Thị trường

Trồng rừng, làm năng lượng tái tạo có thể bán tín chỉ carbon giá cao?

20/04/2023, 19:33

Hiểu thế nào về thị trường carbon, thách thức và cơ hội tại Việt Nam ra sao là nội dung cuộc tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức hôm nay 20/4.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, nhiều nhà đầu tư đã điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, gia tăng các khoản đầu tư giảm phát thải. Từ đó cũng thúc đẩy thị trường carbon tăng trưởng mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, giá tín chỉ phát thải carbon tại EU-ETS ở mức hơn 80 Euro/tấn, cao gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, thị trường carbon còn khá mới mẻ cả về thông tin, kiến thức, hành lang pháp lý và các bên đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia, giao dịch.

Do đó, hôm nay 20/4, Báo Giao thông phối hợp với Công ty Cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam - GREEN IN đã tổ chức tọa đàm “Thị trường Carbon, cơ hội nào cho Việt Nam?” nhằm cung cấp những thông tin tổng quan về thị trường này; lộ trình phát triển thị trường trong nước; điều kiện cần và đủ để tham gia thị trường; lợi ích người dân, doanh nghiệp nhận được khi thị trường phát triển; đề xuất, khuyến nghị chính sách, giải pháp và hành động nhằm phát triển thị trường...

img

Các khách mời tham gia tọa đàm

Các loại hàng hóa giao dịch trên thị trường carbon là gì?

Nhà báo Xuân Thu: Để mở đầu tọa đàm, xin được dành câu hỏi cho ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT): Thưa ông, chúng ta có thể hình dung như thế nào về thị trường carbon và hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon?

Ông Nguyễn Thành Công: Cảm ơn Báo Giao thông đã tổ chức tọa đàm với chủ đề rất nóng, đang là mối quan tâm rất lớn của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ngưỡng 80-100 Euro/tấn. Nhìn sang thị trường khác như Hoa Kỳ cũng khoảng 40 USD/tấn. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã mở cửa thị trường của riêng mình.

Để kinh doanh trên thị trường carbon thì chúng ta phải hiểu có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch.

Đầu tiên là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Có thể hiểu Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch đó cho doanh nghiệp (DN), DN sẽ có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các DN khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao.

img

Ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT

Loại thứ 2 là tín chỉ carbon. Cơ bản giống hạn ngạch (cùng đơn vị là tấn/Co2), tuy nhiên, tín chỉ mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Tức là, khi DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, ví dụ như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được một tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ rất rẻ, ngưỡng 1 USD/tấn, cũng có thể rất cao, ngưỡng 15 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.

Hiện nay, trên thế giới, cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Thị trường carbon chúng ta thường nói có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang triển khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD một năm.

Tín chỉ carbon sẽ ngày càng khan hiếm và được săn lùng

Nhà báo Xuân Thu: Thưa chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của loại tín chỉ này trên thị trường hiện nay và trong tương lai? Các quốc gia, vùng lãnh thổ nào đã và đang dẫn đầu xu hướng khai thác tín chỉ carbon hiện nay?

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều.

EU có nhiều rừng trồng nhưng rừng của họ chỉ có 8 tháng, số tháng còn lại đều lá vàng, hoặc không có lá. Đặc biệt các cây của họ khả năng hấp thụ carbon kém hơn vùng nhiệt đới. Trong khi, vùng Nam Á thì sa mạc nghèo nàn, châu Phi thì rừng thưa.

Thế giới có 2 khu vực lớn là Đông Nam Á và Mỹ la tinh là nhiều rừng. Nhưng rừng Amazon, tốc độ tàn phá rất nhanh. Ngay cả ở Việt Nam, vùng Tây Nguyên rừng nguyên sinh cũng còn lại ít, còn lại là rừng trồng.

