Thị trường

Thị trường xăng dầu bất ổn: Bộ Công thương đã làm gì?

28/02/2023, 10:21

Trước những dấu hiệu bất ổn của thị trường xăng dầu vừa qua, Bộ trưởng Công thương đã giải trình loạt biện pháp bộ này thực hiện…

Giám sát 24/24h ở tất cả các cửa hàng xăng dầu

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại phiên giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng nay (28/2).

Theo quy định, dù lỗ, cây xăng vẫn phải mở bán trong mọi tình huống. Nhưng thực tế, không thể chịu thêm nữa, nhiều cây xăng chấp nhận ngừng bán, chịu phạt.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm 2022, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ Công thương đã thành lập 3 Đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra đồng loạt và toàn diện hoạt động kinh doanh xăng dầu của 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Bộ cũng đã ban hành 15 công điện, chỉ thị, thông báo kết luận và nhiều công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu;

img

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về vấn đề xăng dầu

Đồng thời, tăng cường toàn bộ lực lượng thực hiện giám sát 24/24h ở tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện các cửa hàng ngừng hoạt động.

Lực lượng này cũng được yêu cầu làm việc trực tiếp với chủ DN để xác minh, làm rõ nguyên nhân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngừng bán trái quy định.

Kết quả cho thấy, trong năm 2022 và đầu năm 2023, đã giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước; thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ, với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.

“Tuy đây là giải pháp tình thế nhưng đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước”, Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra sao?

Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Công thương đánh giá, năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu, bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho DN.

Ngoài ra, tỷ giá đồng đô la và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu DN; sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các DN kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các DN đầu mối;

img

Không chịu được thua lỗ, nhiều DN chấp nhận nộp phạt để ngừng bán hàng

Bên cạnh đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.

Trước tình hình đó, tư lệnh ngành Công thương cho biết, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Linh hoạt chọn thời điểm điều hành giá; đề xuất tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia; chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với chi phí phát sinh thực tế…

“Nhờ đó, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm”, Bộ trưởng Công thương cho hay.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công thương tiết lộ, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu…

“Việc sủa đổi bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”, Tư lệnh ngành Công thương khẳng định.

Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.