Thế giới giao thông

Thị trường ô tô Ấn Độ lao dốc không phanh

21/08/2019, 06:44

Ngành ô tô Ấn Độ đang lao đao, đứng trước nguy cơ cắt giảm hàng triệu việc làm.

img
Hàng triệu việc làm trong ngành ô tô Ấn Độ đứng trước nguy cơ bị cắt giảm

Chỉ 2 năm trước, thị trường ô tô khổng lồ của Ấn Độ bùng nổ, kéo theo ồ ạt nhà đầu tư trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, ngành ô tô Ấn Độ lại lao đao, đứng trước nguy cơ cắt giảm hàng triệu việc làm.

Từ hoàng kim xuống khủng hoảng

Số liệu mới nhất do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) cung cấp cho thấy, doanh số xe hơi tại Ấn Độ trong tháng 7 vừa qua lao dốc 31%, đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp sụt giảm và là tháng giảm sâu nhất trong hơn 18 năm qua.

“Đây là mức sụt giảm sức mua cực sâu, ảnh hưởng tới tất cả các khía cạnh trong ngành công nghiệp ô tô”, Chủ tịch SIAM, ông Vishnu Mathur nhận định.

Sự biến động này thực sự khiến thế giới ngạc nhiên bởi ngay trước khi lao dốc, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt mặt Đức cùng Nhật Bản trở thành thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới tính đến năm 2020, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ.

Trước đây, Ấn Độ là điểm sáng với các nhà sản xuất ô tô khi doanh số xe hơi thường niên liên tục tăng khoảng 33% trong 5 năm qua. Các hãng ô tô lớn trên thế giới như Hyundai và công ty con Kia đều đầu tư hàng tỉ USD để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại đất nước này.

Một số công ty mới như nhà sản xuất ô tô quốc doanh của Trung Quốc SAIC cũng đang tìm cách chiếm một miếng bánh trên thị trường Ấn Độ.

Song hiện tại, các nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của nước này đang vô cùng chật vật. Dòng xe Maruti Suzuki, chiếm gần một nửa số lượng xe hơi được bán trên thị trường Ấn Độ đã chứng kiến doanh số tháng 7 sụt giảm 36,7%. Doanh số tại Tata Motors (TTM), sở hữu hãng xe hơi lớn nhất của Anh Jaguar Land Rover, cũng giảm 31%.

Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Ấn Độ Mahindra & Mahindra (MAHMF) trải qua mức sụt giảm 17%. Công ty này đã phải tuyên bố “ngày không sản xuất” ở một số nhà máy trong thời gian lên tới 14 ngày, tính riêng trong quý này do doanh số sụt giảm mạnh.

Các hãng xe nước ngoài tại Ấn Độ cũng chịu chung cảnh. Hyundai của Hàn Quốc, hãng xe đứng thứ 2 tại thị trường, chứng kiến lượng xe bán ra hụt 10% trong tháng 7 so với cùng kỳ tháng trước, trong khi “gã khổng lồ” Nhật Bản Toyota giảm 24%.

“Tình hình kinh doanh hẩm hiu này buộc nhiều công ty phải cắt giảm tổng cộng 330.000 việc làm thông qua các hoạt động đóng cửa một số đại lý ô tô, hạn chế công suất tại các nhà sản xuất phụ tùng”, ông Mathur dẫn số liệu từ các hiệp hội công nghiệp giám sát ngành sản xuất xe hơi và phụ tùng cho biết.

Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ cảnh báo từ tháng 7, nếu tình hình kinh doanh ế ẩm không khác nào khủng hoảng này còn tiếp diễn, hàng triệu việc làm sẽ bị cắt giảm.

Các nhà sản xuất ô tô tại Ấn Độ đã trực tiếp giảm ít nhất 15.000 nhân viên tạm thời và ngừng toàn bộ hoạt động tuyển nhân viên mới.

Tình hình ngành ô tô Ấn Độ lúc này thực sự là tin xấu đối với Thủ tướng Narenda Modi -người vừa tái đắc cử hồi tháng 5 và đang phải gồng gánh đất nước đông dân thứ 2 thế giới trải qua tình trạng tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất tại Ấn Độ trong 5 năm và tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Các đại diện ngành ô tô đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ như họ từng làm trong quá khứ. Họ mong mỏi chính phủ tiếp tục cắt giảm thuế để thúc đẩy thị trường ô tô chuyển động.

Đâu là nguyên do?

Theo CNN, có lẽ nguyên nhân nằm ở việc Chính phủ New Delhi ra các quy định về khí thải và an toàn mới, đẩy giá thành xe lên cao.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp tài chính tiêu dùng tại Ấn Độ gặp khó khăn nên ảnh hưởng tới khả năng cho vay. Đồng thời nền kinh tế trì trệ trên diện rộng khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm.

Trên quy mô rộng hơn, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chật vật với căng thẳng thương mại, trì trệ kinh tế, sự ra đời của công nghệ mới cùng nhiều thay đổi trong quy định.

Thực tế, trong bối cảnh đó, Ấn Độ không phải là thị trường ô tô lớn duy nhất trên thế giới đang trượt dốc. Năm 2018, thị trường ô tô lớn nhất thế giới - Trung Quốc trượt dốc lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.

Đức, cái nôi của một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen (VLKAF), BMW (BMWYY) và Mercedes-Benz đang chật vật xử lý những ảnh hưởng từ bê bối khí thải của xe diesel cũng như tương lai mù mịt sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.