Tôi nghĩ rằng, đây là thị trường càng ngày càng phát triển nhưng mức độ khan hiếm ngày càng cao.

img

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa

Việt Nam 3/4 diện tích là rừng. Lâu nay chúng ta chặt phá rừng trồng sẵn, cà phê và nhiều loại cây khác, như keo, tràm… cho bình quân thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm. Nhưng nếu làm phát thải carbon có thể cho sản lượng 150 tấn carbon/ha. Nếu lấy giá bình quân 40USD/tấn thì chúng ta có thể thu về 6.000USD/ha/năm.

Một số khu vực sinh quyển tốt, như Hương Sơn (Hà Tĩnh), có những vùng rừng đạt 160 tấn carbon/năm. Đặc biệt là rừng cây bản địa, không trồng cây ngoại lai, có thêm những yếu tố khác như tạo việc làm, sinh kế cho người dân có thể được mua với giá cao hơn.

Luật hóa dịch vụ hấp thụ carbon

Nhà báo Xuân Thu: Thưa ông Phạm Hồng Lượng, Chánh văn phòng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, ngành lâm nghiệp của chúng ta đang nắm giữ một lượng tín chỉ carbon khổng lồ. Xin ông cho biết, đến nay Việt Nam đã có chương trình hợp tác nào với các tổ chức quản lý tài nguyên rừng trên thế giới nhằm xây dựng, phát triển thị trường carbon?

Ông Phạm Hồng Lượng: Đúng là Việt Nam chúng ta có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới. Hiện nay tỷ lệ này khoảng 42,02%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%.

Với tiềm năng to lớn đó, trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ ngành, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức như GIZ đã tham mưu trình Chính phủ Luật Lâm nghiệp. Đây là luật đầu tiên đưa nội dung về dịch vụ hấp thụ carbon vào trong khuôn khổ pháp lý cao nhất.

Cùng đó, chúng ta đã ban hành một số quy định khác như Nghị định 156, trong đó quy định rất chi tiết về dịch vụ hấp thụ carbon, để làm sao thúc đẩy thị trường giao dịch, trao đổi mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải.

img

Ông Phạm Hồng Lượng, Chánh văn phòng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT

Doanh nghiệp cam kết giảm phát thải sẽ cần mua tín chỉ carbon

Nhà báo Xuân Thu: Vinacapital lâu nay đã đồng hành cùng nhiều DN trong mục tiêu phát triển xanh. Xin được hỏi ông Vũ Chí Công, Giám đốc, trưởng bộ phận ESG của Vinacapital về tiềm năng của thị trường carbon và các hình thức mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon trên thế giới hiện nay, cũng như cơ sở pháp lý để kinh doanh và cam kết của các nước công nhận lẫn nhau về loại tín chỉ này trên thế giới ra sao?

Ông Vũ Chí Công: Như anh Thành Công vừa chia sẻ, thị trường carbon hiện nay chia làm hai loại: Một là, thị trường bắt buộc trao đổi các hạn ngạch tín chỉ giảm phát thải, hai là thị trường tự nguyện.

Doanh nghiệp tiên phong cam kết phát thải ròng bằng 0 hoặc giảm thiểu carbon thì họ sẵn sàng mua tín chỉ carbon từ những lĩnh vực như trồng rừng hoặc năng lượng tái tạo, hoặc recyling and plastic - thu hồi lại những vật liệu, túi ni-lông…Những tín chỉ đó có thể bán ra thị trường quốc tế.

Còn một câu hỏi của chị rất thú vị, là đến giai đoạn nào, hai thị trường sẽ đồng nhất lại với nhau? Hiện tại thì chưa! Nhưng đến giai đoạn nào đó, hai thị trường này sẽ phải đồng nhất với nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung, nỗ lực chung giảm phát thải toàn cầu.

Thị trường ở các nước hiện nay khá độc lập, chỉ có những bên đồng ý với nhau mới có thể trao đổi và giao dịch tín chỉ carbon với nhau.

