Thị trường

Thị trường BĐS cuối năm, vốn ngoại có tạo sóng?

02/07/2018, 06:22

Dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường bất động sản (BĐS). Liệu các dự án triệu USD tại Hà Nội và TP.HCM...

15

Dự án Ciputra Hà Nội Mall được Lotte mua lại với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD

Vốn ngoại ùn ùn đổ vào BĐS

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, 6 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hơn 20 tỷ USD. Trong đó, dòng vốn ngoại đổ vào BĐS chiếm 27,3% tổng vốn đăng ký và đều đứng trong danh sách dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài. Nổi bật nhất là dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập (M&A) trên thị trường BĐS Việt Nam sôi động bởi phần lớn các nhà đầu tư châu Á. Cụ thể, Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, nằm trong khu đô thị Ciputra đã được Lotte mua lại sau khi chủ đầu tư cũ “đắp chiếu” nhiều năm liền. Các hạng mục chính gồm văn phòng cho thuê, khách sạn và trung tâm thương mại dự định được khởi công vào quý cuối năm 2018 và đưa vào sử dụng trong năm 2021.

"Đối với những nhà đầu tư có tiềm lực muốn lướt sóng, tôi nghĩ đầu tư đất nền rất tốt, vì trong dài hạn thì sản phẩm này sẽ có cơ hội tăng giá tốt hơn so với khu vực trung tâm. Có điều chúng ta phải kiên nhẫn đợi chờ và nghiên cứu sự phát triển của khu vực đó trong tương lai”.

Ông Phạm Thành Hưng
Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGROUP

Hay trong tháng 3, CapitaLand (Singapore) đã mua lại khoảng 0,9ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng Saigon Sports City trên diện tích 64ha. Sau khi mua lại, Keppel Land sẽ nắm giữ 100% cổ phần tại Saigon Sports City và được quyền sở hữu toàn bộ dự án. Tổng chi phí phát triển dự án này dự kiến hơn 500 triệu USD. Giai đoạn đầu của Saigon Sports City sẽ có khoảng 90.000 m2 diện tích sàn thương mại và khoảng 1.220 căn nhà, trong đó 620 căn hộ được dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm nay.

“Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu ở khắp các phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam”, ông Khương nhận định.

Về phía các DN trong nước, 6 tháng đầu năm nay, có hơn 64.500 DN đăng ký thành lập mới; Trong đó, có hơn 2.600 DN BĐS, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2017. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết: Tính tới thời điểm này đã có 16 DN BĐS trong nước lên sàn chứng khoán. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp BĐS lên sàn như: Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát... “Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các DN BĐS”, ông Châu nói.

BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng thừa cung, thiếu cầu

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: Ngoại trừ sản phẩm đất nền, dự báo thị trường những tháng cuối năm 2018 sẽ không có biến động lớn. Lưu ý, thị trường du lịch nghỉ dưỡng nguồn cung rất lớn, tuy nhiên giao dịch có xu hướng chững lại.

Đi vào cụ thể từng loại sản phẩm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam thông tin: Tính tới hết tháng 5, nguồn cung chung cư tại Hà Nội và TP.HCM khoảng trên 32 nghìn sản phẩm; lượng tiêu thụ khoảng 28 nghìn sản phẩm, sức hấp thụ đạt khoảng 80%. “Trong đó, phân khúc có giá dưới 25 triệu đồng/m2 tiêu thụ rất mạnh, hàng ra tới đâu bán hết tới đó. Ngược lại, phân khúc cao cấp, tỷ lệ hấp thụ rất thấp chỉ đạt khoảng 20%. Đặc biệt, những căn hộ có giá 60 triệu đồng/m2, giao dịch gần như đứng yên”.

Về thị trường đất nền, ông Đính cho biết, hiện đang khan hiếm các dự án đất nền ở Hà Nội và TP HCM. “Tuy nhiên, mỗi dự án bán ra cũng chỉ khoảng từ vài chục tới 300 sản phẩm là nhiều. Trong khi thị trường nội thành đã bão hòa về giá, có lẽ việc đầu tư vào đất nền vùng ven sẽ có khả năng sinh lời”, ông Đính cho biết.

Thừa nhận đang có dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ trung tâm các thành phố lớn sang vùng ngoại thành, ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGROUP nhận định: “Thị trường BĐS có một chu kỳ, nóng lên ở vùng lõi trung tâm, sau đó tạo động lực cho thị trường lân cận phát triển. Đặc biệt các sản phẩm đất nền vùng ven đang rất hút khách”.

Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, thị trường ven đô chưa phát triển nên khó có thể sử dụng ngay, vì vậy phải chờ đợi thêm thời gian nữa, trong thời gian đó sản phẩm này có thể giảm giá cũng có thể tăng giá. “Nhà đầu tư phải nắm bắt được quy luật: Thị trường vùng ven phát triển theo vết dầu loang, phải chờ hạ tầng. Khi nào hạ tầng phát triển thì mới có khả năng phát triển, khả năng khai thác, thì mới đảm bảo thanh khoản. Do vậy, khi lên thì lên rất nhanh, nhưng khi đã rớt thì rất lớn. Các nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất nền phải biết được quy luật này để chuẩn bị tâm lý bị trở thành người cuối cùng trong cuộc đua”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.