơn cử, một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng sữa cho biết bị siêu thị ngoại mới đây chuyển lịch hẹn giao hàng sữa chua vào lúc 12h - thời điểm nắng nóng. Trong khi, sữa chua là mặt hàng cần phải bảo quản trong nhiệt độ mát 6-80C, nên có chuyến hàng đã bị siêu thị từ chối với lý do không đảm bảo chất lượng. Hay một doanh nghiệp thực phẩm tại TP.HCM cho hay, 3 siêu thị ngoại mà công ty có hàng phân phối mới đây yêu cầu tăng chiết khấu thêm 5% lên 25%, cao hơn mức chiết khấu của các siêu thị trong nước 12-15%. Trong bối cảnh sức mua vẫn chưa nhiều cải thiện như hiện vay, những sức ép đó có biểu hiện cạnh tranh thiếu sòng phẳng và khác nào “chặn cửa” đầu ra của nhà sản xuất trong nước. Như vậy, hàng Việt vốn đã yếu thế nay càng thêm lép vế trong các kênh phân phối hiện đại này, đồng nghĩa thu hẹp thị phần nội địa.

Theo số liệu khảo sát nhanh mới nhất từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tại Big C Hoàng Văn Thụ (TP.HCM), nhóm hàng nước suối ngoại chiếm tới 52%, kẹo 36%, bánh 34%; Tại Metro, ba mặt hàng được khảo sát nhanh thì cả ba mặt hàng này đều có tỷ lệ hàng ngoại trên 40% là nước giải khát (48%), bơ sữa (47%) và bánh kẹo (41%). Tại siêu thị Cirle K, nhóm hàng bánh kẹo là nhóm có tỷ lệ hàng ngoại cao nhất (71%) và tỷ lệ “át vía” này chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ai nắm được thị trường bán buôn sẽ chi phối được thị trường bán lẻ; Nắm được khâu phân phối sẽ chi phối được hoạt động sản xuất. Điều đó có nghĩa, nếu “làn sóng” ngoại thâu tóm thị trường bán lẻ chưa dừng lại, đồng thời các nhà sản xuất trong nước không chủ động cải thiện cách thức phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa vốn đã khó khăn sẽ lại càng teo tóp dần và tác động tiêu cực trở lại đến hoạt động sản xuất.

Để tiếp tục mở rộng đầu ra sản phẩm, các doanh nghiệp Việt, cốt lõi vẫn phải tiếp tục cải thiện sản phẩm, cả về mẫu mã, chất lượng, giá cả sao cho tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại. Song, mặt khác, cũng cần phải chủ động liên doanh, liên kết, bắt tay nhau củng cố và giành lại thị phần, khắc phục tình trạng lỏng lẻo trong gắn kết giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng. Cùng với đó, các doanh nghiệp vẫn rất cần vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, hoạch định chiến lược, mạng lưới phân phối, trên cơ sở cân đối không chỉ giữa yếu tố “nội - ngoại” mà còn phải cân đối giữa chính những nhà phân phối “nội” với nhau. Đơn cử như tình trạng một con phố nhỏ như Thái Thịnh tại Hà Nội dài 700 m mà “cắm” đến ba siêu thị và dẫn tới “cái chết oan uổng” của một thương hiệu phân phối trong nước. 

>>> Xem thêm clip: Cụ ông U70 tả xung hữu đột đánh nhóm cướp trong siêu thị

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.