Nhưng tôi cho rằng, những ký kết giữa hai bên hoặc nhiều bên dần dần sẽ phải phát triển, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện cũng sẽ dần tích hợp với nhau và thị trường của các nước cũng vậy, mở ra tiềm năng rất lớn cho những dự án hoặc các dòng đầu tư về tín chỉ carbon trong thời gian tới.

img

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc, trưởng bộ phận ESG của Vinacapital

Việt Nam đã có 2 dự án bán tín chỉ ra nước ngoài

Nhà báo Xuân Thu: Thưa ông Vũ Chí Công, ông có thể chia sẻ thêm về doanh thu và lợi nhuận của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu hiện nay và kỳ vọng trong tương lai?

Ông Vũ Chí Công: Việt Nam đang trong quá trình hình thành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.

Các dự án về tín chỉ carbon hiện nay đa phần để bán trên thị trường tự nguyện.

Quy mô của thị trường tự nguyện trên toàn cầu hiện khoảng 2 tỷ USD (thống kê năm 2021) và giá trong những năm gần đây tăng rất cao, đặc biệt là năm 2021.

Tại Việt Nam hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở Bắc Trung bộ giá khoảng 6 USD và dự án ở Quảng Nam là 10 USD/tín chỉ. Tuy nhiên, mức giá của dự án còn phụ thuộc vào các lợi ích khác cho cộng đồng như là cho người bản địa, cho người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật… sẽ bán được giá cao hơn khi những DN tự nguyện mua cũng mong muốn mang lại lợi ích cho xã hội.

Cần thúc đẩy tư nhân đầu tư, bán tín chỉ carbon

Nhà báo Xuân Thu: Để nối tiếp phần thông tin đã được ông Vũ Chí Công chia sẻ về việc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, xin được hỏi đại diện Bộ TN&MT: Việt Nam đã trao đổi chứng chỉ carbon với những nước nào trên thế giới?

Ông Nguyễn Thành Công: Liên quan đến việc trao đổi chứng chỉ carbon ra quốc tế, Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay đã tham gia 2 cơ chế quốc tế phổ biến nhất.

Thứ nhất là Nghị định Kyoto, với cơ chế phát triển sạch (CDM-Clean Development Mechanism). Chúng ta đầu tư vào dự án, sau đó bán tín chỉ cho quốc tế. Tuy nhiên, nghị định này có hiệu lực đến năm 2020 nên hiện nay đã tạm dừng hoạt động và đang đợi hướng dẫn mới để triển khai cơ chế dưới điều 6 của thỏa thuận Paris.

Hiện nay chúng ta đang triển khai biên bản hợp tác với Nhật, tín chỉ chung theo cơ chế JCM từ 2023. Cơ chế giống như cơ chế phát triển sạch. Các DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, sau đó được bên thứ 3 kiểm định, thẩm định rồi gửi hồ sơ để được ban hành tín chỉ.

Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ ngành cũng đang làm việc tích cực với các quốc gia khác quan tâm mua tín chỉ như Hàn Quốc, Singapore…hoặc các đối tác tư nhân muốn đầu tư vào tín chỉ để thực hiện cam kết giảm phát thải tại quốc gia của mình.

Tuy nhiên, bài toán quan trọng là cân bằng lợi ích cho DN về hiệu quả kinh tế, nhưng việc bán tín chỉ cũng phải đảm bảo được cam kết của chúng ta như phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

Tức là, thị trường carbon vẫn phải thúc đẩy tư nhân đầu tư, nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các lợi ích khác của quốc gia và các bên tham gia.

img

Sẽ phân bổ hạn ngạch để giảm phát thải nhà kính

Nhà báo Xuân Thu: Ở phần trước, chúng ta đã cùng nhau phân tích, thảo luận về tiềm năng và sức hút của thị trường carbon toàn cầu. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam tham gia vào thị trường này? Thưa ông Nguyễn Thành Công, ông nhận định như thế nào về sản lượng thị trường carbon của Việt Nam? Lộ trình phát triển thị trường này trong nước đang được triển khai ra sao?

