Thế giới

Thiếu nữ Iraq kể về những ngày tủi nhục trong hang ổ IS

25/09/2014, 09:34

Dù đã may mắn trốn thoát khỏi hang ổ của phiến quân thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng Aria luôn bị ám ảnh bởi những khuôn mặt "bẩn thỉu" đã cưỡng hiếp bạn bè, chị dâu của em...

Đống đổ nát sau các cuộc không kích
Đống đổ nát sau các cuộc không kích


Bắc cóc giữa đường


Trại tị nạn Khanke ở Đông Bắc Iraq, ngoại ô thị trấn Duhok, Iraq, được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dựng lên tháng trước cho dòng người Yazidi ồ ạt chạy khỏi nhà ở núi Sinjar để trốn khối cuộc tấn công dữ dội của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngồi cùng bố mẹ tại căn lều bên trong trại tị nạn, Aria (15 tuổi), nhoẻn miệng cười chào và mời những vị khách vào. Khuôn mặt rám nắng của họ hằn lên những vết nhăn khắc khổ. Họ kể về cuộc sống vốn chật vật, nay càng trở nên khó khăn hơn. Những chiếc chăn, chiếu được xếp gọn vào một góc, trừ vài cái trải xuống cho mọi người ngồi. Chiếc quạt trong lều quay lờ đờ giữa cái nóng ngột ngạt.
 

"Anh ta cưỡng bức chị ấy khiến tôi rất sợ. Nhiều bạn cũng bị cưỡng hiếp. Thật không dễ dàng gì khi nhắc lại chuyện này”.

 

Aria nói rồi ngẩng lên và lắc đầu khi được hỏi có bị làm nhục không

Khi được yêu cầu kể về câu chuyện của mình, cô bé Aria gật đầu rồi hướng mắt sang bố mẹ và bảo họ hãy lánh đi một lát. Cô không muốn họ nghe thấy những gì mình nói.

Cách đây 6 tuần, gia đình Aria chen chúc trên chiếc ôtô của hàng xóm vào đầu giờ sáng. Họ nghe thông tin rằng IS đang đến, bởi vậy, gia đình Aria cùng nhiều nhà khác cố gắng chạy trốn khỏi Sinjar.

Trong lúc đang bon bon trên đường, một đoàn xe với lá cờ đen đi ngang qua họ. Vài phút sau, ít nhất 7 chiếc xe xuất hiện trên đường và vây quanh họ. “Những người đó yêu cầu chúng tôi xuống xe. Phụ nữ và các cô gái bị tách khỏi nhóm nam giới, trong đó có anh trai 19 tuổi của tôi. Chúng chỉ bắt con gái và ép chúng tôi lên một chiếc xe tải nhỏ”, Aria nhớ lại.

Từ Sinjar, Aria, chị dâu 14 tuổi của Aria và nhiều cô bé khác bị đưa đi 120 km tới thành trì của IS ở Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq bị chiếm đóng bởi các tay súng Hồi giáo cực đoan hồi tháng 6. Nhóm các cô gái được đưa đến một ngôi nhà ba tầng và bị nhốt cùng nhiều thiếu nữ khác bị giam trước đó.

“Ở Mosul, chúng cố gắng làm cho chúng tôi thay đổi lòng trung thành và tín ngưỡng. Chúng bảo hãy đọc kinh Quran. Một số bạn nói rằng chưa từng đến trường nên không biết đọc, còn tôi thì không thể hiểu kinh Quran”, Aria nhớ lại.

Chứng kiến bạn bè bị cưỡng hiếp


Hơn ba tuần, Aria ở đó và chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh khủng. Suốt thời gian này, có một người đàn ông đến và chọn ra 20 cô gái, gồm cả chị dâu 14 tuổi của Aria. “Anh ta cưỡng bức chị ấy khiến tôi rất sợ. Nhiều bạn cũng bị cưỡng hiếp. Thật không dễ dàng gì khi nhắc tới chuyện này”, Aria nói rồi ngẩng lên và lắc đầu khi được hỏi có bị làm nhục không.
 

Tanya Kareem, Giám đốc UNHCR ở Duhok giải thích các thiếu nữ như Aria luôn gặp khó khăn khi chia sẻ về những gì đã xảy ra với mình.

 

“Thậm chí nếu các cô ấy được thả, tôi nghĩ họ không thể tâm sự về nỗi đau từng trải qua. Họ bị chấn thương. Họ đến từ một xã hội và một nền văn hóa không chấp nhận việc đó bởi nó mang tới quá nhiều nỗi xấu hổ. Do vậy mà họ tránh nhắc tới việc từng là nạn nhân của xâm hại tình dục”, CNN dẫn lời Tanya.

Aria cùng một cô bạn sau đó bị hai tay súng IS tên là Abu Hassan và Abu Jaffar đưa tới thành phố Fallujah thuộc tỉnh Anbar, Iraq. Trong ký ức của Aria, chúng “thực sự rất bẩn thỉu” với bộ râu dài, thân hình to cao đến “đàn ông còn phải sợ”.

Abu Hassan và Abu Jaffar bắt hai cô gái kết hôn với chúng và đe dọa sẽ làm đau nếu từ chối. Hai gã đó đưa cho Aria và cô gái kia điện thoại để gọi về cho gia đình và thông báo đã cải đạo.

Với chiếc điện thoại này, cả hai bí mật gọi cho bác của bạn Aria. Người bác ấy được cho là có nhiều bạn ở Fallujah có thể giúp. Chờ tới khi Abu Hassan và Abu Jaffar đi vắng, hai cô gái mặc trang phục trùm kín từ đầu tới chân rồi trốn thoát.

“Bạn của bác không thể đến ngôi nhà đó để giải cứu được. Vì thế, tôi và cô bạn đã phá cửa, đeo mạng che mặt và đi bộ khoảng một giờ tới nơi họ đang đợi. Chúng tôi được đưa tới ngôi nhà an toàn ở Fallujah”, Aria cho hay.


Khi được đoàn tụ cùng gia đình trong trại tị nạn Khanke, Aria một lần nữa lại phải chịu đựng nỗi đau khi hay tin anh trai bị giết vào hôm cô bị bắt đi. Aria không muốn ở lại đây bởi tất cả mọi người đều đã biết những gì xảy ra với cô. Cô bé tâm sự, mỗi khi ra ngoài, cô lại bị mọi người bàn tán và chỉ trỏ.

Nhưng sự kỳ thị của họ không thấm vào đâu so với những điều mà những người bạn của cô phải gánh chịu sau khi cô trốn thoát: “Chúng hãm hiếp họ vì chúng tôi bỏ trốn. Đó là một hình phạt. An ninh được thắt chặt nên không có bạn nào thoát được nữa. Tôi phải sống với điều đó mãi mãi”, Aria dằn vặt.


Thùy Linh

(Theo Anna Coren - CNN)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.