Xã hội

Thiếu minh bạch chi 108 tỷ đồng hỗ trợ hạn hán ở Tây Nguyên

07/07/2016, 18:20

Hơn 108 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại do hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên có dấu hiệu vi phạm.

5

Tiền hỗ trợ từ Chính phủ vẫn chưa thực sự tạo động lực cho người dân phục hồi và phát triển kinh tế.

Hơn 108 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại do hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên đã được Chính phủ cấp. Tuy nhiên, khi thực hiện, chính quyền cấp dưới lại có dấu hiệu vi phạm, “đẻ” nhiều thủ tục gây khó cho người dân.

Chưa minh bạch

Vừa qua, tại xã Ia Drăng, huyện Chư Prông (Gia Lai), hơn 50 hộ dân thôn An Hòa đã kéo lên trụ sở xã thắc mắc vì sao tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân thiệt hại trong đợt hạn hán vừa qua chưa minh bạch, công bằng. Trong đó, việc xét duyệt hộ dân nhận hỗ trợ tiền còn quá sơ sài, chủ quan và có tính cá nhân... Theo người dân phản ánh, trưởng thôn An Hòa đã không công tâm trong việc lập danh sách các hộ dân nhận tiền hỗ trợ diện tích bị hạn hán; Không hề có một tiêu chí nào cụ thể, thậm chí cũng chẳng họp dân xem chọn ai, bỏ ai mà đơn giản là người nào gần nhà trưởng thôn thì đương nhiên được đưa vào danh sách trên.

Ông Nguyễn Văn Thịnh phản ánh: “Năm vừa rồi hạn nặng gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê do thiếu nước, bị rụng lá không kết được quả, nhiều cây phải cưa bỏ nên mất trắng. Trước đó, tôi nghe nói trên UBND xã phát tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại đợt hạn vừa rồi nên chạy lên xem. Tuy nhiên, cán bộ xã bảo không có tên trong danh sách. Tôi hỏi ra mới biết cả 20 hộ được nhận tiền hỗ trợ đều ở gần nhà ông trưởng thôn, trong danh sách này, có nhiều hộ thiệt hại không bằng gia đình tôi”, ông Thịnh nói. Còn ông Lê Quyết Chí, người cùng thôn An Hòa bức xúc hơn: “Nhà tôi có gần 2ha cà phê, tiêu bị hạn cũng không có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ. Trong khi đó, hộ cạnh nhà cà phê đủ nước tưới, thậm chí còn bán nước cho những hộ khác (500 nghìn đồng/ha) thì được nhận đền bù”.

Trả lại tiền cho Trung Ương?

Một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho rằng: “Do lần đầu triển khai thực hiện nên có sự nhầm lẫn về văn bản, toàn bộ số tiền này là để hỗ trợ mua giống khôi phục sản xuất chứ không phải hỗ trợ thiệt hại, tỉnh sẽ thu hồi số tiền còn lại trả về Trung ương sau khi mua xong giống hỗ trợ cho dân. Số tiền giống cây trồng này khoảng 1 tỉ đồng”.

Lý giải việc này, ông Lê Hoàng Anh, Trưởng thôn An Hòa (xã Ia Drăng, Chư Prông) cho hay: “Việc lập danh sách này là công tác thường niên, năm nào cũng vậy, theo biểu mẫu của cán bộ nông nghiệp xã đưa về”. Khi được hỏi, tại sao không họp dân công khai việc hỗ trợ này để bầu chọn hoặc khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại, ông Anh trả lời: “Không có hướng dẫn, các thôn khác cũng lập danh sách như vậy thôi!”.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ia Drăng Phạm Văn Xứng cho biết: Toàn xã nhận được tổng số tiền hỗ trợ là 250 triệu đồng cho 108 hộ có diện tích cà phê, tiêu, lúa nước bị thiệt hại do nắng hạn gây ra. UBND xã đã tổ chức chi trả được hơn 100 triệu đồng, hiện đang tạm dừng việc này sau khi người dân kéo lên xã phản ứng, đòi quyền lợi. “Phản ứng của các hộ dân thôn An Hòa là có cơ sở, trưởng thôn cũng đã nhận khuyết điểm việc lập danh sách theo kiểu “qua loa, đại khái” làm cho có, thiếu chính xác. “Hiện xã đang triển khai họp các thôn, kiểm tra lại các hộ nhận tiền hỗ trợ có đúng theo quy định không, nếu không đúng sẽ vận động thu hồi, lỡ sai rồi thì phải làm lại”, ông Xứng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Gặp, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết theo mức chi trả của tỉnh hộ bị mất trắng được hỗ trợ 4 triệu đồng, thiệt hại từ 30 -70% thì hỗ trợ 2 triệu đồng. Tính đến ngày 25/3 (đợt 1) toàn huyện có 19 xã, thị trấn với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 1.118ha, được tỉnh hỗ trợ đợt 1 hơn 2,2 tỷ đồng.

6

Hàng nghìn ha cây trồng tại các tỉnh Tây Nguyên bị ảnh hưởng sau đợt hạn hán

“Đẻ” thêm quy định làm khó dân?

Niên vụ 2014 - 2015, tại huyện Krông Nô (Đắk Nông), do hạn hán khốc liệt nên diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lên đến gần 5.000ha, thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô, ngay sau khi có chủ trương về việc rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng, mất trắng, chính quyền đã đề xuất hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng. Sau đó, huyện được cho tạm ứng 10 tỷ đồng  từ số tiền hỗ trợ hạn hán của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, huyện chỉ mới nhận được 2,5 tỷ đồng mua giống hỗ trợ bà con sản xuất, số còn lại vẫn chưa thể giải ngân.

Tương tự, một cán bộ phòng NN&PTNT huyện Đắk Mil nói: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì việc hỗ trợ không phân biệt đối với diện tích thiệt hại nằm trong hay ngoài vùng quy hoạch, nhưng khi gửi về tỉnh lại có thêm quy định khác nên huyện hoàn toàn không biết. Tổng số tiền hỗ trợ được phân bổ cho huyện Đắk Min là 3 tỷ đồng qua tài khoản tạm ứng, nhưng không hề chi hỗ trợ dân đồng nào vì không đáp ứng đúng quy trình, thủ tục đặt ra đồng thời bị “ngâm” nên người dân chịu thiệt”.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông đại diện Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho rằng, ban đầu bị “nhầm” tưởng số tiền này là hỗ trợ nông dân bị hạn hán, khi xem xét lại thì thấy số tiền này chỉ để hỗ trợ mua giống khôi phục sản xuất. Mặt khác, Sở NN&PTNT của tỉnh này còn vô cớ tạo thêm “rào cản”: Chỉ hỗ trợ cho diện tích cây trồng “đúng quy hoạch” và “đúng thời vụ”.

Không đồng tình với yêu cầu trên của Sở NN&PTNT tỉnh, ông Đông cho hay: “Nếu chiếu theo điều kiện này thì hầu hết nông dân bị thiệt hại sẽ không thể được hỗ trợ. Lý do là phần lớn các địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Do đó, huyện cũng không thể biết được diện tích nào là trồng đúng quy hoạch để hỗ trợ cho dân”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.