Ông Nguyễn Thành Công: Với lộ trình cũng như cơ hội, thì về cơ sở pháp lý, lần đầu tiên chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 139) quy định về thị trường carbon, gồm 2 phần là bắt buộc cho các cơ sở sản xuất và tín chỉ carbon thông qua tự nguyện nhiều hơn.

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 06 (2022) về giảm phát thải, bảo vệ ozon. Nghị định đã quy định rất chi tiết. Có 2 mốc thời gian rất quan trọng, đó là năm 2025 và năm 2028.

Từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành. Tuy nhiên, từ nay đến đó không có nghĩa là chúng ta không giao dịch.

Thị trường này được nhiều bên quan tâm, không chỉ cấp Chính phủ mà cả tư nhân nữa. Nhiều DN cam kết giảm phát thải riêng của mình, họ tự tìm đến các đơn vị để mua tín chỉ đó. Và Nhà nước rất ủng hộ.

Nhưng thị trường sau này hướng đến bắt buộc thì phải đợi sự phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 01 về danh mục các cơ sở, lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, là các DN có mức phát thải trên 3.000 tấn CO2/năm.

Các lĩnh vực tập trung hướng đến là năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng… Những DN này trong tương lai sẽ được phân bổ hạn ngạch để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Chuyên gia tự tin sẽ bán được giá cao

Nhà báo Xuân Thu: Thưa chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, với lộ trình được Bộ TN&MT vừa chia sẻ, là một nhà đầu tư dự án carbon, ông đã sẵn sàng tham gia vào thị trường này chưa? Theo ông, vấn đề lo ngại nhất khi đầu tư vào thị trường carbon là gì? Và ông mong muốn gì về cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh tín chỉ carbon?

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Hoạt động đầu tư vào tín chỉ carbon của chúng tôi chỉ tình cờ.

Chúng tôi có viện chuyên nghiên cứu về văn hoá và xã hội, vùng dân tộc thiểu số. Cách đây gần 20 năm, chúng tôi xin một khu rừng ở Hà Tĩnh làm thí điểm, mục tiêu biến khu rừng nghèo sinh quyển thành khu rừng giàu sinh quyển và đa dạng về sinh học.

Slogan của chúng tôi là "phụng dưỡng thiên nhiên". Sau đó, dự án thu hút được một số nhà nghiên cứu sinh quyển thế giới. Họ dự báo khu rừng sẽ có những sinh vật quý hiếm và một hệ sinh quyển tốt. Các chuyên gia quốc tế đo thử, cho kết quả 196 tấn/ha carbon/năm.

Chúng tôi đang chờ đợi thị trường thí điểm vào năm 2025. Hiện chúng tôi đã thỏa thuận tự nguyện với các tổ chức quốc tế rồi. Chúng tôi chưa đưa ra được mức giá, nhưng tôi tự tin sẽ bán được giá cao, do tính sinh thái của khu rừng.

Rừng là nguồn cấp tín chỉ carbon khổng lồ

Nhà báo Xuân Thu: Chúng ta đã luôn tự hào là một đất nước có rừng vàng biển bạc, mà như trên chúng ta đã thấy, rừng là một nguồn cấp tín chỉ carbon khổng lồ. Để cùng nhau hình dung cụ thể về cái sự khổng lồ ấy, xin mời đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, ông Phạm Hồng Lượng, đánh giá về rừng Việt Nam (quy mô, diện tích, phân bổ, thực trạng trồng, khai thác cũng như nguy cơ bị xâm hại của rừng hiện nay)?

Ông Phạm Hồng Lượng: Đối với ngành lâm nghiệp thì rất tự hào là quốc gia có diện tích rừng rất lớn, khoảng 14,7 triệu ha, trong đó tự nhiên hơn 10 triệu ha, trồng 4,5 triệu ha.

Chỉ riêng việc bảo vệ, gìn giữ diện tích đó đã đem lại giá trị to lớn, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp, hình thành trong tương lai tín chỉ carbon từ rừng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ ban hành chiến lược phát triển lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, gia tăng năng suất chất lượng rừng trồng để làm sao gia tăng cung cấp lâm sản, gián tiếp gia tăng mua bán tín chỉ carbon...

Ngành nông nghiệp cũng có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện môi trường rừng, đã ký kết với các đơn vị thực hiện thỏa thuận, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Đến nay đã cơ bản hoàn thành, hiệu lực chi trả, và tính tới chuyện chi trả lợi ích cộng đồng.

Riêng trong lĩnh vực hấp thụ carbon thì tổng lượng carbon của ngành lâm nghiệp khoảng 612 triệu tấn. Đây là con số rất lớn, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy.

Bán được nhưng chi phí đo đạc tín chỉ carbon cũng rất cao

Nhà báo Xuân Thu: Thưa ông Nguyễn Thành Công, trong tương lai, ngoài việc trồng rừng thì còn cách nào khác để hình thành tín chỉ carbon hay không?

Ông Nguyễn Thành Công: Chúng ta nhìn danh mục dự án giai đoạn trước, phần lớn các dự án tạo tín chỉ chủ yếu là năng lượng tái tạo, đặc biệt là xây dựng các dự án thủy điện nhỏ.

Nhưng trong tương lai, định hướng tập trung thiên nhiều hơn về các nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối. Thứ 2 là tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, DN đầu tư vào điều hoà, như điều hoà inverter, nếu đầu tư đủ lớn có thể mời các đơn vị thẩm định vào đo đạc và xác định tín chỉ.

Các quốc gia họ xác định thay vì 1 dự án nhỏ lẻ, thì có thể đầu tư vào cả hệ thống, hay 1 thành phố. Như ở Thái Lan là dự án xe điện cho cả một thành phố, một khu vực…

Hay Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách đổi mới sáng tạo, cũng được nhiều bên quan tâm, đề nghị có thể đo đạc hiệu quả chính sách đó, để hình thành tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh, quan trọng vẫn là cân bằng chi phí vì hiện nay chi phí tư vấn, đo đạc tín chỉ carbon khá cao.

Việt Nam có nhiều rừng, năng lượng tái tạo nhưng phát thải cao hơn nhiều nước

Nhà báo Xuân Thu: Thưa ông Vũ Chí Công, theo thống kê của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu UNFCCC, thị trường Việt Nam có khoảng gần 40 triệu tín chỉ carbon. Với thông tin tiếp cận về thị trường còn hạn chế, nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, khả năng chuyển đổi xanh còn chậm, ông đánh giá thị trường Việt Nam là thách thức hay cơ hội?

Ông Vũ Chí Công: Thị trường tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng lớn. Việt Nam có rừng vàng biển bạc, nhưng chúng ta cần phải có sứ mệnh bảo vệ, chứ không phải chỉ ngồi và khai thác nó. Câu chuyện tín chỉ carbon cũng có ý nghĩa như vậy.

Trên thực tế, số tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... đều tạo ra tín chỉ carbon.

Phát thải tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới. Để giảm phát thải, nhu cầu hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.

Song, vấn đề là cơ chế ra sao, cơ chế đảm bảo hài hòa loại ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chia nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào.

Tôi hy vọng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT sớm có kế hoạch định hướng, thể chế chính sách rõ ràng hơn để theo kịp quốc tế.

Hơn 1.900 doanh nghiệp phải kiểm tra khí nhà kính, năm 2025 phải có số liệu

Nhà báo Xuân Thu: Thưa đại diện Bộ TN&MT, các lĩnh vực, ngành nghề nào đang có phát thải lớn nhất tại Việt Nam? Lộ trình kiểm kê phát thải các ngành này ra sao? Với các ngành nghề này, đâu là cơ hội?

Ông Nguyễn Thành Công: Trước hết, qua việc kiểm kê khí nhà kính của Bộ TN&MT, phát thải nước ta khoảng 300 triệu tấn, tương ứng mỗi người phát thải 3 tấn/năm.

