Thị trường

Thị trường du lịch Tết có gì hấp dẫn?

20/01/2022, 06:22

Sau thời gian dài “đóng băng”, ngành du lịch đã dần khởi sắc. Dịp cận Tết Nhâm Dần 2022, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu khả quan.

Nhiều điểm đến đã kín phòng

Đánh giá xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên đang được nhiều người yêu thích, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, một công ty lữ hành có tiếng chia sẻ, hiện nay lượng tour đã được đặt tới 90%. Xu hướng du lịch cũng thay đổi rõ rệt.

Theo ông Hà, những khu du lịch sinh thái nằm sâu trong núi, hay ở những vùng “biển xanh, cắt trắng, nắng vàng”, nơi hạn chế tập trung đông người đều ghi nhận lượng khách du lịch đặt phòng gần như kín từ ngày 31/1 cho tới khoảng một tuần sau đó.

img

Xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên đang được nhiều người yêu thích (Trong ảnh: Du khách tham gia dịch vụ bay dù lượn tại Đồi Bù - xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

“Khách thường chọn những nơi có lợi thế không gian rộng rãi, hoàn toàn tách biệt với khu đông dân. Đặc biệt, từ cuối tháng 12 đến nay, nhu cầu đi du lịch gần gũi thiên nhiên tăng lên khi các công ty, đơn vị lên kế hoạch cho các buổi tiệc cuối năm và dịp nghỉ Tết Nguyên đán cũng ghi nhận rõ xu hướng đi du lịch nhóm, du lịch gia đình...”, ông Hà nói và cho biết, nhu cầu du lịch của người Việt Nam dịp này rất cao, nhiều người chọn đặt những khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Tương tự, quản lý homestay Moonlight, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, tất cả các khu nhà của Moonlight đều đã được khách đặt thuê từ cách đây cả tháng.

Do tâm lý sợ dịch diễn biến phức tạp, không thể đi xa nên nhiều người đã chủ động đặt phòng.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch hiện nay ưa chuộng việc linh hoạt đặt/trả phòng. Nếu như những năm trước, nhiều người thường lo ngại tình trạng cháy phòng vào mỗi dịp Tết thì nay họ thận trọng hơn.

“Nâng lên đặt xuống” không dưới 2 lần mới dám quyết định đặt tour 3 ngày 2 đêm tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, anh Tuấn Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhà có bố mẹ già ở quê, dù rất muốn về quê ăn Tết sum vầy cùng gia đình nhưng lo lắng về phải cách ly.

Chưa kể, nếu lỡ mang bệnh về cho bố mẹ, làng xóm thì “áy náy” nên đã quyết định đưa cả nhà 4 người đi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh cho biết, từ giờ đến ngày sát Tết, nếu không có nguy cơ cao thì anh sẽ trả tour về quê.

Thiết kế sản phẩm an toàn, giá không tăng

Nói về những thuận lợi thu hút khách hàng dịp này, ông Phạm Hà cho biết, sau khi thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, các công ty du lịch đã chọn mục tiêu chính là xây dựng những sản phẩm du lịch an toàn, tạo ra những sản phẩm mới lạ với tâm thế “xua tan nỗi lo Covid-19”.

Do đó, sản phẩm du lịch hướng đến phù hợp với mọi lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao…

Năm 2019, doanh thu ngành du lịch đạt được 755.000 tỷ đồng, đóng góp 9,2% GDP. Năm 2020, có khoảng 3,7 triệu khách quốc tế, 56 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu đạt 320.000 tỷ đồng. Năm 2021, có khoảng 3.500 khách quốc tế, 40 triệu khách nội địa, tổng doanh thu đạt 180.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, mục tiêu của ngành du lịch là phục vụ 60 triệu lượt khách nội dịa, 5 triệu khách quốc tế và phấn đấu doanh thu đạt mốc 400.000 tỷ đồng.


Đơn cử, trong thời gian qua, dịch vụ bay dù lượn tại Đồi Bù (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã thu hút được người dân Hà Nội và giới trẻ náo nức tham gia.

Lợi thế của mô hình này là cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 40km, quãng đường và thời gian di chuyển rất thích hợp đi về trong ngày.

