Xã hội

Dân vùng lũ quét vượt suối, băng rừng đi xin gạo sau 3 ngày bị cô lập

04/10/2022, 13:16

Sau 3 ngày bị cô lập vì lũ quét, sạt lở đất, người dân ở các bản vùng sâu đã phải mạo hiểm băng rừng, lội suối ra đi xin gạo cứu trợ.

Sáng 4/10, từng đoàn người dân tộc Khơ Mú ở các bản đang còn cô lập ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn nối đuôi nhau ra thị trấn Mường Xén để xin hàng cứu trợ. Do số lượng người ra đông bất thường nên đã có lúc tại điểm phát hàng cứu trợ hết hàng.

img

Đoàn người đồng bào dân tộc Khơ Mú từ các bản bị chia cắt bên trong theo suối đi xin hàng cứu trợ

Dân kéo ra xin gạo sau 3 ngày bị cô lập

Chị Mong Thị Bai (45 tuổi, người dân tộc Khơ Mú) cho biết: Mưa lũ vừa rồi nhà mình cũng bị thiệt hại nặng lắm. Ao cá, lợn gà bị cuốn hết không trộ (thấy) gì nữa. Gạo muối dự trữ bị ướt hết cả, phải đi xin người trong bản. Ngày ni cạn rồi phải ra đây xin gạo về thôi.

Do đường vào bản Bình Sơn 1 nơi chị Bai sinh sống đang còn bị lũ và sạt lở. Để ra thị trấn từ sáng sớm, chị Bai đã rủ một số người trong bản cùng nhau đi men theo bía rừng, Khe Tộ. Đi bộ gần 2 tiếng mới tới nơi.

Đáng buồn là khi chị Bai đến điểm phát hàng cứu trợ của nhà hàng Quế Minh thì chỉ còn nước sạch với ít cá khô, mì tôm.

Chị Bai cùng mọi người đành phải ngồi chờ, mong xin được ít gạo nữa thì về.

Cũng ngồi chờ đợi đoàn cứu trợ, bà Mòng Thị Nhòm (người Khơ Mú không biết nói Tiếng Việt), thông qua phiên dịch của chị Bai, bà Nhòm kể: Nhà tôi ở bản Bình Sơn. Lũ vừa rồi nhà bị sập. 10 người phải đi ở nhờ. Mấy ngày ăn đói mặc khát, hôm nay hết mưa, nước rút nên đi theo bà con liều vượt suối băng rừng ra thị trấn để xin cứu trợ.

Khi biết tin điểm phát quà hết hàng, bà Nhòm rất buồn. Mọi người chia cho bà ít bánh và chai nước để chờ đoàn cứu trợ dưới xuôi lên.

img

Trong lúc chờ gạo cứu trợ, bà con chia nhau những cái bánh để ăn tạm cho qua cơn đói

Anh Vũ Tiến Thành (34 tuổi) chủ Nhà hàng Quế Minh, cho biết: 2 ngày qua, khi thấy đồng bào bị lũ quét, tôi và anh em khối 2 Mường Xén đã cùng nhau mua sắm thực phẩm để nấu cơm, hong xôi, thịt, kho cá đưa đến nhà các hộ dân bị thiệt hại. Một số bà con thấy vậy đã đến đây xin đồ, nên tôi tiếp tục bỏ tiền túi ra mua mì tôm, nước uống phát miễn phí cho bà con.

Tài chính không đủ, tôi và mọi người cũng đứng ra kêu gọi, vận dụng mọi mối quan hệ để có đủ lương thực thực phẩm cấp phát cho bà con suốt 2 ngày qua. Đến hôm nay, bà con ra đông quá, gạo lại hết. Đành nói bà con chờ đợi đoàn cứu trợ đưa lên sẽ phát tiếp.

Chỉ chừng 30 phút sau, đoàn xe cứu trợ mang hàng của các tiểu thương Chợ Vinh lên. Hàng hoá nhanh chóng được cấp phát cho bà con tại đây. Trong chuyến hàng này còn có rất nhiều quần áo mới, đủ kích thước được các tiểu thương đóng bao đưa lên tặng cho người dân.