Lĩnh vực phát thải nhiều nhất chính là lĩnh vực năng lượng, do chúng ta đang là quốc gia đang phát triển nên sử dụng năng lượng lớn và tiếp tục tăng trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, lĩnh vực giảm phát thải và hấp thụ nhiều nhất là rừng.

Liên quan đến lộ trình kiểm kê, theo quy định của Nghị định 06 đang chia ra 3 cấp kiểm kê phát thải khí nhà kính. Cấp đầu tiên là cấp quốc gia, Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì.

Cấp thứ hai là cấp ngành. Các ngành bao gồm ngành năng lượng, giao thông, xây dựng.

Thứ 3 là kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, là các nhà máy, cơ sở phát thải.

Hiện, Chính phủ quy định đâu đó hơn 1.900 DN phải kiểm kê khí nhà kính. Lộ trình, đến 2025 DN phải gửi số liệu hoạt động đến các đơn vị chủ quản, để các bộ chủ quản tính toán kiểm kê.

Sau năm 2025 thì họ phải tự kiểm kê phát thải khí nhà kính của mình. Tại sao họ phải tự kiểm kê? Có các lý do sau. Lý do thứ nhất là họ phải biết số liệu phát thải là bao nhiêu để xây dựng các kế hoạch thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Từ số liệu đó, Bộ TN&MT mới phân bổ hạn ngạch phát thải.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã đưa ra các rào cản thương mại liên quan đến khí hậu. Thị trường châu Âu, Mỹ, họ đặt thuế carbon lên hàng hóa xuất khẩu, do vậy DN phải có giải pháp để biết được phát thải bao nhiêu nhằm điều chỉnh.

Trong tương lai, khi Chính phủ Việt Nam áp dụng phát thải carbon thì cũng xem là giải pháp giảm phát thải thông qua tín chỉ cacrbon. Lúc đó, khi đưa hàng vào châu Âu, Mỹ sẽ không bị áp thuế.

Giải pháp khi đối mặt đánh thuế carbon

Nhà báo Xuân Thu: Ông Nguyễn Thành Công vừa đề cập đến thuế carbon. Như vậy, trường hợp DN tự thống kê, chứng minh được rằng tôi đạt mức phát thải theo quy định hay Việt Nam thực hiện được cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050, thì sản phẩm xuất khẩu của chúng ta có còn bị áp thuế carbon không?

Ông Nguyễn Thành Công: Liên minh châu Âu là khu vực đầu tiên thực hiện thuế carbon, hiện dự kiến triển khai trên 5 sản phẩm như thép, xi măng, phân bón..., trong đó liên quan trực tiếp thì Việt Nam có thép, xi măng và nhôm.

Cơ chế về nguyên tắc thuế carbon là: Nếu DN gửi kiểm kê về số liệu phát thải cho bên nhập khẩu, thì bên nhập khẩu phải tính toán độ chênh lệch cường độ phát thải sản phẩm đấy.

Nếu cường độ phát thải cao hơn mặt bằng châu Âu, thì đơn vị nhập khẩu châu Âu phải mua hạn ngạch - tức là đóng phí chênh lệch đấy.

Hiện giải pháp cụ thể chưa rõ ràng nhưng có thể có 2 giải pháp: Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với châu Âu việc có áp mức thuế đó ngay hay không. Thứ 2 là nếu DN chứng minh được việc chúng tôi đã có động thái thực hiện đóng góp giảm phát thải rồi thì có thể không phải chịu mức thuế đó.

Thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025

Nhà báo Xuân Thu: Chúng ta đặt mục tiêu thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Vậy, để sàn này vận hành, xin ông Nguyễn Thành Công cho biết những chính sách cần có là gì?

Ông Nguyễn Thành Công: Để thí điểm ở một thị trường mới như Việt Nam thì cần chuẩn bị rất nhiều chính sách kỹ thuật, ban hành chính sách để DN hiểu được việc thực hiện kiểm kê ra sao, báo cáo thế nào, thẩm định giảm nhẹ phát thải ra sao…Nhưng việc đầu tiên vẫn là ban hành các quy định thẩm định kỹ thuật.

