Thị trường

"Thịt lợn nhiễm chất tạo nạc" ở Nghệ An lại... an toàn

26/05/2016, 11:46

Mẫu thịt lợn được cho rằng nhiễm chất tạo nạc sau khi kiểm nghiệm lại cho kết quả âm tính với chất này.

11

Lò mổ lớn nhất Nghệ an được cho là thịt lợn có nhiễm chất tạo nạc

Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Vinh đã công bố thông tin về kết quả kiểm tra đột xuất tại lò giết mổ gia súc tập trung của gia đình ông Phạm Văn Hạnh (tại xóm 5, xã Nghi Phú). Đây là một trong những lò mổ lớn nhất tỉnh Nghệ An, với số lượng giết mổ trung bình mỗi ngày gần 200 con lợn. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng lấy mẫu test nhanh và phát hiện 3/4 mẫu thử dương tính với chất tạo nạc Salbutamol.

“Sự thật” vụ lò mổ lợn nhiễm chất tạo nạc ở Nghệ A

Công văn đề nghị kiểm nghiệm mẫu thịt lợn nghi nhiễm chất tạo nạc của UBND TP. Vinh

Sau đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu ông Phạm Văn Hạnh tạm dừng hoạt động giết mổ và lấy 3 mẫu thịt, gửi 1 mẫu lên Trung tâm Kiểm định vệ sinh thú y TƯ 1, ông Hạnh giữ 1 mẫu, đoàn liên ngành giữ 1 mẫu. Đồng thời, đình chỉ lò mổ chờ kết quả xét nghiệm.

Sự việc được thông tin rộng rãi khiến người dân TP. Vinh hoang mang, thịt lợn tại nhiều chợ sau đó ế ẩm vì tâm lý e ngại của người dân. Điều bất ngờ là sau 2 ngày công bố thông tin ban đầu, lực lượng liên ngành lại công bố kết quả trái ngược với kết quả xét nghiệm các mẫu thịt lợn trước đó.

“Sự thật” vụ lò mổ lợn nhiễm chất tạo nạc ở Nghệ A

Kết quả kiểm nghiệm hoàn toàn trái ngược với kết quả test mẫu
của đoàn liên ngành.

Cụ thể, các mẫu thịt gửi đi kiểm nghiệm đều cho kết quả âm tính với 3 loại chất tạo nạc Salbutamol, Clenbuterol, Raetopamin.

Ngày 26/5 trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thông, Phó phòng kinh tế UBND TP Vinh , thành viên đoàn liên ngành khẳng định: Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y TƯ I, đối với các mẫu thịt lợn do đoàn liên ngành gửi ra đều không phát hiện 3 loại chất là Salbutamol, Clenbuterol, Raetopamin là loại chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ gia súc. Như vậy, lợn và thịt lợn tại cơ sở giết mổ của ông Hạnh không nhiễm chất tạo nạc.

Theo lý giải của ông Thông, việc sai lệch kết quả này là do quy trình thử. Ban đầu đoàn lấy 3 mẫu test nhanh nước tiểu lợn để kiểm tra chất tạo nạc Salbutamol, kết quả cả 3 mẫu đều cho kết quả dương tính. Tiếp đó, để cho kết quả chính xác nhằm xử lý nghiêm vi phạm, đoàn tiếp tục lấy 3 mẫu thịt của con lợn đó, niêm phong bảo quản theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y TƯ I. Trong 3 mẫu thì có một mẫu được giao cho chủ cơ sở tự bảo quản làm đối chứng, 1 mẫu đoàn liên ngành giữ, mẫu còn lại đem đi kiểm nghiệm.

Ông Thông cũng khẳng định: Trực tiếp tôi đã ra Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y TƯ I để giám sát quá trình chuyển mẫu và kiểm nghiệm, nên kết quả lần này là chính xác.

“Trong quá trình test chất tạo nạc bằng que thử trên nước tiểu lợn vẫn có khả năng xảy ra hiện tượng dương tính ảo. Kết quả test thử trên nước tiểu chỉ là cơ sở định lượng ban đầu. Theo quy định thì kết quả kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm tra mới là căn cứ cuối cùng để cơ quan chức năng ra quyết định xử lý, xử phạt với tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Thông lý giải.

Được biết, trong tối 25, rạng sáng ngày 26/5 đoàn kiểm tra liên ngành đã thông báo kết quả này tới cơ sở giết mổ lợn của ông Phạm Văn Hạnh, cho phép cơ sở này tiếp tục giết mổ đối với lô lợn nghi nhiễm chất tạo nạc mà đoàn đã niêm phong trước đó. Hiện đoàn cũng đang thống nhất với chủ cơ sở về việc bồi thường đối với con lợn đoàn đã niêm phong để lấy mẫu kiểm tra.

“Việc bồi thường sẽ được thực hiện đúng theo trình tự và quy định của pháp luật”, ông Thông khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.