Một thành viên trong đoàn vội vã cho biết: Chính chúng em cũng không biết tổng giá trị và tổng lượng hàng bao nhiêu. Mọi người ở nhà ủng hộ và tự lên danh sách theo dõi với nhau. Hàng chúng em đưa lên toàn bộ là quần áo mới. Hi vọng sẽ giúp bà con đủ mặc trong những ngày mưa lũ này.

Nói xong đoàn lại tiếp tục đưa hàng vào sâu trong bản Hoà Sơn - nơi được xác định là thiệt hại nặng nhất.

Theo ghi nhận của PV, tính sơ bộ tại thị trấn Mường Xén có tới 4 - 5 điểm tiếp nhận và phát hành cứu trợ. Tất cả những người xuống đây đều được nhận đủ những thứ mình cần.

Chị Lữ Thị Khươn (bản Bình Sơn 1) đang gùi hàng trở về cho biết, mình được cho nhiều thứ lắm: bao gạo, thùng mì tôm, trứng gà. Người ta còn cho cả nước nữa nhưng mình không lấy vì đi bộ đường xa không mang được.

img

Em Già Y Sài (đứng thứ 2) cùng các bạn đi bộ chuyển gạo cứu trợ vào sâu trong các bản bị thiệt hại do lũ quét

"Áo xanh" chuyển hàng cứu trợ

Ở các điểm này ngoài sự tham gia trực tiếp từ chủ nhà, người dân trong xóm, còn có sự giúp sức của màu áo đoàn viên là các em học sinh cấp 3 trên địa bàn.

Anh Lê Hoài Phong (24 tuổi) cửa hàng sửa chữa xe máy Phong Phú cho biết: Nhà em thành điểm tập kết và trung chuyển hàng cứu trợ 2 ngày nay rồi. Cả nhà 5 người đều tham gia. Hàng hoá các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đưa đến là chúng em đưa vào tận trong bản cho dân, chủ yếu là bánh, sữa, mì tôm. Hộ nào khó quá thì nhà em cho thêm tiền. Hàng nhiều thì nhờ các em học sinh bốc chuyển vào, bản tắc đường thì gửi thuyền. Tính đến giờ nhà em đã đón, chuyển hàng cho gần chục đoàn từ thiện rồi.

Khi được hỏi về lý do vì sao lại tự đứng ra làm việc này?, anh Phong cho biết: “Mẹ em làm hội từ thiện của huyện Kỳ Sơn đã 6 năm. Em thấy bà con trên này còn khổ quá nên đứng ra làm thôi. Đợt lũ dâng đầu tháng 9, nhà em cũng đã tổ chức thay dầu, sửa xe máy miễn phí cho bà con bị ngập. Đợt này, bất kể ai có nhu cầu, nhà em đều sẵn sàng giúp đỡ”.

img

Trong khi đó, các bạn học sinh nam khoẻ mạnh hơn thì giúp người dân dọn dẹp nhà cửa

Hôm nay đã là ngày thứ 3 từ khi trận lũ quét xảy ra. Các đoàn thiện nguyện từ các nơi bắt đầu đến với Kỳ Sơn nhiều hơn. Do đường vào các bản Hoà Sơn, Sơn Hà, bản Cánh, Bình Sơn vẫn chưa khắc phục xong, nên toàn bộ hàng hoá được bốc xuống ở thị trấn Mường Xén, sau đó được chia nhỏ rồi các em học sinh Kỳ Sơn sẽ đưa vào tận trong bản.

Đã chuyển 4 chuyến hàng trong buổi sáng, em Già Y Sài (học lớp 10A, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn) cho biết: Nhà em ở trên Huồi Tụ nên học nội trú dưới thị trấn. Sau khi lũ xảy ra, nhà trường phát động phong trào giúp dân vùng lũ, em tình nguyện tham gia. Đi nhiều cũng mệt nhưng em cảm thấy vui vì mình đã giúp đỡ được một phần cho người dân.

Thầy Nguyễn Công Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn cho biết: Trường hiện huy động khoảng 200 học sinh nội trú tham gia giúp người dân vùng bị ảnh hưởng do lũ quét. Ban đầu, công việc của các em là phụ giúp người dân hót dọn bùn đất trong nhà đưa ra ngoài đường. Còn từ hôm qua, các em được bố trí thành từng tốp vận chuyển hàng cứu trợ vào trong bản cho người dân. Phía nhà trường tổ chức nấu ăn tại bếp, mua sữa bồi bổ cho các em.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.