Tiếp đến là cơ chế tài chính và tính toán, xem xét sàn đặt ở đâu, có thể tích hợp vào sàn chứng khoán hay không, hay xây dựng sàn mới?

Tôi nghĩ điều quan trọng tiếp theo là nâng cao nhận thức. Không chỉ nhận thức của nhà quản lý mà của cả DN. Tôi thấy rất là may mắn khi DN rất quan tâm đến thị trường này.

Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải làm rõ cho DN thấy những rủi ro của thị trường. Ngoài hành lang pháp lý, thì còn phụ thuộc vào lộ trình hợp tác quốc tế.

Nhà báo Xuân Thu: Dưới góc độ một nhà đầu tư, theo ông Vũ Chí Công, chúng ta cần có những điều kiện gì cho sàn giao dịch carbon (vốn, hạ tầng, giao thông, logistics, nhân lực...)?

Ông Vũ Chí Công: Mong muốn đầu tiên như tôi đã đề cập, đó là những quy định ràng buộc thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam theo tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Chúng ta đang theo lộ trình đó, các cơ quan cũng đang phối hợp, trao đổi với nhau, và học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác để xây dựng thị trường Carbon của mình, đó là một tín hiệu rất đáng mừng.

Khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay rất thiếu và yếu, nhất là nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực kiểm kê giảm phát thải.

Hiện tại đa phần các dự án mà có tín chỉ carbon chúng ta đều phải thuê chuyên gia quốc tế với chi phí không hề rẻ. Chính vì vậy, anh Thành Công cũng đã nhấn mạnh, chi phí giữa đầu tư để chi trả tất cả các bên trong quá trình thẩm định, thẩm tra để tạo ra tín chỉ và doanh thu bán tín chỉ có cân bằng được với nhau hay không? Nếu chúng ta có những nguồn lực trong nước thì chi phí đầu tư cho các bên liên quan sẽ rẻ đi rất nhiều.

Nhà báo Xuân Thu: Thực trạng khai thác tín chỉ carbon rừng hiện nay ra sao, thưa ông Phạm Hồng Lượng?

Ông Phạm Hồng Lượng: Trước hết về mặt kỹ thuật, muốn trao đổi về phát thải thì phải xác định tổng lượng tiềm năng giảm phát thải.

Trong thoả thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), dự án phát thải, xác định tổng lượng giảm phát thải khoảng 25 triệu tín chỉ, và đến nay, kết quả có thể trao đổi được, mua bán được khoảng hơn 15 triệu, nhưng chúng ta chỉ chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ. Tuy nhiên, 95% kết quả bán đi được, WB cho phép giữ lại để đóng góp vào chỉ số trong giảm phát thải quốc gia.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, sử dụng đất đóng góp khoảng 14% tổng lượng phát thải, còn lại chủ yếu rơi vào ngành năng lượng khoảng 65% trong hơn 317 triệu tín chỉ carbon. Khía cạnh kỹ thuật là như vậy nhưng kể cả sau khi nhận được tiền rồi thì việc chia sẻ lợi nhuận ra sao để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các nhóm đối tượng như nhóm yếu thế làm sao để họ được hưởng chính sách này.

Bảo tồn, trồng lại, trồng mới rừng là nhiệm vụ lớn

Nhà báo Xuân Thu: Như vậy, phát triển thị trường carbon phải gắn với bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng. Xin ông Phạm Hồng Lượng cho biết về chiến lược, kế hoạch hành động thời gian tới?

Ông Phạm Hồng Lượng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ khá sớm đã tham mưu cho Chính phủ, cùng với năm 2017 ban hành Luật Lâm nghiệp, Quyết định 419 - chương trình quốc gia về phát thải nhà kính, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học…

Trong các luật, chiến lược ngành thì đều nhấn mạnh nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng, đa dạng sinh học. Đây là cơ hội mới. Quan trọng là phải duy trì và nâng cao chất lượng.

