Phát hành mới 15.710 tỷ đồng trái phiếu
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 1/4/2024, có 7 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 3 với tổng giá trị 8.745 tỷ đồng.
Trong đó, có 7.750 tỷ đồng trái phiếu đến từ mảng bất động sản, 500 tỷ đồng đến từ mảng chứng khoán và 495 tỷ đồng đến từ mảng dịch vụ tiêu dùng.
Lũy kế quý I/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 15.710 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Trong đó, có 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng giá trị phát hành và 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng, chiếm 83,1% tổng số.
Trong tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 21.834 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2023. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47,9% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 10.468 tỷ đồng.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo thống kê của VBMA, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 211.084 tỷ đồng. Trong đó, 37% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 78.585 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 53.847 tỷ đồng, chiếm 26%.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, theo VBMA, Công ty Cổ phần Vinhomes đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn dao động từ 2-3 năm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 500 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 1 năm và lãi suất cố định 8,3%/năm.
Thị trường phục hồi chậm
Báo cáo về thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS mới đây cũng cho thấy, từ ngày 1/3-21/3/2024, tổng trị giá TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo MBS, áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Áp lực đáo hạn lớn nhất sẽ rơi vào lần lượt quý II/2024 với trị giá là 74 nghìn tỷ đồng và quý III/2024 với trị giá 52 nghìn tỷ đồng.
Nhận định về áp lực TPDN, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng số lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 rất cao, lên tới 310.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đa số trái phiếu phát hành trong thời gian qua đến từ các công ty BĐS. Tuy nhiên, thị trường BĐS hiện vẫn đang nhiều khó khăn, do đó việc thu xếp trả nợ trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp này cũng là vấn đề lớn.
Còn Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá Nghị định 65 có nhiều quy định chặt chẽ đối với phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc quy định chặt chẽ như vậy là chưa cần thiết, nên khuyến khích thay vì bắt buộc.
Theo ông Thịnh, để đáp ứng được các điều kiện này, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc, nâng cấp lên để nhà đầu tư có niềm tin "xuống tiền".
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng đánh giá thị trường TPDN phục hồi chậm. TPDN đáo hạn năm 2024 ước tính khoảng 239.000 tỷ đồng (trong đó BĐS chiếm khoảng 42%) cho thấy thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và cần thời gian để hồi phục.
Tuy vậy, ông Lực đánh giá triển vọng TPDN năm 2024 dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới nhờ kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực hơn, thị trường dần thích ứng với quy định mới của Nghị định 65 (2022) sửa đổi để phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong dài hạn và niềm tin đang dần phục hồi.
Theo các chuyên gia, nguồn vốn trái phiếu được coi là kênh dẫn vốn trung và dài hạn với lãi suất khá ổn định và cạnh tranh so với hai nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng và cổ phiếu. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp có triển vọng tốt, kinh doanh khả thi trong công tác phát hành trái phiếu để góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù Nghị định 65 đã yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cần công bố thông tin rõ ràng, nhưng vẫn cần tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là đối với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn; Nghiêm chỉnh công bố thông tin tài chính, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản và tình hình kinh doanh…
Về phía Nhà nước, cần nâng cao hiệu quả giám sát, nhận diện kịp thời các rủi ro để cảnh báo; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp thao túng, gian lận; Giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp kiểm toán, nhằm đảm bảo các thông tin về kiểm toán doanh nghiệp được thực hiện chính xác, minh bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận