Thời sự

Thi tuyển lãnh đạo tại Bộ Nội vụ: “Dám chắc không có chạy chọt”

31/10/2017, 07:42

Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định trong thi tuyển lãnh đạo tại Bộ Nội vụ chắc chắn không có tình trạng chạy chọt...

21

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định như trên khi trao đổi với Báo Giao thông về việc Bộ Nội vụ sắp tổ chức thi tuyển hàng loạt chức danh cấp phó như Phó chánh Văn phòng; Phó chánh Thanh tra; Phó vụ trưởng các vụ: Hợp tác quốc tế, Chính quyền địa phương, Pháp chế, Tiền lương...

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển lãnh đạo. Việc thay đổi cách thức tuyển dụng như lần này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết, nhằm mục đích phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ.

Vừa qua, Ban Tổ chức T.Ư cũng tổ chức thi 3 chức danh Vụ trưởng. Qua sơ kết, đánh giá việc thi tuyển lãnh đạo của hai cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về cán bộ công chức, trong đó có việc tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.

Trao đổi thêm với Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, mục tiêu của đợt thi tuyển lần này đặt ra rất rõ ràng, đó là muốn chọn đúng người tài, đủ tiêu chuẩn điều kiện, chọn một cách công tâm, khách quan, minh bạch, bố trí vào đúng vị trí yêu cầu. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức, nhưng cũng là trên cơ sở rút kinh nghiệm, đúc kết những bài học từ Ban Tổ chức T.Ư để có giải pháp, cách làm mới hơn.

Với việc thi tuyển này, có cơ hội nào dành cho các ứng viên ở ngoài Bộ Nội vụ, ngoài quy hoạch, ngoài Đảng?

Theo Kết luận số 202-TB/TW của Bộ Chính trị thì đây là Đề án thí điểm nên có nội dung vượt ra ngoài phạm vi quy định hiện nay. Đối tượng thì nguyên tắc là trong quy hoạch, nhưng không hạn chế trong nội bộ cơ quan đơn vị đó, có thể mở rộng ra các cơ quan đơn vị khác có chức danh tương đương trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực. Còn trường hợp không nằm trong quy hoạch phải được tập thể lãnh đạo đề cử và cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý. Tức là Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển thì phải được Bộ Nội vụ đồng ý.

Còn đối với người ngoài Đảng, trong Kết luận 86-KL/TW của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã cho chủ trương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi được tuyển dụng từ 1-2 năm, thì có thể bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo cấp phòng và có thể không phải là đảng viên.

Liệu như vậy có “vừa mở, vừa đóng” khi mà Bộ chính là nơi mở cửa để các thí sinh tham gia dự thi nhưng cũng lại là nơi đề cử đối với những trường hợp ngoài Đảng, ngoài quy hoạch và phải được Ban Cán sự Đảng bộ đồng ý?

Không. Phải có người đề cử, có thể tôi đề cử nhưng phải đưa ra tập thể lãnh đạo Bộ để thống nhất và Đảng ủy Bộ có ý kiến bằng văn bản. Nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do. Đó không phải là đóng hay mở, mà là đảm bảo quy trình kiểm soát và đảm bảo trong cả quá trình thi tuyển đều có sự lãnh đạo của Đảng.

Theo ông, việc thi tuyển cạnh tranh có khắc phục được hạn chế trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay?

Nguyên tắc của chúng ta là cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng thẩm quyền, đảm bảo tiêu chuẩn. Thi như vậy sẽ tuyển chọn được người xứng đáng nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức. Hình thức thi bao gồm thi viết và bảo vệ đề án, có Hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay.

Sự khác biệt giữa quy trình bổ nhiệm trước đây và bổ nhiệm qua thi tuyển như thế nào?

Trước đây, tất cả quy trình là bỏ phiếu tín nhiệm, còn giờ thi để chọn người điểm cao nhất. Việc bỏ phiếu trước đây có thể nhiều người, bỏ phiếu rồi chọn người có phiếu cao hơn. Còn thi tuyển đảm bảo tạo ra môi trường cạnh tranh, công khai minh bạch, chọn người thực sự có tài hơn, người có điểm cao nhất. Chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ có vấn đề cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh, từ đó hoàn thiện thể chế về cán bộ công chức, viên chức.

Rất khó để “chạy chọt”

Làm sao đảm bảo thi khách quan trung thực, minh bạch, công khai, không có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, chạy chọt trong quá trình thi?

Cái này là chắc chắn. Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở có không quá 17 thành viên, còn cấp phòng có không quá 11 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định. Tôi dám chắc không có chạy chọt.

Hơn nữa, một tập thể hội đồng đến 17 người, điểm tính theo trung bình cộng, ai chấm chênh lệch 20% sẽ không được công nhận nên chuyện chạy chọt sẽ khó. Ngoài ra, người lãnh đạo của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển cũng được ngồi đó và cũng được quyền hỏi, hỏi và trả lời công khai tại chỗ. Thành viên hội đồng cũng có thể mời các chuyên gia nắm sâu lĩnh vực vào hỏi, tuỳ từng chức danh.

Người trúng tuyển là những người cao điểm nhất trong những người trên 50 điểm. Sau đó, đưa ra lấy ý kiến cấp ủy bằng văn bản, không có bỏ phiếu. Trong thời hạn 3 ngày phải trả lời, trả lời xong ký quyết định bổ nhiệm ngay. Như Ban Tổ chức T.Ư vừa qua, sáng thi xong, chiều ký quyết định bổ nhiệm, rất nhanh.

Vừa qua, Ban Tổ chức T.Ư thi 3 vụ trưởng nhưng có đến 2/3 người trúng tuyển đang là vụ phó của Vụ đó khiến dư luận không khỏi băn khoăn?

Quy định đã công khai và rõ ràng rồi, thi thì chọn ra người cao điểm nhất thôi. Còn với quy trình thi tuyển như vậy, với cả tập thể hội đồng, cả quy trình thi và bảo vệ đề án như thế, tôi dám chắc đảm bảo khách quan hơn rất nhiều so với hiện nay. Tất nhiên khi làm cái mới thì hay có ý kiến này, ý kiến kia là bình thường.

Lần đầu tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, Bộ Nội vụ có thấy áp lực gì không?

Bộ không áp lực gì vì Bộ được giao trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đề án rồi hướng dẫn cả nước thực hiện. Nhưng về phía anh em tham gia thi cũng có áp lực. Khi áp dụng cái mới chắc chắn đều có sức ép.

Vì sao, Bộ không thi tuyển Vụ trưởng hoặc cấp cao hơn, như Thứ trưởng?

Hiện nay, theo kế hoạch của Bộ, trong 2 năm 2017-2018 mới thí điểm thi cấp phó và đã chọn đơn vị, lĩnh vực, chức danh, có sự thống nhất trong tập thể Ban Cán sự. Hết năm 2018, khi thi xong 8 chức danh, Bộ sẽ xem xét việc thi chức danh Vụ trưởng sao cho phù hợp. Hơn nữa, những chức danh thi hiện nay cũng đang có nhu cầu. Nguyên tắc là thi tuyển theo vị trí còn khuyết, có nhu cầu mới thi. 

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.