Rừng tự nhiên là bể chứa sinh khối rất lớn, trong đó theo nghiên cứu gần đây nhất, rừng tự nhiên có khoảng hơn 250 tấn carbon/ha/năm. Chúng tôi đặt mục tiêu hàng năm đều phải bảo tồn, trồng lại, trồng mới, mỗi năm ít nhất duy trì 100 triệu cây phân tán. Việc này cũng nhằm đảm bảo giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.

Liên kết thị trường carbon Việt Nam với quốc tế

Nhà báo Xuân Thu: Còn kế hoạch xúc tiến thương mại để bán tín chỉ carbon ra thế giới ra sao thưa ông Nguyễn Thành Công?

Ông Nguyễn Thành Công: Liên quan đến việc hợp tác với các quốc gia khác (song phương, đa phương), không hạn chế bên mua, bên bán.

Hiện cũng đã có một số bên tìm đến Chính phủ, DN Việt Nam để đặt vấn đề mua bán, nhưng quan trọng là phải hài hòa lợi ích, như WB họ để lại 95% lượng bán tín chỉ trong cam kết giảm phát thải.

Sau này, khi chúng ta có hạn ngạch, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT quy định chi tiết hơn về chia sẻ lợi ích tín chỉ carbon. Dự kiến năm nay sẽ ban hành. Và đến năm 2030 sẽ liên kết thị trường carbon với quốc tế. Nghĩa là hạn ngạch, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể giao dịch với quốc tế thông qua việc liên kết để tăng tính cạnh tranh và sức khoẻ trên thị trường.

Có thể mua bán tự do tín chỉ carbon không?

Nhà báo Xuân Thu: Các nhà đầu tư Việt Nam có tín chỉ và họ tìm được đối tác nước ngoài thì có thể mua bán tự do không, thưa ông Nguyễn Thành Công?

Ông Nguyễn Thành Công: Hiện nay, Nghị định 06 quy định, DN muốn mua bán tín chỉ thì phải báo cáo lên Bộ TN&MT. Họ cũng cần xác định cơ chế mà họ theo đuổi.

Bộ TN&MT thay mặt Chính phủ đảm bảo việc đầu tiên là chúng ta có đủ tín chỉ carbon để thực hiện mục tiêu phát thải của quốc gia. Tuy nhiên, việc mua bán hiện nay cũng chưa có quyết định cụ thể, dự kiến cuối năm nay sẽ có những quy định này.

Nhà báo Xuân Thu: Tôi mong muốn có thêm thông tin để hình dung về sàn giao dịch tín chỉ Carbon. Chẳng hạn, giá có dao động như chứng khoán không? Lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 năm 2050 của Việt Nam sẽ tác động ra sao đến biến động giá?

Ông Nguyễn Thành Công: Bộ TN&MT đang tìm hiểu để tìm ra mô hình sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sao cho phù hợp nhất.

Khối lượng giao dịch sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người mua, điều này lại phụ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Như EU đưa ra mục tiêu giảm phát thải rất mạnh mẽ khiến giá tăng rất nhanh từ 20-30 Euro/tấn lên khoảng 100 Euro/tấn. Song tại Hàn Quốc, giá rất ổn định vì DN họ không muốn bán mà giữ lại tín chỉ để dùng. Đây là câu chuyện Bộ TN&MT sẽ phải làm cho thị trường Việt Nam.

Bộ TN&MT sẵn sàng tham vấn các bên liên quan để đưa ra những định hướng phù hợp, linh động… nhằm thúc đẩy thị trường nhưng đảm bảo “không quá nóng, không quá nguội”.

Nhà báo Xuân Thu: Xin được trân trọng cảm ơn các khách mời đã dành thời gian đến với buổi tọa đàm của Báo Giao thông hôm nay. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã được lắng nghe nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ các khách mời. Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn tất cả những đóng góp tâm huyết và giá trị đó, góp phần cùng nhau xây dựng, phát triển mạnh mẽ thị trường carbon tại Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.