Dẫn chứng du thuyền 5 sao ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) của công ty gần như đã kín phòng những ngày Tết, nhưng mức giá vẫn chỉ 3,25 triệu đồng/người cho 2 ngày 1 đêm bao gồm cả ăn uống, ông Hà nhấn mạnh, điểm lợi thế thu hút khách là mức giá của năm nay gần như không thay đổi so với mọi năm, dù mọi chi phí đều đang rất đắt đỏ.

CEO Lux Group cũng thông tin, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài gần như không có. Chỉ có khách quốc tế mong muốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn phải cách ly 3 ngày và giá máy bay cao nên họ cũng đặt lùi lại cho thời gian sau.

Cụ thể, khách từ châu Âu bay đến Singapore đã mất 1.500 - 1.800 USD/chuyến, so với mức trước đây là 1.200 USD/chuyến.

Đó cũng là nhận định của ông Nguyễn Văn Tài, CEO của Công ty VietSense Travel. Theo vị này, rất đông du khách ở khu vực miền Trung và miền Nam đã hỏi và đặt tour cho dịp Tết Nhâm Dần. Dự đoán khoảng 1 - 2 tuần nữa, lượng khách sẽ còn tăng cao vì du khách có xu hướng đặt tour sát ngày.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong đợt Covid-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng sản phẩm, chương trình tour hấp dẫn.

Tiêu biểu như tour Cổ Loa bằng xe đạp, tour Đồng Mô - Ba Vì - Làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp, tour kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, tour xe buýt 2 tầng, tour caravan...

Các đơn vị lữ hành cũng đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, trang trại hay thậm chí tham gia các lớp nấu ăn, tour du lịch chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.

Bà Giang cho biết, nhiều đơn vị lữ hành cũng quyết định mở bán tour đến sát giờ. Một số đơn vị khác chủ động thích ứng, cải tiến ứng dụng công nghệ đặt phòng và ra một số chính sách hoãn/hủy tốt nhất cho khách hàng.

“Các doanh nghiệp hiện đang thay đổi theo chính sách cho phép khách hàng thay đổi đặt phòng 1 lần/ngày với điều kiện không hoàn tiền nếu hủy hoặc được linh hoạt hủy miễn phí ít nhất một ngày trước khi bắt đầu chuyến đi. Thậm chí, nhiều đơn vị du lịch tung ra các chương trình khuyến mãi “giờ chót” cho khách hàng khi đặt tour”, bà Giang nói.

ÔNG Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:
Để phục hồi không phải chuyện ngày một, ngày hai

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL về phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bộ cũng đã triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” để giới thiệu, quảng bá các điểm đến, trải nghiệm đa dạng.

Bên cạnh đó, việc truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh để du khách biết bây giờ có phải cách ly không, điểm đến nào an toàn, visa ra sao…

Một nội dung khác là từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Ở giai đoạn 1 đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh thông qua các chuyến bay thuê chuyến theo các chương trình du lịch trọn gói tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn.

Trong tháng 11 và 12/2021, các địa phương tham gia thí điểm đón khách quốc tế chỉ đón được khoảng 3.500 khách, con số thấp hơn dự tính ban đầu vì một số lý do. Tới đây, sẽ có thêm 2 địa phương thí điểm đón khách quốc tế là TP.HCM và Bình Định.

Theo ông Siêu, hiện xu hướng du lịch đã thay đổi. Khách không đi đông người mà đi những nhóm nhỏ, không đi nhiều điểm mà đi ít điểm hơn nhưng ở lâu hơn, dịch vụ trải nghiệm sâu hơn. Do đó, cách làm du lịch cũng cần thay đổi, phải có những yếu tố mới.

Cũng theo ông Siêu, việc mỗi địa phương có quy định chưa thống nhất dẫn tới trở ngại khi làm du lịch. Cộng thêm tâm lý du khách cũng e dè khiến quá trình phục hồi chậm lại, không được như mong muốn.

“Tuy nhiên, để mở ra vẫn phải an toàn, chắc chắn, nên cẩn trọng là một yêu cầu thực tế. Câu chuyện phục hồi du lịch không phải việc ngày một, ngày hai là có thể được hoàn toàn. Để gây dựng lại cần một quá trình”, ông Siêu nói.

Hoàng Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.