Y tế

Thiếu thuốc bảo hiểm y tế, gỡ khó thế nào?

03/12/2019, 06:50

Bài toán gỡ khó thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cần được hai ngành Y tế và BHXH quan tâm.

img
Phải đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT không phải tự chi trả thuốc trong danh mục. Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Trong thời gian gần đây, tình trạng thiếu thuốc nằm trong danh mục BHYT xảy ra tại một số cơ sở y tế, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Bài toán gỡ khó cần được hai ngành Y tế và BHXH quan tâm.

Thiếu thuốc BHYT - người bệnh chịu thiệt

Mới đây, nhiều gia đình bệnh nhi khi đưa con đến BV Nhi Đồng 2 tiêm thuốc Triptorelin điều trị bệnh dậy thì sớm, theo lịch hẹn của bác sĩ, rất ngỡ ngàng và bức xúc khi bác sĩ thông báo hết thuốc Triptorelin BHYT và chỉ còn thuốc Triptorelin ngoài BHYT. Theo đó, gia đình bệnh nhi muốn tiêm cho con phải tự đóng toàn bộ số tiền 2,6 triệu đồng, trong khi trước đây, bệnh nhân chỉ phải thanh toán 520 nghìn đồng, còn lại BHYT chi trả.

Sau phản ứng từ người nhà bệnh nhân, đại diện BV Nhi Đồng 2 đã có thông tin xin lỗi các gia đình có bệnh nhi đang điều trị bệnh dậy thì sớm tại đây. Nguyên nhân được bệnh viện thông báo là do dự trù thuốc không đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi lượng bệnh nhân điều trị bệnh dậy thì sớm tăng đột biến dẫn đến hết thuốc, BV phải “tạm ứng” 200 liều (ống Triptorelin 3,75mg) để đáp ứng nhu cầu điều trị trong những ngày tới. Điều này đồng nghĩa việc bệnh nhân dùng thuốc phải chi trả đúng số tiền thực của thuốc. BV cũng thông tin gia đình bệnh nhi sẽ được BHXH các địa phương nơi bệnh nhi cư trú… thanh toán lại số tiền đã chi trả này (?).

Còn tại BV quận Tân Phú, TP HCM, thời gian vừa qua cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị nằm trong danh mục BHYT, điển hình là một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến và thuốc giảm đau... Có những loại thuốc hết có thể thay thế nhưng một số loại thuốc hết thì không có thuốc thay thế, bệnh nhân cũng phải tự mua.

Tình trạng thiếu thuốc kháng bạch cầu (huyết thanh kháng bạch hầu) cũng xảy ra tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, phần nào gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Do chi phí loại thuốc này cao, nhiều người bệnh thậm chí bỏ điều trị.

Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT?

Nói về nguyên nhân thiếu thuốc thuộc danh mục BHYT, đại diện BV quận Tân Phú cho hay, do nhà cung cấp không giao đủ hàng theo hợp đồng đã ký kết; thuốc thuộc danh mục mời thầu nhưng không có nhà thầu tham dự hoặc không có mặt hàng nào đủ điều kiện công nhận trúng thầu, nay phát sinh nhu cầu chưa tìm ra nguồn hàng hoặc chưa hoàn tất thủ tục xử lý tình huống để mua sắm, thuốc phát sinh mới, chưa có trong kế hoạch đấu thầu... Đây cũng là lý do của nhiều cơ sở y tế khác khi lý giải nguyên nhân thiếu thuốc BHYT.

Trong khi đó, từ phía BHXH, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế cũng khẳng định: “Nghị định 146/2018 có quy định các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan BHXH và người tham gia BHYT, nhưng không có quy định nào về thanh toán trực tiếp các trường hợp người bệnh tự mua thuốc...”.

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT, đồng thời gỡ khó cho cơ sở y tê, ông Phúc cho rằng: “Trước hết, các cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc sát với số lượng sử dụng, mô hình bệnh tật, kể cả các thuốc ít sử dụng nhưng cần thiết để điều trị trong một số trường hợp như: Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, rắn cắn, dại… Trường hợp cấp bách, cần báo cáo Sở Y tế để được hướng dẫn, phê duyệt các hình thức mua sắm phù hợp, kịp thời có thuốc điều trị.

Theo tôi, Bộ Y tế cần quy định cơ chế riêng để mua sắm các thuốc điều trị trong trường hợp hiếm gặp nhưng rất cần thiết. Có thể giao cho một số đơn vị đầu ngành dự trù số lượng thuốc cần thiết. Nếu thuốc đó được sử dụng và có trong danh mục thuốc BHYT, cơ quan BHXH sẽ thanh toán, nếu thuốc đó dự trù nhưng không sử dụng và hết hạn thì ngân sách nhà nước đài thọ”.

Về phía BHXH Việt Nam, ngay sau khi ghi nhận thông tin phản ánh tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh bạch hầu, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH TP HCM và BHXH TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh bạch hầu cho người bệnh.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh có giải pháp cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh BHYT; đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện nghiêm trách nhiệm cung ứng thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, tuyệt đối không để thiếu hoặc yêu cầu người bệnh phải tự mua các loại thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được quỹ BHYT chi trả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.