Tìm hiểu ý nghĩa của lễ cúng này, có người giải thích là bày bánh, cháo, gạo, muối, bỏng, oản, vàng mã... để cúng các cô hồn về hưởng. Việc hướng tâm đến các vong linh quá vãng là cần thiết theo đạo lý của dân tộc ta.
Tuy nhiên để tránh sa vào mê tín dị đoan, hãy xem xét thật kỹ một số vấn đề. Theo đạo Phật, hương linh những người quá vãng đang ở cảnh giới hóa sinh (không có thân tứ đại, chỉ có tâm thức) nên họ không thụ hưởng những đồ lễ, vật thực có nguồn gốc từ tứ đại mà ta vẫn thường bày ra cúng (cứng mềm = địa đại; dai giòn = phong đại; nóng lạnh = hỏa đại; kết dính = thủy đại).
Vậy những cô hồn ấy - họ có thể hưởng những gì? Trong một buổi lễ, khi đại chúng cùng đồng tâm lắng nghe lời thuyết giảng của các vị xuất gia để thực hành lời dạy của đức Phật là: Không làm những việc ác. Chỉ làm những điều lành. Giữ thân tâm trong sạch. Là phúc lành tự thân. Khi tất cả những người tham dự đều phát khởi thiện tâm hợp trí tuệ, thực hành những việc thiện lành, hợp với nhân quả, lợi mình lợi người như vậy thì phước thiện sẽ phát sinh. Khi đó, vị sư dẫn chúng sẽ hướng dẫn mọi người hướng tâm chia phước, hồi hướng tất cả phước thiện thanh cao đó đến 3 Ngôi Phật Pháp Tăng, đến thầy tổ, cha mẹ cùng thân quyến đã khuất của mình.
Tôi tin rằng những người có mặt trong buổi lễ sẽ cảm nhận được sự hoan hỉ của các hạng chúng sinh khuất mặt thông qua những hiện tượng như trời quang đãng, khí lành, mọi người thấy thân tâm được mát mẻ, an vui.
Thời gian gần đây, do có những chính sách cởi mở về hoạt động tâm linh nên rất nhiều người trong đó có cả thường dân hành nghề cúng bái đến các vị hình dạng bên ngoài là thầy tu, bên trong là thầy cúng đã lợi dụng để tổ chức ra những buổi lễ tâm linh tốn kém, hoành tráng đầy tính mê tín dị đoan trong đó kết hợp đủ các đạo tâm linh như hầu đồng trong chùa, sắm lễ bày biện rồi kích động sự u mê và lòng tham của những người thiếu hiểu biết về đạo để họ tranh lộc, giành giật, giẫm đạp lên nhau.
Điều này không những chỉ tạo ra những hình ảnh phản cảm, làm cho những người chưa hiểu về đạo Phật thì gièm pha, chê cười mà còn làm cho những người luôn hướng tâm đến đạo Phật thấy ngao ngán, suy giảm đức tin. Điều này vô tình đi ngược lại với hiến chương của Giáo hội Phật giáo về việc thực hành “tốt đời, đẹp đạo” và làm sụt giảm danh tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thiết nghĩ các Phật tử cần phải nâng cao sự hiểu biết và thành kính của mình khi đến dự lễ tại chùa. Ta mang tâm kính ngưỡng Tam Bảo, hướng đến điều thiện lành thì ta sẽ mang về được sự hoan hỉ và an vui. Tâm bất thiện thì cầu cúng, dâng lễ thế nào, xin được lộc bao nhiêu cũng không mang lại an yên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận