Hạ tầng

Thiếu vốn bảo trì, hơn 10 nghìn km quốc lộ chưa được sửa chữa

22/10/2019, 10:26

Chỉ tính riêng trên hệ thống quốc lộ có hơn 10 nghìn km đến kỳ trung và đại tu nhưng không có vốn. Số tiền này cần tới khoảng 45.000 tỷ đồng…

img
Kinh phí bảo trì hàng năm hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu duy tu, sửa chữa các tuyến đường (Trong ảnh: Bảo trì đường bộ trên QL6 tỉnh Sơn La)

Vốn bảo trì đường bộ thiếu trước, hụt sau

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, nhiều đoạn mặt đường bị hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, người tham gia giao thông đi lại khó khăn. Thừa nhận thực trạng hư hỏng, ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh địa bàn quản lý dài hơn 500km, nhiều đoạn đã bị xuống cấp, mặt đường bong bật, phát sinh ổ gà, gây mất ATGT.

Theo ông Minh, quy định 5 năm trung tu 1 lần, 10 năm đại tu 1 lần để thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào khai thác năm 2004, đến nay đã 15 năm tuyến đường này chưa được trung, đại tu theo quy định. Với nguồn vốn hàng năm chỉ đủ sửa chữa, khắc phục những vị trí hư hỏng nặng để đảm bảo ATGT, nhưng nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

“Nếu không sửa chữa kịp thời, số tiền bỏ ra phải lớn gấp 3 so với việc được sửa chữa đúng định kỳ. Vì vậy, để đảm bảo ATGT, tuyến đường này cần được sửa chữa lớn toàn tuyến, bảo trì theo đúng quy định. Kinh phí Cục ước tính số tiền cần khoảng 1.000 tỷ đồng để thảm lại 400km mặt đường còn lại”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết thêm, việc bảo trì đường bộ có đặc thù là dàn trải, vừa thi công vừa đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, kinh phí bảo trì hàng năm thường đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. “Hiện, hệ thống quốc lộ có hơn 25 nghìn km. Trong số đó có hơn 10 nghìn km đến kỳ trung và đại tu, thảm bê tông nhựa nhưng không có nguồn vốn. Số tiền thiếu hụt lên tới 45 nghìn tỷ đồng”, ông Cường nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau 10 năm, số km đường được thảm nhựa đã được nâng từ 40% lên trên 60%. Tuy nhiên, đến nay nhu cầu vốn dành cho bảo trì các tuyến quốc lộ đang rất cấp thiết. Đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh đã quá 15 năm khai thác mà có 60% số km quá kỳ trung, đại tu 1,5 lần nhưng không có tiền thực hiện.

“Nếu năm 2020, nguồn vốn bảo trì tăng lên khoảng 15.000 tỷ đồng và các năm tiếp theo vẫn được tăng thì đến năm 2033 mới đạt được vào cấp đúng chu kỳ, theo quy định là sau 5 năm phải trung tu thảm 1 lớp mặt đường và sau 10 năm phải thảm đại tu 2 lớp. Khi đó mới giữ được tài sản đường bộ, đây là cách hiệu quả nhất để phát triển KT-XH cũng như đảm bảo ATGT”, ông Huyện nói.

Đề xuất tăng mức thu phí phương tiện

Chúng ta đã thực hiện tốt thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, nhưng đối với xe máy cần sớm có giải pháp để thu phí bảo trì đường bộ đối với loại phương tiện này. Nếu thu hiệu quả đối với xe máy sẽ có nguồn ngân sách đáng kể để duy trì chất lượng mặt đường, nhất là các tuyến đường địa phương. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc này, vấn đề là cơ chế sử dụng nguồn vốn phải công khai, minh bạch, hiệu quả thì người dân sẽ ủng hộ.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia


Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, hiện thu phí trên đầu phương tiện mới đạt khoảng trên 8.000 tỷ đồng/năm, ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù 3.000 tỷ đồng. Việc thuê kết cấu hạ tầng đường bộ vẫn khó thực hiện do chế tài chưa đầy đủ.

Để đáp ứng được nhu cầu bảo trì đường bộ, tới đây, mỗi năm Nhà nước cần tăng khoảng hỗ trợ 5 - 7 nghìn tỷ đồng. Cùng đó, cần áp dụng giải pháp tăng mức thu Quỹ Bảo trì đường bộ đối với các chủ phương tiện tham gia giao thông. “So với các nước trên thế giới, mức phí bảo trì đường bộ đối với ô tô ở Việt Nam vẫn rất thấp nên cần có lộ trình để tăng. Đây là giải pháp đảm bảo được nguồn vốn bảo trì cũng như giảm khó khăn cho ngân sách Nhà nước”, ông Huyện nói.

Đồng tình với đề xuất tăng phí bảo trì đường bộ với phương tiện, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội ô tô VN cho rằng, nguồn chi cho bảo trì đường bộ rất lớn, nhưng nguồn thu đầu phương tiện hàng năm chỉ khoảng 7-8 nghìn tỷ không thể đáp ứng yêu cầu vì hệ thống đường sá của Việt Nam sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. “Ngoài việc tăng phí, tới đây cũng cần đổi mới cơ chế quản lý, tính toán khoán bảo trì theo chi chí chất lượng thực hiện (PBC). Nhà thầu bảo trì được chủ động trong bảo trì tuyến đường mình quản lý, kịp thời sửa chữa ngay hư hỏng nhỏ, tránh phát sinh lớn gây tốn kém”, ông Thanh đề xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn Oto+ cũng cho rằng, việc tăng phí hay không phụ thuộc vào tính minh bạch trong thu chi quỹ. Tại Đức cũng đánh thuế trên đầu phương tiện rất cao, người dân cũng thấy thỏa mãn khi được sử dụng hạ tầng tốt. Người dân sẵn sàng đóng góp nếu thấy đồng tiền mình đóng góp sử dụng có hiệu quả.

Việc tăng hay giảm phí bảo trì đường bộ do Bộ Tài chính quyết định

Về hoạt động chi tiêu quỹ, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, quỹ được giám sát chặt chẽ, đúng quy định kế hoạch phân bổ. Nguồn vốn hàng năm được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT, người dân có nhu cầu có thể tìm hiểu qua kênh này. Hoạt động của quỹ hàng quý đều được báo cáo Thủ tướng, kế hoạch hàng năm có Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra, kiểm toán.

Liên quan đến việc tăng nguồn thu cho quỹ, ông Lê Hoàng Minh cho biết, trước đây Văn phòng Quỹ đã nghiên cứu tìm các nguồn thu khác cho quỹ để giảm cấp bù từ ngân sách như: Thu tiền cho thuê sử dụng hạ tầng đường bộ từ các đơn vị đặt cáp quang trên cầu đường bộ hay hành lang đường bộ. Hiện, Quỹ đã thu nộp vào ngân sách nên việc tăng hay giảm sau này sẽ do Bộ Tài chính quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.