Chính trị

"Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với thu nhập bền vững"

22/01/2016, 13:36

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trong phiên thảo luận sáng 22/1.

12576375_10204300563228998_1686278421_n
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh.

Đổi mới kinh tế phải gắn với đổi mới chính trị

Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng sáng 22/1, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, cho rằng, bên cạnh thành tựu to lớn từ công cuộc đổi mới, Việt Nam vẫn là nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng với những gì đạt được, nhất là khi nhìn trong ương quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đầu thế kỷ 19, vào năm 1820 VN đã có vị thế đáng nể về quy mô dân số, kinh tế, với thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bằng thu nhập bình quân đầu người thế giới. Nhưng nay, thu nhập bình quân theo đầu người chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới và chỉ bằng hơn 1/3 của Thái Lan.

“Mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì trong lịch sử Việt Nam phải trải qua nhiều năm chống ngoại xâm. Song, chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới – thời gian tương đương với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật bản đưa đất nước từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu thành quốc gia phát triển”, ông Vinh nói và cho rằng, yêu cầu đổi mới của Việt Nam hiện nay cấp bách hơn bao giờ hết vì một số lý do:

Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi của dân số vàng. Chúng ta chỉ còn chậm nhất 10 năm (tới 2035), cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất. Thứ hai, động lực từ công cuộc đổi mới trước đây mang lại đang dần ít phát huy tác dụng. Mặt khác, tăng trưởng dựa vào tín dụng, tài nguyên, lao động giá rẻ hiện đã không còn là lợi thế. Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế thế giới. Chúng ta chấp nhận hội nhập, tức là chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, theo ông Vinh là đòi hỏi sống còn. “Vì vậy, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông Vinh lo lắng.

Ông Vinh nhớ lại, cũng tại hội trường này, cách đây 5 năm, tháng 1/2011, Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XI đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2012, nêu rõ: “Phải kiên trì đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước phấp quyền XHCN. Nghị quyết của Đảng cũng xác định phải lấy mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất của quá trình đổi mới phát triển.

Theo nhìn nhận của ông Vinh, 5 năm qua, ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế và đã đạt được kết quả nhất định. Nhưng đổi mới chính trị chưa tương xứng, do vậy thành quả đổi mới chưa đạt như mong muốn.

Cụ thể, ông Vinh phân tích, trong 30 năm qua, thành quả nổi bật nhất của chúng ta là chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường và chính nó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta và đưa đất nước phát triển. Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động bộ máy của Đảng, Nhà nước… gần như không thay đổi. Một bộ máy chính trị phù hợp với kinh tế tập trung trước đây, đặc biệt là trong điều kiện có chiến tranh đã không còn phù hợp với kinh tế thị trường, thậm chí rào cản cho sự phát triển.

Do vậy, theo ông Vinh, trong giai đoạn tới, đổi mới chính trị đi liền đổi mới kinh tế là một yêu cầu cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình; kiên quyết thực hiện đổi mới bộ máy tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn... Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. “Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và tự lãnh đạo hiệu quả của mình, đưa đất nước phát triển”, ông Vinh nói.

Coi vị thế doanh nghiệp là vị thế quốc gia

Đóng góp ý kiến về đổi mới thể chế kinh tế, ông Vinh cho rằng, cần phải được dựa trên 3 trụ cột: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về thu nhập. Theo đó, Việt Nam phải tăng trưởng cao liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7% hằng năm, có nghĩa tương đương với mức tăng trưởng kinh tế 8%/năm, để đến năm 2015 đạt mức thu nhập bình quân theo đầu người từ 15.000-18.000 USD.

Để đạt mục tiêu này, theo ông Vinh, con đường duy nhất của chúng ta là phải tăng năng suất lao động, kinh tế. Thực tế cho thấy, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay, xuống mức rất thấp so với quốc gia trong khu vực, kể cả trong khu vực tư nhân.

Ông Vinh nhận định 3 nguyên nhân chính của tình trạng này là: Cơ cấu kinh tế, lao động rất lạc hậu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều khu vực chính thức; có hơn 44% tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân thứ hai, là nền tảng kinh tế thị trường chậm phát triển làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Thứ 3, thị trường các yếu tố như vốn, đất đai, khoáng sản… chưa phân bố theo cơ chế thị trường mà chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Cùng với tăng năng suất lao động, phải tập trung cao độ phát triển doanh nghiệp trong nước mà cụ thể là doanh nghiệp tư nhân, cả về chất lượng, số lượng. Trước mắt, phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua củng cố, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, thông tin… Đi kèm đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cung cấp, hỗ trợ vốn, kiến thức, tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong cả xã hội và phải coi vị thế doanh nghiệp là vị thế quốc gia.

Để duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài, ông Vinh lưu ý, cần tăng cường cải cách, tích cực học hỏi, đổi mới, sáng tạo trên cơ sở xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để cải thiện tình hình, năng suất cho Việt Nam. Bên cạnh phát triển nhanh về kinh tế theo quy luật thị trường, sẽ có cạnh tranh gay gắt và nới rộng khoảng cách giàu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Vì vậy, bên cạnh chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, ông Vinh cho rằng, phải xây dựng được chính sách đảm bảo công bằng cho phát triển, tạo cơ hội cho mọi người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội như dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật…

Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Ông Vinh nhận xét, năng suất trì trệ và môi trường yếu kém của khu vực tư nhân là do quản lý của Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, ông Vinh cho rằng, hiệu lực của Nhà nước phải được dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ được tổ chức bởi đội ngũ công chức thực tài và có kỷ luật; Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định kinh tế, trên cơ sở hoạch định rõ các lĩnh vực công, tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng quyền bảo vệ tài sản, đặc biệt về đất đai; Nâng cao năng lực giải trình của Nhà nước trong xây dựng cơ chế hữu hiệu kiểm soát và cân bằng giữa 3 nhánh quyền lực, tạo dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo ông Vinh, khung khổ của Việt Nam đã tạo điều kiện cho dân tham gia vào quản lý Nhà nước, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách với thực tế.

Để nhiệm vụ cải cách đảm bảo trở thành một trong 3 đột phá của Đảng ta, ông Vinh cho biết, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với một số tổ chức trong nước, quốc tế xây dựng Báo cáo kinh tế 2035, trong đó xác định kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới; mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến 2035 là gì; điều gì cản trở và bằng cách nào để Việt Nam đạt mục tiêu của mình.

Theo đó, báo cáo nêu các chuyển đổi lớn bao gồm: Nhà nước pháp quyền hiện đại, kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ cao; Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân; Bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế; Phát triển bền vững về môi trường; Gia tăng mật độ kinh tế trong đô thị hóa và tăng kết nối với các vùng lân cận.

“Nước ta đang đứng trước bước ngoặt cải cách và phát triển. Thời cơ, thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, công bằng và dân chủ, sáng tạo, công bằng, dân chủ, chúng ta buộc phải cải cách trên các vấn đề nêu trên. Nếu không chúng ta không thể khai thác cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi tin tưởng rằng, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh để thực hiện thành công công cuộc đổi mới”, ông Bùi Quang Vinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.